Giọng điệu chủ quan, suy tư 1 Giọng điệu tâm tình tha thiết

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 48 - 56)

2.3.1. Giọng điệu tâm tình tha thiết

Cũng như nhiều thuật ngữ khác trong trần thuật học, thuật ngữ “giọng điệu” cũng chưa được giới nghiên cứu đi đến thống nhất một định nghĩa cụ thể nào. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng và được miêu tả,

thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [7, tr. 112]. Còn theo Manred Jahn thì: “Một giọng điệu chỉ thâm nhập vào tác phẩm thông qua tri giác tưởng tượng của người đọc, giọng điệu chủ yếu gắn với giọng điệu người kể chuyện” [9, tr. 48]. Ông phân biệt giọng điệu thành giọng điệu thuộc văn bản hoặc trong văn bản và giọng điệu ngoài văn bản (là giọng điệu của tác giả). Ở đây, chúng tôi đi sâu phân tích giọng điệu thuộc văn bản, tức là những giọng điệu của người kể chuyện (hay còn gọi là giọng điệu trần thuật) và của các nhân vật.

Để tìm hiểu giọng điệu của một cuốn tiểu thuyết, trước hết chúng ta cần giải quyết câu hỏi: “ai nói?”. Vì “khi chúng ta có càng nhiều thông tin về người kể chuyện và cảm nhận của anh ta thì chất lượng và tính hiển minh của giọng điệu càng cụ thể hơn” [9, tr. 3]. Quay trở lại với vấn đề người kể chuyện, như chúng tôi đã phân tích (trong phần đầu của chương này), người kể chuyện là một trí thức. Anh ta đã phạm một vài lỗi lầm trong công tác nghiên cứu khoa học, trong quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp. Sau cái chết của vị giám đốc viện - một bậc đàn anh trong ngành, anh ta bắt đầu một hành trình kiểm tra lại tư cách bản thân. Người kể chuyện không hề giấu mặt, trong suốt quá trình kể chuyện, anh ta đã tưởng tượng ra những độc giả giả định. Cuộc trò chuyện, giao đãi giữa người kể chuyện và độc giả giả định xuất hiện với mật độ dày đặc, kiểu như: “Người viết những dòng này đã đến lúc phải ra mắt với độc giả giả định” [10, tr. 26]; “Song, như các bạn đã biết…” [10, tr. 31]; “Hoàn toàn không cần thiết làm độc giả giả định của tôi bị rối trí…” [10, tr. 236]; “Và tôi hy vọng rằng độc giả giả định của tôi sẽ không trách móc…” [10, tr. 271]; “Bạn đọc giả định của tôi làm tôi lo hơn nhiều” [10, tr. 319]; “Độc giả giả định của tôi chắc đoán được rằng…” [10, tr. 148]; “Thứ lỗi cho tôi thói lan man” [10, tr. 209].v.v… Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất đã rút ngắn

tối đa khoảng cách giữa người kể chuyện với độc giả. Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn là chưa đủ với Kron. Người kể chuyện của ông còn luôn tìm cách thổ lộ tâm sự với độc giả.

Trong thực tế, các nhà lý thuết về trần thuật thường sử dụng hai cặp đối nghĩa nổi bật là lộ diện và ẩn tàng để xác định đặc trưng của giọng điệu người kể chuyện. Người kể chuyện có thể ít nhiều công khai hoặc ẩn giấu. Người kể chuyện lộ diện sẽ có giọng điệu rõ ràng, xác định. Người kể chuyện trong

Thao thức có giọng kể tâm tình, tha thiết. Giọng điệu này được xem là tối ưu cho mục đích tự thú, sám hối của nhân vật. Bởi vậy, người kể chuyện luôn tỏ ra gần gũi với độc giả để mong nhận được sự cảm thông: “Trong cuộc đời, tôi hết sức kém kiên nhẫn. Không gì nặng nề hơn đợi bình minh lên trong những đêm như thế này” [10, tr. 31]. Yudin là người kể chuyện nhiệt tình, chân thật và anh ta biết rằng, chỉ có thể đặt niềm tin tuyệt đối nơi độc giả, anh ta mới có thể dốc hết mọi nỗi niềm trên trang giấy: “Khi gọi Alyosha Sutov là người bạn thời trai trẻ, tôi đã nói đúng. Sự thật này như mũi kim đâm nhói vào tim. Lẽ ra chúng tôi phải là bạn tốt của nhau suốt đời, nhưng chính cuộc đời đã ném chúng tôi mỗi người một phương. Trong chuyện này, tôi có lỗi nhiều hơn cậu ấy” [10, tr. 38].

