Điểm nhìn trần thuật (focalization) là một bộ phận quan trọng của lý thuyết tự sự. Các công trình nghiên cứu về kỹ thuật tự sự từ trước đến nay đã
dành sự chú ý đặc biệt đến lý thuyết điểm nhìn. Có nhiều quan niệm khác nhau về điểm nhìn, tuy nhiên, theo cách hiểu của nhiều người thì điểm nhìn quy tụ giới hạn trường nhìn của người kể chuyện trước đối tượng được miêu tả và kể lại. Điểm nhìn trần thuật cho phép xác định từ bên trong của một miêu tả hay một truyện kể, làm thể loại thông qua ai mà các sự kiện được kể hay được miêu tả. Nhà nghiên cứu Genette đã phân biệt ra ba kiểu của điểm nhìn: zéro, bên trong, bên ngoài.
Điểm nhìn zéro – phi tụ điểm (focalization zéro): “chỉ nhân vật trần thuật đứng ngoài nhưng có vai trò như thượng đế biết hết mọi chuyện nhân sinh, vũ trụ, hiện tại, tương lai” [13, tr. 115]. Người kể chuyện là người biết tuốt, anh ta kể như anh ta đã biết và nhìn thấy tất cả. Người kể chuyện làm chủ các biến cố, cung cấp cho độc giả những lời khuyên, những lý giải mà người chứng kiến đơn giản không thể làm được. Cách nhìn “biết tuốt” này được sử dụng phổ biến trong những tác phẩm tự sự truyền thống. Đây còn gọi là điểm nhìn của người kể chuyện “toàn thông” khi nhà văn biết giới hạn tầm nhìn vô hạn của người kể chuyện biết trước và biết hết mọi điều, tức là đã tạo ra một phạm vi chủ quan cho tự sự.
Điểm nhìn bên trong – nội tụ điểm (internal focalization) chỉ người trần thuật là nhân vật ngay trong câu chuyện. Với điểm nhìn này, câu chuyện được kể thông qua những gì biết hay nhìn thấy của một nhân vật. Người đọc đánh giá, chia sẻ cái phần của điểm nhìn đó của nhân vật và đứng cùng một điểm nhìn với anh ta. Ngoài truyền thống trần thuật khách quan theo ngôi thứ ba, còn có kiểu trần thuật do một nhân vật trong truyện đảm nhận. Với điểm nhìn bên trong này, câu chuyện được kể có sức thuyết phục hơn so với cái “tôi” trải nghiệm. Theo Genette, có ba dạng cụ thể khác nhau của “nội tụ điểm”: cố định: một nhân vật kể mọi việc; bất định: nhiều nhân vật kể những chuyện khác nhau; đa thức: nhiều nhân vật cùng kể một sự việc.
Điểm nhìn bên ngoài – ngoại tụ điểm (external focalization): “nhân vật kể chuyện nằm ngoài câu chuyện, nhưng chỉ kể lại tình tiết câu chuyện một cách khách quan, chứ không đi sâu vào tâm lý nhân vật” [13, tr. 115]. Thông báo bị giới hạn ở những vẻ ngoài và những thời điểm, giây lát đó. Độc giả không biết một chút nào về suy nghĩ, tình cảm của nhân vật.
Ở một cấp độ thấp hơn văn bản (đoạn văn, hồi, cảnh), điểm nhìn nghệ thuật thể hiện ở từng câu hay phát ngôn hay từng diễn ngôn: lời kể, lời thoại của nhân vật.
Trong phương thức tự sự truyền thống, việc sử dụng các điểm nhìn trần thuật bị giới hạn bởi người kể chuyện biết tuốt, không tham gia vào diễn biến cốt truyện. Sang thế kỷ XX, đặc biệt từ sau chiến tranh thế giới thứ II, “khi vấn đề đổi mới kỹ thuật tiểu thuyết trở nên bức xúc trong không khí tìm tòi đổi mới thể loại và nghệ thuật nói chung, các nhà văn càng chú ý đưa ra nhiều thể nghiệm mới liên quan đến người kể chuyện và các điểm nhìn làm đảo lộn cách viết truyền thống” [15, tr. 207].
Thao thức là loại tiểu thuyết một điểm nhìn, mang dáng dấp của một tiểu thuyết tự thuật với người kể chuyện duy nhất, xưng “tôi”. Điểm nhìn bao quát, chi phối từ đầu đến cuối là điểm nhìn bên trong – điểm nhìn của Yudin với dạng “cố định”: một nhân vật kể mọi việc. Những ký ức về thời thơ ấu, thời sinh viên và khi đã trưởng thành, lập gia đình được tái hiện một cách lộn xộn. Tính cách và số phận của các nhân vật như: Uspensky, Beta, Vdovin, Iliusa, Alyosha, Olga… hiện lên qua cái nhìn của Yudin. Đó là cái nhìn của một cái tôi trải nghiệm, cái tôi tự bạch và tự mổ xẻ. Người đọc chỉ còn biết đứng cùng một điểm nhìn với anh ta. Tiểu thuyết hiện đại với sự gia tăng của các điểm nhìn đã làm cho câu chuyện hiện ra sinh động hơn với nhiều bình diện, từ nhiều góc nhìn của nhiều chủ thể khác nhau, tuy có khó theo dõi một chút đối
với những ai quen đọc loại tiểu thuyết cũ. Nhưng tiểu thuyết Thao thức lại có lối kể truyền thống với một điểm nhìn khiến các hình tượng và sự việc thiếu bề dày nghệ thuật cần thiết. Câu chuyện của Yudin có phần đơn điệu vì điểm nhìn của anh là điểm nhìn duy nhất, không có sự dịch chuyển điểm nhìn trong tác phẩm. Nhưng rất có thể, những kỹ thuật tự sự lại không phải là mục đích chính của nhà văn mà thay vào đó, ông để điểm nhìn của nhân vật chính (cũng là người kể chuyện) thâu tóm toàn bộ với mong muốn nhân vật có thể bộc bạch hết những suy nghĩa của mình. Lối kể ấy phù hợp với tính chất tự bạch, tự thú trong các câu chuyện của Yudin bởi đó là lối kể mang đậm tính chủ quan. Nó xuất phát từ những trải nghiệm của nhân vật. Thao thức kể về quá trình tự thú của nhân vật Yudin. Bởi vậy, chỉ có thể sử dụng ngôi kể thứ nhất và điểm nhìn trần thuật bên trong, nhân vật mới có thể bộc bạch hết những suy nghĩ thầm kín và những lựa chọn đạo đức từ bên trong con người mình.
Điểm nhìn còn là vấn đề thái độ của người kể chuyện với việc trần thuật vì “quan điểm tác giả chỉ có thể được thể hiện qua điểm nhìn, tầm nhận thức của người kể chuyện”. [13, tr. 119]. Trong Thao thức, nhân vật chính Yudin dù là một nhà khoa học tài giỏi, có nhiều cống hiến nhưng anh ta vẫn là một con người chưa hoàn thiện về nhiều mặt. Chính bởi vậy, ta thấy rõ ở Yudin những khát khao tìm tòi và lý giải chân lý đời sống và khoa học.