- Chương trình Nâng cao nhận thức Đa dạng sinh học giai đoạn 2001 - 2010 đã nêu lên “bảo tồn Đa dạng sinh học hiện nay cũng như mai sau phụ thuộc vào trình độ nhận thức của những người hoạch định chính sách, cũng như phụ thuộc vào trình độ dân trí, thái độ và hành vi của mọi tầng lớp trong xã hội.
(nguồn: Hiện trạng Đa dạng sinh học Việt Nam năm 2005)
- Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã khẳng định phải “thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ Đa dạng sinh học”.
Như vậy công việc nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng là cộng việc cấp bách đồng thời cũng là công việc thường xuyên ở khắp mọi nơi, mọi lúc để cho “bảo vệ Đa dạng sinh học nói chung, rạn san hô nói riêng trở thành một ý niệm đạo đức của thời đại”.
• Mục tiêu: Công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nhằm cung cấp cho người dân các kiến thức và kỹ năng cần thiết về các qui định bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường của nhà nước; các qui định về hoạt động khai thác thủy sản được phép và các kiến thức về san hô, kiến thức nuôi trồng thủy sản có hiệu quả; những giá trị của tài nguyên thiên nhiên,…
• Đối tượng tuyên truyền:bao gồm cộng đồng dân cư và các cán bộ địa phương • Các hoạt động cụ thể:
- Đối với cộng đồng dân cư:
+ Tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức và truyền đạt thông tin đến người dân thông qua các chương trình truyền thanh và chương trình giáo dục về bảo tồn biển.
+ Triển khai các chương trình giáo dục bảo tồn biển cho tất cả các trường học trên địa bàn Huyện – đặc biệt tại xã Vạn Hưng.
+ Trình chiếu nhiều phim về môi trường để nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và bảo vệ môi trường.
+ Phát hành các bản tin để nâng cao nhận thức cho người dân về KBTB.
+ Lắp đặt các mẫu trưng bày tại Trung tâm giáo dục cộng đồng của thôn Xuân Tự.
+ Hội thảo chuyên đề.
+ Cung cấp tài liệu, sách báo, tờ rơi giới thiệu tiềm năng, giá trị tài nguyên thiên nhiên cũng như các qui định của nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên, kỹ năng và kiến thức áp dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học về nuôi trồng hải sản, bảo vệ và phục hồi tài nguyên …
+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhóm nhỏ, xây dựng các câu lạc bộ yêu thiên nhiên, môi trường, nuôi trồng hải sản.
+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, viết, vẽ về môi trường, thiên nhiên
+ Đặc biệt, đối với cộng đồng sống trên biển, phương pháp tốt nhất là tổ chức các tàu thuyền truyền thông và ngôn ngữ, thông điệp áp phích, các hoạt động thu hút sự tham gia của cộng đồng phải được soạn thảo phù hợp. Bên cạnh đó cần gắn kết nội dung truyền thông môi trường với các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân vùng biển như đua thuyền, lễ hội cầu ngư…
- Đối với cán bộ địa phương:
+ Trang bị và nâng cao kiến thức môi trường + Nâng cao kĩ năng truyền thông môi trường
Khu bảo tồn biển Rạn Trào ra đời trong bối cảnh môi trường và nguồn lợi ven biển của Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Một hệ thống các KBTB cấp quốc gia đã được nghiên cứu và bước đầu một vài dự án thí điểm đã đưa vào thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế.
Khu bảo tồn Rạn Trào đã được IMA Việt Nam thực hiện trong 3 năm và MCD thực hiện trong 2 năm theo nguyên tắc quản lý dựa vào cộng đồng, lấy người dân làm trung tâm với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, người dân đã có nhận thức nhất định về bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Kết quả hoạt động 5 năm vừa qua tại KBTB Rạn Trào đã thiết lập nên một nền tảng rất quan trọng trong việc quản lý dựa trên sự tham gia cộng đồng.
Hiện nay, nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ san hô đã có nhiều thay đổi. Người dân quan tâm hơn đến việc nuôi con gì, qui mô và mức độ ra sao để không gây hại đến môi trường. Họ trao đổi với nhau thường xuyên hơn về những tác động môi trường đến sinh kế. Người dân đã thấy và tham gia vào một vài hoạt động sinh kế thân thiện với môi trường và thấy một phần lợi ích của nó, mặc dù lợi ích kinh tế vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các kiến thức về san hô và nhận thức của họ về vấn đề bảo vệ rạn san hô vẫn chưa được đầy đủ. Như vậy, việc tổ chức các chương trình truyền thông nhằm giáo dục nâng cao hiểu biết và nhận thức cho cán bộ và người dân địa phương được xem là một hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa.
Con đường đã qua đầy những gian nan nhưng con đường trước mắt còn khó khăn hơn nhiều bởi vẫn còn những thách thức rất lớn về lâu dài để đảm bảo sự duy trì và sự phát triển của KBT. Đặc biệt vấn đề thu hút người dân tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ven biển mới chỉ là bước khởi đầu.