- Có thể đánh giá rằng, công tác xây dựng tiêu chuẩn của lĩnh vực chế biến, bảo quản thuỷ sản đã bám sát được yêu cầu quản lý ngành; phục vụ kịp thời cho những định hướng phát triển của Ngành theo từng giai đoạn. Bên cạnh những giải pháp khác về KHCN; việc xây dựng, công bố và ban hành các TCVN, QCVN làm công cụ quản lý đã giúp Bộ có những biện pháp kỹ thuật để hoàn thành được những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành (như công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hoá chuyên ngành thuỷ sản; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa;...).
- Bên cạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn cấp Nhà nước, cấp Ngành; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng rất quan tâm đến những hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế trong tiến trình hội nhập quốc tế của Ngành. Liên tục nhiều năm qua, trong điều kiện còn có nhiều khó khăn về kinh phí, Bộ NN&PTNT cũng đã cử hàng chục lượt cán bộ của các đơn vị chức năng tham gia các cuộc họp của Uỷ ban CODEX quốc tế (trong các ban như: Ban kỹ thuật Thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản, Ban kỹ thuật Kiểm tra thực phẩm XNK và chứng nhận hệ thống, Ban kỹ thuật Vệ sinh thực phẩm, Ban kỹ thuật Ghi nhãn thực phẩm,...). Kết quả là đã cùng với Thái Lan xây dựng và ban hành tiêu chuẩn CODEX về nước mắm (CODEX STAN 302 – 2011).
- Những đóng góp của ngành Thuỷ sản Việt Nam trong công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc tế còn chưa được nhiều như mong muốn. Tuy nhiên, qua các cuộc họp quốc tế đó, cũng đã tạo điều kiện cho cán bộ của Ngành tiếp cận và cập nhật được tình hình, tham mưu giúp cho công tác quản lý của Bộ đúng hướng và có biện pháp hữu hiệu để hàng hoá thuỷ sản Việt Nam đến được với nhiều thị trường thế giới. Nhiều cán bộ thuộc các đơn vị quản lý, nghiệp vụ, nghiên cứu của Bộ NN&PTNT đã tham gia và hoạt động tích cực trong Uỷ ban CODEX Việt Nam và các ban kỹ thuật có liên quan.