Triết lý về hạnh phúc

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 80 - 87)

Cùng với những cảm thức về giá trị của thời gian, nhân vật Yudin còn luôn trăn trở đi tìm định nghĩa về hạnh phúc. Cả cuộc đời Yudin chỉ chú tâm vào công việc và phấn đấu gây dựng công danh. Có trong tay nhiều thứ: học vị, quyền thế nhưng chưa lúc nào anh cảm thấy hạnh phúc. Đối với anh, hạnh phúc là cái gì xa vời, chưa với tới. Ngược lại, anh bạn Alyosha của anh lại luôn cảm thấy cuộc sống của mình là viên mãn. Dù không có học vị cao và cũng không được nhiều phụ nữ ngưỡng mộ như Yudin nhưng anh lại có một gia đình nhỏ ấm cúng. Dù chỉ là một người chăn nuôi gia súc cho vườn quốc gia nhưng tuyệt đối Alyosha không phải là người không có chí hướng. Alyosha luôn chuyên tâm nghiên cứu về các loại nấm và đã có những phát hiện quý giá về loài sinh vật này. Một người tưởng chừng như có tất cả như Yudin nhưng khi đọc đến cuối tác phẩm, người đọc lại thấy cảm thương cho sự thiếu thốn và tình cảnh cô độc của anh ta. Còn một người tưởng như đáng thương khi công danh không còn gì trong tay như Alyosha nhưng hóa ra lại là người hạnh phúc hơn cả. Tác giả đưa ra hai số phận khác nhau không nhằm mục đích nhận định sự đúng - sai trong việc chọn lựa hướng đi cho cuộc sống mà đơn giản và sâu sắc hơn, nhà văn đã đem đến cho độc giả cái nhìn đa chiều về hạnh phúc.

Bên cạnh đó, qua việc đề cập đến hai số phận rất khác nhau của hai người bạn có cùng điểm xuất phát, nhà văn còn nghiêm túc đưa ra bàn luận về vấn

đề thái độ sống và lối hành xử của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Alyosha là người vô tư, hiền hòa (nhưng không phải là không biết đấu tranh). Anh sống vị tha với mọi người và không hề toan tính, vụ lợi. Bởi vậy, anh nhận được tình yêu thương của nhiều người: “Tớ (Alyosha) không bảo là viện xấu. Chỉ do tớ không phù hợp được với nó. Trong chuyện tớ không trở thành Paxtơ hay Xetsênôp thứ hai, tớ không hề buộc lỗi ai cả. Mà tớ cũng chẳng buộc lỗi cho mình nữa” [10, tr. 126]. Còn Yudin lại là một người cầu toàn trong mọi việc. Anh nhìn mọi người bằng con mắt nghiêm khắc, thậm chí là cay nghiệt. Anh đã từng thú nhận là mình nhiễm thói “ông lớn”. Vậy nên, dù đã năm mươi tuổi, anh vẫn là người độc thân. Khi đến thăm vườn quốc gia, Yudin được chứng kiến cảnh sống bình dị nhưng chan chứa tình cảm của hai vợ chồng người bạn thân: “Đuxia vai gánh hai xô đầy thức ăn đang đi lại giữa những chiếc máng, còn Alêchxây thì đang hào hứng cầm thanh sắt gõ vào một tấm cửa lò treo trên cành cây, miệng gọi liên tục “Ôleska”, “Ôleska”… Khi nhìn hạnh phúc hai con người trước mặt, tôi thấy trong lòng một nỗi thú vị đến buồn bã, mà hai người này thì không thể nghi ngờ gì được, quả thật họ đang rất hạnh phúc… Alêchxây hét, trong giọng cậu ta chứa đựng nhiều niềm vui và lòng tốt, đến nỗi tôi cũng thấy vui lây” [10, tr. 185].

Cuộc sống bình dị ở một nơi xa xôi hẻo lánh giờ đây đã trở thành niềm thích thú của Yudin: “Một bữa ăn tươm tất đang chờ chúng tôi. Tôi ồ lên ngạc nhiên và thích thú: củ cải đỏ và hành tươi trộn váng sữa, phó mát tươi, mật ong và cả món thịt bò hầm bốc khói trong đĩa gỗ - đấy là tất cả những gì mà tâm hồn bị văn minh thành phố dày vò của tôi đã hàng ngày khao khát” [10, tr. 165]. Sống trong không khí đầm ấm, chan hòa cùng những con người bình dị ở vườn quốc gia, tinh thần Yudin trở nên tươi vui hơn. Mọi hình ảnh về vườn quốc gia đều trở nên thi vị trong mắt anh: “Đuxia gánh trên vai một cặp xô đựng thức ăn hết nhẵn. Dáng đi của cô rất đẹp, nhịp nhàng, lả lướt như các

nữ tì vẫn từng đi lấy nước thời Ivan Hung đế” [10, tr. 186]. Yudin khát khao cuộc sống ở vườn quốc gia, nơi con người luôn tìm thấy sự tĩnh tại trong tâm hồn và tránh xa sự tha hóa. Đó là một cuộc sống tự do, phóng khoáng: “Một chú hươu con chân dài trông rất đáng yêu, trong sự vụng về duyên dáng của nó có thể đoán được cái phóng túng của cuộc sống trưởng thành tương lai” [10, tr. 185].

