Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Yên Thế
4.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế xã hội
4.1.2.1. Khái quát thực trạng phát triển kinh tế
Năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của huyện Yên Thế đạt 12,1%/năm. Tổng giá trị GDP năm 2015 đạt khoảng 974,292 tỷ đồng. Xuất phát điểm của nền kinh tế huyện Yên Thế còn ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh (thu nhập bình quân/người chỉ bằng 70,78% so với tỉnh Bắc Giang) và còn
thấp hơn nhiều so với bình quân chung toàn quốc, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 15 triệu đồng/người (giá hiện hành), chỉ bằng 39,63% toàn quốc.
Trong những năm qua, xét về tổng GTSX tỷ trọng nông – lâm – thủy sản trong cơ cấu đã giảm 9,55%; Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 8,62% và thương mại - dịch vụ tăng 0,92%. Tuy nhiên cơ cấu kinh tế vẫn có sự chênh lệch nhau thể hiện: ngành nông, lâm, thủy sản còn chiếm tỷ trọng lớn trong khi tỷ trọng công nghiệp và xây dựng còn thấp.
Có thể nói, sự phát triển kinh tế huyện Yên Thế trong những năm gần đây về cơ bản nhịp độ tăng trưởng tương đối đều. Thực tế trong thời gian qua, quá trình chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế đã tiến triển theo chiều hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Nhưng cơ cấu kinh tế chuyển biến chậm, giá trị nông – lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GDP của huyện; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chưa phát triển mạnh nên chưa tác động nhiều đến hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng xuất phát điểm của nền kinh tế huyện Yên Thế vẫn thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Tuy tốc độ tăng trưởng của huyện có tăng nhưng không nhiều nên còn rất khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa huyện và mức bình quân chung toàn tỉnh, nếu không có các giải pháp kịp thời và hiệu quả để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế thì Yên Thế không thể bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế của cả tỉnh.
4.1.2.2. Các lĩnh vực xã hội
a) Giáo dục – đào tạo
Hệ thống trường lớp tiếp tục được củng cố và phát triển. Toàn huyện có 70 trường học các cấp (giáo dục mầm non 22 trường, tiểu học 21 trường, trung học cơ sở và phổ thông cơ sở 23 trường, trung học phổ thông 3 trường), 1 trường trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường trung cấp nghề miền núi. Có 33/67 trường đạt chuẩn quốc gia (32,84%). Toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 21/21 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Đến nay, 87% số phòng học hệ phổ thông được kiên cố hoá, trang thiết bị phục vụ dạy học được quan tâm đầu tư. Công tác xã hội hoá giáo dục, hoạt động khuyến học tiếp tục được đẩy mạnh. Các Trung tâm học tập cộng đồng được thiết lập ở hầu hết các xã và hoạt động có hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ngày càng được tăng cường về số lượng và nâng cao trình độ. Chất lượng giáo dục ngày càng cao. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn khối mầm non là 98% và khối phổ thông là 99%.
Trong những năm qua, ngành giáo dục đào tạo huyện Yên Thế luôn giữ vững danh hiệu tiên tiến xuất sắc.
b) Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân * Mạng lưới y tế và trang thiết bị y tế
Hệ thống y tế trên địa bàn huyện Yên Thế hiện nay bao gồm: phòng y tế huyện, 1 bệnh viện đa khoa huyện, 1 phòng khám đa khoa khu vực (Mỏ Trạng), 1 trung tâm y tế dự phòng và 21 trạm y tế xã, thị trấn.
+ Bệnh viện đa khoa huyện: 120 giường bệnh; đang được nâng cấp xây dựng mới đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Trang thiết bị chủ yếu gồm: máy X quang, máy điện tim, siêu âm, máy tạo ôxy, máy thở, máy monitor, hệ thống gây mê hồi sức, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học...
+ Phòng khám đa khoa khu vực: 10 giường bệnh; được xây kiên cố có đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh theo quy định.
+ Trung tâm y tế dự phòng: cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn, các phòng làm việc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay đang là nhà cấp 4.
+ Các trạm y tế xã, thị trấn: đã có 20 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Còn 1 xã chưa đạt chuẩn là xã Đông Sơn.
Nhìn chung, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố và phát triển. Cơ sở vật chất trang thiết bị được tăng cường.
* Đội ngũ cán bộ y tế
Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường. Tổng số cán bộ của ngành hiện có: 276 người, trong đó: 13 bác sỹ chuyên khoa I, 44 bác sỹ, 30 y sỹ đa khoa, 27 y sỹ sản nhi, 26 y sỹ y học dân tộc, 1 cử nhân y tá, 65 y tá trung học, 29 nữ hộ sinh, 8 dược sỹ trung học, 1 dược tá, và 23 cán bộ khác.
Tỷ lệ 6 bác sỹ/1 vạn dân. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 100%. c) Văn hoá - thể thao
+ Hệ thống các thiết chế văn hóa thông tin Yên Thế gồm: nhà văn hoá cấp xã (có 5 xã); nhà văn hóa cấp thôn, bản, phố có 197 nhà (có 149 nhà văn hoá
thôn bản không kiêm). Toàn huyện đã chuyển đổi, xây dựng mới được 35 nhà văn hoá thôn bản.
+ Sân vận động: toàn huyện có 19 sân vận động (đều do các xã, thị trấn quản lý), 12 sân bóng chuyền, 8 nhà thi đấu, 1 bể bơi và 1 sân bóng rổ.
