Cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát nội bộ chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tại sở lao động thương binh và xã hội tỉnh thái bình (Trang 31 - 36)

2.1.3.1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách NCC

Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là thực hiện truyền thống đạo lý, mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội lớn; không chỉ là vấn đề cấp bách trước mắt mà còn ý nghĩa lâu dài của một thể chế chính trị, do đó chủ trương, đường lối nhất quán trước sau như một của Đảng ta đối với NCC luôn được thể chế hoá kịp thời về mặt Nhà nước, phù hợp với tình hình cách mạng trong mỗi thời kỳ. Nhất là trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm cần được quan tâm giải quyết thoả đáng, kịp thời để góp phần ổn đinh chính trị - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đó chính là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Với quan điểm chính trị sâu sắc của mình, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh và bệnh binh, luôn coi ưu đãi NCC là một trong những chính sách xã hội đặc biệt được trú trọng ưu tiên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của mình. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, Hồ Chí Minh đã khởi xướng và đưa ra những quan điểm cơ bản về ưu đãi NCC, hình thành chính sách ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Người chỉ rõ: "... Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sỹ và chúng ta phải luôn học tập tinh thần anh dũng của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta"; "Anh em thương binh đã hy sinh một phần

xương máu để giữ gìn Tổ quốc bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân, anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả. Song đối với những người con trung hiếu ấy Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng". Và Người đã ra chỉ thị lấy ngày 27-7 làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc” để Đảng, Nhà nước vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo giúp đỡ thương binh và kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ về vật chất cũng như về tinh thần.

- Thấm nhuần lời dạy của Người, cùng với sự tôn vinh, biết ơn, Đảng và Nhà nước ta đã có các chính sách thích hợp để đãi ngộ xứng đáng đối với những người có công với nước. Tại các kỳ Đại hội, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta đều xác định rõ:

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 Đảng ta đã khẳng định: “không chỉ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền tiến bộ và công bằng xã hội”, có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hay lâu dài; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói giảm nghèo, chăm sóc những NCC, những người không may gặp khó khăn, cơ nhỡ. Điều này vừa thể hiện đúng quy luật của sự phát triển lành mạnh, bền vững trong thời đại ngày nay, vừa nói lên mục đích, bản chất của xã hội ta. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì không thể nói đến định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là không hơn gì kinh tế thị trường tư bản chủ nghia, càng không thể nói đến tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng nêu rõ: "Phải đảm bảo mức sống cho tất cả người có công bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương nơi cư trú". Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ”.

Tại Hội nghị lần thứ 5 BCHTW khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã khẳng định quan điểm: “Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Các chính sách ưu đãi NCC và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên đối với người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi NCC và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội”.

Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của BCHTW Đảng (khoá XI) về “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”

Chính sách đối với người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt, nó thể hiện rõ quan điểm và đường lối của Đảng cầm quyền, bản chất ưu việt của một chế độ. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam non trẻ ra đời gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, cùng lúc phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đề ra và lãnh đạo thực hiện đúng đắn chính sách đối với những người hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và được ghi nhận trang trọng ở Chương III, Điều 59 của Hiến pháp 2013: “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước”. Nghiên cứu về chính sách đối với người có công với cách mạng ở Việt Nam đã có quan điểm cho rằng: Chính sách đối với người có công với cách mạng là đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước căn cứ vào nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, dựa vào sự phát triển nền kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu ghi nhận công lao, sự đóng góp, hy sinh cao cả của những người có công với cách mạng, tạo mọi điều kiện, khả năng, đền đáp, bù đắp phần nào về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần đối với người có công với cách mạng.

Theo Thuật ngữ Lao động Xã hội thì: “Chính sách đối với người có công với cách mạng là những quy định chung của Nhà nước bao gồm mục tiêu, phương hướng, giải pháp về việc ghi nhận công lao, sự đóng góp, sự hy sinh cao cả của người có công với cách mạng, tạo mọi điều kiện khả năng góp phần ổn

định và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần đối với người có công với cách mạng” (Trần Thị Giang Tân,, 2012).

2.1.3.2. Cơ sở pháp lý

- Chính sách ưu đãi NCC đã trở thành nguyên tắc hiến định và được ghi nhận trang trọng trong Hiến pháp: Tại Chương V, Điều 67, Hiến pháp năm 1992 chỉ rõ “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước”; Khoản 1, Điều 59, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ“Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC”.

- Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với NCC, khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới, bao gồm:

- Pháp lệnh Ưu đãi NCC và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó:

Pháp lệnh Ưu đãi NCC là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với NCC, Pháp lệnh đã đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Phương châm thực hiện chính sách ưu đãi trên cơ sở 3 nguồn lực “Nhà nước, nhân dân và bản thân đối tượng” luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác ưu đãi NCC.

Pháp lệnh Ưu đãi NCC đầu tiên ban hành năm 1994. Sau hơn 10 năm thực hiện đã ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/06/2005 và tiếp tục sửa đổi, bổ sung bằng Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/07/2012. Qua hai lần sửa đổi, bổ sung, Pháp lệnh đã nêu rõ nguyên tắc chung là chế độ ưu đãi phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và được đảm bảo bằng ngân sách Nhà nước. Các nội dung của Pháp lệnh đã được mở rộng và pháp luật hoá, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, cơ chế công khai, dân chủ, minh bạch trong công tác quản lý được thể hiện rõ, giúp cho các đối tượng thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền lợi của mình; tạo thuận lợi cho các cơ quan chính sách thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC.

- Hệ thống văn bản ưu đãi NCC còn có:

Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/04/2006 của Chính phủ Ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp;

Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/04/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC;

Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/05/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH;

Các Nghị định, Thông tư, Thông tư liên tịch liên quan và các văn bản của triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi NCC và các văn bản phát động, ủng hộ phong trào đền ơn đáp nghĩa của các bộ, ngành;

Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 27/6/2013 của UBND tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về thực hiện chính sách ưu đãi NCC;

Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện huy động nguồn lực ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa để thực hiện Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC trong 3 năm 2015-2017;

Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 12/7/2016 của UBND tỉnh Thái Bình V/v hành động khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020;

Các kế hoạch của tỉnh, của huyện hằng năm tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày 27/7 (ngày thương binh liệt sỹ); tổ chức thăm hỏi tặng quà; phát động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa; tổ chức cầu siêu, thắp nến tri ân tại các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, huyện,...;

Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 12/7/2012 của UBND huyện Hưng Hà về hỗ trợ cải thiện nhà ở NCC giai đoạn 2012-2015;

Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 30/6/2013 của UBND huyện Hưng Hà triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về thực hiện chính sách ưu đãi NCC;

Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 14/8/2015 của UBND huyện Hưng Hà triển khai thực hiện huy động nguồn lực ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa để thực hiện Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC trong 3 năm 2015-2017;

Các văn bản liên quan khác của tỉnh và huyện triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi NCC và phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát nội bộ chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tại sở lao động thương binh và xã hội tỉnh thái bình (Trang 31 - 36)