Khi Alyosha hỏi Yudin: “Cậu có hạnh phúc không?” Yudin đã tự thú: “Tôi ngủ chưa đẫy giấc”. Câu trả lời ngắn gọn nhưng nói được nhiều điều. Đó không chỉ là sự bất ổn trong sinh lý mà còn là sự bất an trong tâm lý. Nguyên nhân dẫn đến những đêm mất ngủ là do những dằn vặt của cảm giác tội lỗi. Hành trình tìm về vườn quốc gia cũng là hành trình Yudin tìm lại chính mình. Sự thay đổi không gian sống đã giúp anh nhận thức được rõ hơn về chính con người mình, để từ đó có những biến chuyển trong suy nghĩ và hành động mà trước tiên, đó là việc chuộc lại những lỗi lầm. Người đầu tiên mà anh nghĩ đến là Olga. Yudin đã phụ bạc tình cảm chân thành của cô để theo đuổi Beta, vậy mà cô vẫn lặng lẽ hy sinh vì anh. Vì sợ làm ảnh hưởng đến thanh danh và địa vị của Yudin mà Olga đã mang trong mình giọt máu của anh rời bỏ viện. Sau này, khi gặp lại cô thiếu nữ Olia trong vườn quốc gia với khuôn mặt mang những đuờng nét của mình, anh đã nhận ra con gái. Anh nghĩ về Olga với sự hối lỗi và lòng biết ơn sâu sắc. Lúc này, Yudin mới thấy được giá trị của đức hy sinh và lòng vị tha – thứ mà từ trước đến nay anh chưa có. Chắc hẳn, sau chuyến thăm vườn quốc gia, Yudin sẽ sửa chữa những lỗi lầm và xác lập lại cho mình một thái độ sống đúng đắn hơn.

Tác phẩm có kết thúc mở khi dừng lại ở hành trình trở về của Yudin. Những gì còn để ngỏ là phụ thuộc vào tầm cảm thức của mỗi người đọc. Nhưng có một điều mà có lẽ độc giả nào cũng nhận ra, đó là ý nghĩa hàm ẩn trong hành trình từ vườn quốc gia trở về Moskva của Yudin. Đó là hành trình

quay trở về với cuộc sống thực tại và với nhiều điều đang chờ anh phía trước, đó cũng là hành trình trở về với nguyên bản – một chàng thanh niên Yudin trong sáng, thánh thiện thuở thiếu thời. Anh trở về và mang theo những đổi thay trong tâm hồn để chuộc lại những lỗi lầm, điều chỉnh lại lối sống và hoàn thiện bản thân.

KẾT LUẬN

Cái tên Thao thức đã bao hàm được hết tư tưởng của cuốn sách mà tác giả muốn nhắn nhủ với độc giả: “Mọi chuyện trên đời không phải chỉ khẳng định một lần là xong, tất cả mọi chuyện đều phải được suy đi xét lại… cắt nghĩa lại mọi chuyện đã qua, chính là cái cách tốt nhất để chuẩn bị cho mình sống những ngày tới.” [10, tr. 19]. Yudin là một con người có cảm quan của một trí thức, đầu óc luôn luôn suy nghĩ, làm việc. Anh luôn kiểm tra lại những điều mà mình nhận xét và quan sát thấy, để từ đó tìm ra quy luật của đời sống. Nhân tố tự bạch tồn tại đậm đặc và là mạch chính của cuốn sách. Nhờ đó mà tác giả có thể xâu chuỗi lại nhiều hình tượng khác nhau trong đời sống. Đặc biệt, với nhân tố tự bạch, độc giả được chứng kiến sự vận động trong đời sống tinh thần của một con người. Nhân tố này đã tác động đến toàn bộ cấu trúc tác phẩm, từ việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất cho người kể chuyện cho đến sự lặp lặi trong thời gian và sự dịch chuyển không gian, đặc biệt là giọng điệu tâm tình với những độc thoại và đối thoại nội tâm dày đặc của nhân vật chính. Cấu trúc tác phẩm không chỉ có sự vận động trong các yếu tố hình thức mà song hành với nó là sự vận động trong ý thức của Yudin.

