Phân 2 Tổng quan tài liệu
2.1. Tổng quan về quy hoạch sử dụng đất
2.1.6. Thực trạng công tác quy hoạch trên thế giới và ở Việt Nam
2.1.6.1. Trên Thế giới
Trên thế giới, công tác quy hoạch đã được tiến hành từ nhiều năm trước. Do đó, họ có nhiều kinh nghiệm và công tác quy hoạch ngày càng được chú trọng và phát triển, họ có cả quy hoạch vĩ mô và quy hoạch vi mô. Quy hoạch ở các nước này diễn ra trong thời gian dài.
Đặc điểm của các nước này là thiên về mở rộng các công trình sử dụng chuyên dùng, đất khu dân cư và đất khu thương mại dịch vụ, còn về những đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang đất bảo vệ môi trường hoặc vui chơi giải trí. Một trong những nước thuộc nhóm này đã xây dựng cơ sở lý luận của ngành quy hoạch đất đai tương đối hoàn chỉnh đó là Liên Xô.
Tại Liên Xô, nhiệm vụ của quy hoạch sử dụng đất đai nhằm phục vụ cho việc tổ chức lãnh thổ, phân bố và phát triển lực lượng sản xuất trên phạm vi lãnh thổ, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả đất đai của từng đơn vị sử dụng đất, từng nông trang cũng như các đơn vị sản xuất nông nghiệp… Công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn và được tiến hành thường xuyên, có luận chứng kinh tế - kỹ thuật với đầy đủ tính khoa học và pháp lý.
Đối với các nước đang phát triển việc quy hoạch sử dụng đất mới chỉ là mức vi mô, chú trọng hơn vào quy hoạch mặt bằng và mục tiêu lương thực, thực phẩm còn mục tiêu về môi trường, vấn đề sử dụng đất lâu dài thì chưa được chú trọng, đặc biệt là các nước Châu Phi. Tuy nhiên, một số nước đã chú trọng đến vấn đề môi trường sinh thái và sử dụng đất bền vững.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về đất đai của con người ngày càng lớn. Công tác quy hoạch sử dụng đất đang được cả Thế giới quan tâm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ đã và đang nghiên cứu thực hiện nhiều chương trình quy hoạch nói chung cũng như quy hoạch sử dụng đất ở nhiều nước đang phát triển và một số nước chậm phát triển trên thế giới.
Năm 1992 tổ chức lương thực nông nghiệp liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra quan điểm quy hoạch đất đai nhằm sử dụng đất có hiệu quả, bền vững, đáp ứng tốt những yêu cầu ở hiện tại và đảm bảo an toàn cho tương lai chú trọng đến hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường, gắn liền với phát triển bền vững.
Bên cạnh đó các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)… Đã tài trợ cho nhiều chương trình quy hoạch và đã được thực hiện thành công ở nhiều nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc…
Hiện nay, công tác quy hoạch đất đai đã và đang được tiến hành ở hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới và được áp dụng theo 3 mức: Quốc gia, tỉnh, huyện.
2.1.6.2. Ở Việt Nam
Tình hình quy hoạch phân bổ sử dụng đất ở nước ta là công việc khá mới mẻ so với các nước trên thế giới, kinh nghiệm thực tế còn ít, thiết bị kỹ thuật còn hạn chế. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trước tình hình phát triển của nền kinh tế xã hội, chúng ta đang từng bước khắc phục khó khăn, kế thừa kinh nghiệm của các nước trên thế giới để vận dụng vào tình hình thực tế của nước ta. Nhìn nhận lại công tác quy hoạch đất đai ở nước ta có thể thấy rằng:
* Về thành tựu:
- Đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đất đai đồng thời tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ và sự tham gia của nhân dân trong việc quy hoạch sử dụng đất, bước đầu tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trung ương và địa phương trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai.
- Quy hoạch sử dụng đất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có tác dụng đảm bảo cân đối giữa nhiệm vụ chiến lược an ninh lương thực quốc gia và sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, xác lập cơ chế điều tiết việc phân bố đất đai cho các mục đích sử dụng, chủ động dành quỹ đất hợp lý cho việc phát
triển công nghiệp đô thị, cơ sở hạ tầng, cũng như các công trình văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế…
- Đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển dịch diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác.
- Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Nhà nước nắm chắc được quỹ đất đai và xây dựng chính sách quản lý và sử dụng đất đai đồng bộ có hiệu quả cao; dự tính được các nguồn thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước…
* Những hạn chế, bất cập:
- Đa số các ngành chưa triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kế hoạch sử dụng đất của một số ngành nghề mới được đề cập ở dạng phương hướng sử dụng tài nguyên đất trong các nội dung của quy hoạch chuyên ngành.
- Ở các địa phương, mặc dù đã xác định được tầm quan trọng trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình, nhưng do còn thiếu lực lượng triển khai và khó khăn trong việc cân đối kinh phí đầu tư hàng năm cho công tác này, nên tiến độ thực hiện còn chậm.
- Cấp tỉnh là nơi lập kế hoạch sử dụng đất liên quan đến mọi đối tượng sử dụng đất trên địa bàn để trình Chính phủ, nhưng lại không đủ các thông tin đặc trưng cơ bản của từng đối tượng như là: Nhu cầu sử dụng đất, khả năng tài chính, tiến độ triển khai thực hiện dự án…
- Kinh phí đầu tư cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế.