Đối với Quốc hội, Bộ, ngành Trung ương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý chi ngân sách nhà nước tại phòng tài chính kế hoạch thành phố thái bình (Trang 71 - 73)

5.2.1.1. Đối với Quốc hội

Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN phù hợp với giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý NSNN. Phân cấp quản lý NSNN là vấn đề lớn, phức tạp đòi hỏi phải được nghiên cứu giải quyết thỏa đáng theo nguyên tắc rõ ràng, ổn định, công bằng, hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả Trung ương và địa phương. Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) nêu rõ: "phân định trách nhiệm, thẩm định giữa các cấp chính quyền theo hướng phân cấp rõ hơn cho địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ", đã cho thấy quan điểm đổi mới phân cấp quản lý NSNN hiện nay không chỉ nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, mà còn phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cấp chính quyền địa phương làm chủ ngân sách cấp mình. Để thực hiện quan điểm đó phải có bước đi và giải pháp thích hợp. Trước mắt cần mở rộng phân cấp cho địa phương thẩm quyền quản lý KT-XH trong nhiều lĩnh vực, khẳng định mỗi địa phương là một pháp nhân công quyền, có nguồn lực riêng và tổ chức bộ máy phù hợp để tăng tính tự quản và tự chịu trách nhiệm, được chủ động tìm kiếm và huy động các nguồn vốn thông qua các hình thức vay, nhận viện trợ trong và ngoài nước, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương.

Cần cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính, gắn phân cấp quản lý NSNN với phân cấp quản lý KT-XH và hành chính. Phân biệt rõ đây là đơn vị hành chính cơ sở, đơn vị hành chính trung gian; đâu là đơn vị hành chính đô thị và đâu là đơn vị hành chính nông thôn để có cơ sở đổi mới một cách cơ bản và sâu sắc chính quyền địa phương. Phân loại các đơn vị hành chính theo quy mô, diện tích, dân số, đặc điểm và chỉ số phát triển KT-XH làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách phù hợp với từng loại đơn vị hành chính. Tổ chức hợp lý, tinh gọn bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ đảm bảo ổn định và chuyên môn hóa cao.

Mạnh dạn áp dụng việc phân quyền, ủy quyền, tự quản với mục tiêu là làm cho chính quyền Trung ương chỉ tập trung sức lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính chiến lược quốc gia, hàm lượng chất xám cao, tầm nhìn rộng. Đối với chính quyền địa phương, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ bắt buộc gắn với nguồn tài chính công tại chỗ và nguồn tài chính công bổ sung từ cấp trên còn được thực hiện những nhiệm vụ có tính tự quản do chính quyền địa phương tự để ra phù hợp với đặc thù của địa phương, không trái pháp luật.

Để tạo thế chủ động và tính độc lập tương đối của ngân sách địa phương cần nghiên cứu mở rộng hơn các quyền tự chủ tài chính của địa phương ban hành mức thu phù hợp, xóa bỏ hình thức hỗ trợ theo số chênh lệch thu - chi, thực hiện bổ sung cân đối ngân sách cho địa phương theo các tiêu thức cụ thể về dân số, thu nhập bình quân đầu người, vị trí địa lý mức độ hưởng thụ các dịch vụ công…

5.2.1.2. Đối với Bộ Tài chính

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước điều hành và quản lý vĩ mô nền kinh tế, nên định hướng của công tác thanh tra nói chung, công tác thanh tra tài chính nói riêng không thể vượt ra ngoài phạm vi chung nhất về phương pháp quản lý một nền kinh tế thị trường. Công tác thanh tra tài chính phải được phát triển để đáp ứng nhu cầu của Nhà nước về quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế. Thanh tra tài chính tuy trực thuộc Bộ Tài chính nhưng là thanh tra chuyên lĩnh vực tài chính, khác với thanh tra ngành, ví dụ như thanh tra ngân hàng. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính có thể thực hiện ở hầu hết các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở nhằm đảm bảo pháp luật, chế độ tài chính - kế toán được chấp hành nghiêm chỉnh, giữ vững sự lãnh đạo vĩ mô của Nhà nước. Do vậy, thanh tra tài chính cần sớm được kiện toàn về mọi mặt cả về tổ chức cũng như số lượng và chất lượng thanh tra viên.

Công tác thanh tra tài chính thời gian tới càng tập trung thì hiệu quả càng cao. Hiện tại, theo cơ cấu tổ chức, ngoài thanh tra tài chính ở Bộ Tài chính còn có thanh tra thuế, thanh tra kho bạc. Các hệ thống thanh tra này hoạt động chưa có sự gắn kết với nhau, đôi khi còn chồng chéo dẫn tới giảm hiệu lực của công tác thanh tra. Đi đôi với kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra Tài chính, pháp lệnh thanh tra được ban hành từ những năm 1990 đến nay cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế càng được sửa đổi. Pháp lệnh sửa đổi cần phân

định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra, tránh tình trạng người đi thanh kiểm tra về tài chính - kế toán lại không am hiểu gì về công tác tài chính - kế toán.

Việc lựa chọn làm công tác thanh tra và nâng cao năng lực thanh tra viên nhằm nâng cao uy tín của tổ chức thanh tra cũng là một trọng tâm mà thời gian tới phải làm.

Để đáp ứng nhu cầu của Nhà nước về quản lý và điều hành NSNN. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính phải được thực hiện ở tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị cơ sở nhằm đảm bảo pháp luật, chế độ tài chính kế toán được chấp hành nghiêm chỉnh, kịp thời phát hiện uốn nắn, xử lý sai phạm. Như vậy, muốn có cán bộ đội ngũ thanh tra, kiểm toán Nhà nước thì cần phải xây dựng các công ty kiểm toán một cách độc lập, có chế độ ưu đãi cụ thể để tránh những tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Đổi mới công tác kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ NSNN, xóa bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý chi ngân sách nhà nước tại phòng tài chính kế hoạch thành phố thái bình (Trang 71 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)