Khách quan mà nói, cốt truyện của Thao thức không có gì đặc sắc nhưng bù lại, độc giả được khám phá thế giới nội tâm của một nhà khoa học, cũng là một người bình thường như bao người khác. “Ngòi bút tâm lý của Aleksandr Kron ở đây tỏ ra thật điêu luyện, rành mạch” [10, tr. 14]. Nhà phê bình văn học M.Cudơnhetxop từng nhận xét: “Thao thức giống như dòng ý thức của một người đương thời với chúng ta, rất thông minh và được trời phú cho một khả năng quan sát và phân tích không dễ ai cũng có” [10, tr. 13]. Sở dĩ đời sống nội tâm của các nhân vật nhà khoa học được quan tâm hơn nhiều là vì khi bước sang thế kỷ XX, đặc biệt khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lan ra mạnh mẽ, công tác khoa học đã trở thành nghề phổ biến thì người làm khoa

học trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Họ cũng có những cung bậc cảm xúc, cũng có những ham muốn tiền tài danh vọng, cũng có những thói ích kỷ, thậm chí có cả những thủ đoạn tầm thường. Họ bước vào văn học cũng như bao con người có thực ngoài đời và từ tác phẩm văn học, họ bước ra đời thực một cách chân thực và sinh động. Khi xây dựng nhân vật Yudin, nhà văn đã có một cách nhìn khách quan và một chút nhập thân đáng kể nên đôi lúc độc giả rất khó phân biệt đâu là tác giả và đâu là nhân vật.

Những trằn trọc, suy tư triền miên trong tâm trí Yudin cho thấy trách nhiệm công dân của một người trí thức trong xã hội mới. Qua nhân vật, bạn đọc thấy được phần nào bề sâu con người xô viết, những con người luôn trăn trở về chính mình và sâu xa hơn là lo cho xã hội. Nếu như trong thời kỳ chiến tranh, những công dân xô viết nung nấu ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, thầm lặng hy sinh và một lòng trung thành với sự nghiệp vệ quốc vĩ đại thì đến thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, họ lại là những người đầy tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước. Nhà khoa học Yudin chỉ là một trường hợp như thế khi anh luôn mang trong mình một “tính cách Nga”, một tính cách luôn trăn trở, suy tư để kiểm điểm lại bản thân và hướng đến một con người hoàn thiện cả về trí tuệ lẫn nhân cách.

Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thì “nền văn học Nga-xô viết không đơn điệu theo những lối mòn, nó luôn suy nghĩ để tìm đường, thể hiện. Để đạt tới mục đích thống nhất là phản ánh cho hết những vấn đề đặt ra trong xã hội và có được tác động thật tích cực với bạn đọc xô viết hôm nay, có bao nhiêu cách làm khác nhau, những lối tái hiện cuộc sống khác nhau, thậm chí quan niệm viết khác nhau, tuy cũng cùng một thiện chí lớn đối với trách nhiệm xã hội của văn học” [10, tr. 8]. Trong những năm 60–80 (thế kỷ XX), cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở Liên xô phát triển như vũ bão và đạt nhiều thành tựu to lớn. Những người làm khoa học là bộ phận đi tiên phong

trong lực lượng sản xuất của xã hội. Để tiến kịp những đổi thay của thời đại, văn học cần đi sâu tìm hiểu và phản ánh về họ. Chính bởi vậy, văn xuôi Nga- xô viết những năm 60–80, ngoài hai dòng chính là văn xuôi viết về chiến tranh và văn xuôi viết về làng quê còn tồn tại dòng văn xuôi viết về đời sống sản xuất. Thao thức là một trong số những thành tựu lớn nhất của khuynh hướng văn xuôi về đời sống sản xuất bám sâu vào sinh hoạt thường nhật của con người. Tác phẩm tập trung phản ánh một tập thể những con người làm khoa học, từ một giáo sư đầu ngành đến những cán bộ nghiên cứu và những người làm công việc hành chính. Mỗi người đều có một công việc cụ thể, có một tính cách và số phận cụ thể nhưng họ là những người đại diện cho nền khoa học kỹ thuật nước nhà.

Xét rộng ra trên phạm vi cả nền văn học Nga-xô viết giai đoạn 60–80, có thể nói, một khuynh hướng phong cách văn xuôi tâm lý-triết lý và kiểu nhân vật thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật đã hình thành và phát triển. Điều này là xu hướng tất yếu vì quy luật phát triển của văn học luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội. Trong đó, các cán bộ khoa học ngành sinh vật học trong tiểu thuyết Thao thức của nhà văn Aleksandr Kron là những nhân vật tiêu biểu. Những vấn đề tác giả đưa ra bàn luận như: vị trí người trí thức trong xã hội mới, phẩm chất đạo đức người làm khoa học hay các vấn đề cụ thể hơn như: những tiêu cực trong công tác nghiên cứu khoa học, vấn đề bản quyền tác giả… luôn là vấn đề thời sự của mọi thời đại. Chính vì lẽ đó, Thao thức là một cuốn tiểu thuyết có nhiều giá trị trong thời đại ngày nay.

Tài liệu tham khảo

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 80 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w