+ Hệ thống thư viện: có 1 thư viện huyện với 5000 đầu sách, 4 thư viện cấp xã, 18 điểm bưu điện văn hoá xã, 21 tủ sách pháp luật cấp xã. 70% các trường học có thư viện.
d) Quốc phòng - An ninh
Công tác Quốc phòng – An ninh được quan tâm, chế độ trực ban luôn được duy trì. Hoàn thành công tác xây dựng, củng cố lực lượng dự bị động viên, công tác xây dựng và củng cố lực lượng dân quân tự vệ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp các lực lượng tăng cường bám chắc địa bàn, nắm chắc tình hình an ninh, chính trị, tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho cấp uỷ, chính quyền địa phương. Lực lượng vũ trang luôn chủ động, giải quyết các vụ việc đột xuất, phức tạp trên địa bàn. Chú trọng công tác phòng ngừa và đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
4.1.2.3. Đánh giá chung về kinh tế - xã hội của huyện Yên Thế
a) Thuận lợi
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và giúp đỡ có hiệu quả của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện nên KT – XH huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá. GTSX tăng bình quân 10,1%/năm; Ngành công nghiệp – xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 15,62%/năm; tiếp đó là thương mại và dịch vụ 9,46%/năm và thấp nhất là nông, lâm, thuỷ sản 9,33%/năm.
Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong vòng 11 năm, cơ cấu GTSX (theo giá hiện hành) ngành nông lâm thuỷ sản giảm 9,55% (từ 72,02% xuống còn 62,48%). Cũng trong cùng thời gian, công nghiệp và xây dựng tăng 8,62% và thương mại – dịch vụ tăng 0,92% (chỉ tiêu VAT tăng 4,81%). Trong từng ngành đã có chuyển dịch cơ cấu, gắn sản xuất
với thị trường, nâng cao hiệu quả. Nền kinh tế phát triển với sự đóng góp của các loại hình sở hữu và các thành phần kinh tế.
Chất lượng nguồn nhân lực có bước chuyển biến, khoa học công nghệ có bước tiến bộ. Đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tăng, cơ sở vật chất các trường học đã được cải thiện rõ rệt – tỷ lệ phòng học kiên cố hoá cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đào tạo nghề có sự tăng trưởng về quy mô đào tạo và ngành nghề đào tạo, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao – ngành giáo dục huyện Yên Thế nhiều năm liền là đơn vị tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.
Lĩnh vực văn hoá – xã hội, từng bước kết hợp hài hoà phát triển văn hoá với phát triển kinh tế. Hoạt động văn hoá, thông tin phát triển đa dạng, mạng lưới thông tin phát triển rộng khắp các xã, thị trấn góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân. Thể dục thể thao có bước phát triển đạt nhiều huy chương trong các hội.
Lĩnh vực lao động và việc làm đã được sự quan tâm của cấp uỷ chính quyền và các ngành. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng; mạng lưới y tế được củng cố và nâng cấp cơ bản, hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh.
Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được củng cố tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường. Cải cách hành chính có nhà chuyển biến tiến bộ, đội ngũ cán bộ được nâng cao cả về năng lực và trách nhiệm đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
b) Khó khăn
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá nhưng còn thấp so với tiềm năng, chưa đủ sức tạo ra sự bứt phá để rút ngắn khoảng cách với mức bình quân chung toàn tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp còn cao trong cơ cấu kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá còn thấp.
- Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn: Các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có quy mô nhỏ bé, tiến độ triển khai thực hiện đầu tư vào các cụm công nghiệp còn chậm. Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn lúng túng. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ bé, ngành nghề nông thôn phát triển chưa mạnh.
- Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thuỷ sản: Phát triển chưa toàn diện, chưa có những vùng chuyên canh rõ rệt. Diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao còn ít, các mô hình kinh tế có hiệu quả chậm được nhân rộng. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch còn yếu. Phong trào xây dựng các cánh đồng thu nhập cao, hộ thu nhập cao chưa được triển khai mạnh mẽ; tiềm năng thuỷ sản chưa được khai thác triệt để.
- Cơ sở hạ tầng: Tuy đã được tăng cường một bước song chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương, đường giao thông nông thôn còn thấp, chất lượng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn còn kém; một số công trình thời gian thi công còn để kéo dài, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
- Công tác quản lý tài nguyên đất đai và môi trường còn nhiều hạn chế, thiếu sót; tình trạng tranh chấp đất đai còn xảy ra ở một số nơi chưa được xử lý dẫn đến còn để kéo dài,… Điều kiện vệ sinh môi trường và cung cấp nước sạch ở nông thôn còn thấp.
- Phát triển kinh tế nhiều thành phần: Các doanh nghiệp và các hợp tác xã phát triển chưa mạnh; năng lực cạnh tranh còn thấp; doanh nghiệp tư nhân còn ít về số lượng và có quy mô nhỏ bé; kinh tế hợp tác và hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế; nhiều hợp tác xã còn mang tính hình thức, hiệu quả hoạt động chưa cao.
c) Áp lực đối với đất đai
Từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của huyện cho thấy áp lực đối với đất đai ngày càng tăng, đặc biệt trong giai đoạn tới do nhu cầu đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Áp lực đối với đất đai ngày càng tăng được thể hiện qua các mặt sau:
- Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhu cầu đất đai cho phát triển đô thị, công nghiệp và cơ sở hạ tầng rất lớn, đây là sức ép lớn nhất đối với đất đai của Yên Thế.
- Trong những năm tới đời sống nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một tăng, cần dành quỹ đất xây dựng các công trình văn hoá, thể thao...
Nhìn chung sức ép đối với đất đai của huyện trong giai đoạn tới rất lớn do vậy cần phải quy hoạch và phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả và gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.