Để ý thức rõ hơn về con người mình, Yudin đã đưa ra những lời biện minh nhằm tự bao biện cho bản thân. Sự bào chữa này thể hiện rõ trong cách nhìn nhận lại tình bạn giữa anh và Alyosha. Alyosha là người bạn thuở thiếu thời của Yudin và cũng là đồng nghiệp của anh. Trong một lần túng quẫn, Yudin đã cùng bạn bắt trộm một con chó và bán cho Viện phát triển bản thể của Uspensky để phục vụ cho việc thí nghiệm. Cuộc gặp gỡ tình cờ với hai cậu sinh viên nghèo đã tạo ấn tượng tốt với Uspensky. Từ đó, hai người bạn được nhận vào làm những việc nhỏ trong viện và dần trở thành những đàn em của Uspensky trong công tác nghiên cứu khoa học. Yudin trở thành người phụ

trách chính phòng thí nghiệm. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cả Yudin lẫn Alyosha đều ra chiến trường. Yudin không ngừng thăng tiến cả về sự nghiệp khoa học lẫn sự nghiệp quân ngũ. Khi trở về Moskva, anh được đeo quân hàm cấp tướng. Còn Alyosha vẫn là một nhân viên bình thường của viện. Vài năm sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, trong một hội nghị khoa học, Vdovin – một người tham quyền lực và hư danh đã đấu tố Iliusa và tống khứ anh ra khỏi viện. Alyosha cũng bỏ đi theo bạn. Trước sự việc xảy ra, Yudin không hề đấu tranh để kéo hai người bạn trở về mà mặc họ ra đi và bươn trải với cuộc sống.

Nếu xét đến cùng thì sự ra đi của hai người bạn này có một phần trách nhiệm không nhỏ của Yudin. Anh đã viết hộ Vdovin một vài chương trong luận án của hắn (vì Vdovin là nhân viên cấp dưới trong phòng thí nghiệm của Yudin), giúp hắn bảo vệ thành công. Từ đó hắn trở nên hợm hĩnh, ngạo mạn, kéo bè cánh trong viện để đè nén cán bộ khoa học. Sau này, Yudin đã gặp lại hai người bạn ở rừng quốc gia. Số phận của họ đã đi theo ngã rẽ khác, giữa Yudin và hai người bạn giờ đây có sự cách biệt lớn về địa vị trong xã hội. Khi gặp lại họ, cảm giác tội lỗi lại dâng trào trong Yudin, đặc biệt khi anh nhận được sự bao dung ở người bạn thân. Anh kết tội chính mình: “Trong chuyện này liệu có lỗi của tôi không? Tôi tự trả lời, có và không nghi ngờ gì nữa khi Iliusa và Alechxay biến khỏi Moskva, tôi thậm chí đã không tìm cách đi tìm gặp họ. Đấy là một lỗi lầm không thể chối cãi được, và theo con mắt của người ngoài là không thể biện hộ được” [10, tr. 171]. Tuy nhiên, sau lời thú nhận ấy, Yudin lại tìm những lập luận để viện cớ cho mình: “Nhưng dù sao tôi cũng tìm ra được một vài lý do biện hộ. Thứ nhất: Tại sao không một người nào trong số họ yêu cầu tôi giúp đỡ, chả hề đi tìm tôi. Địa chỉ của tôi, họ đều biết cả… Không biết tôi chuyển qua tấn công từ bao giờ - họ cũng quá lắm. Thỉnh thoảng họ có về Moskva chứ?” [10, tr. 172]. Không chỉ vậy, anh còn

ngụy biện bằng cách cho người đọc thấy rằng hiện tại, những người bạn của anh mới là những người hạnh phúc còn bản thân anh lại rất đáng thương vì phải ở lại đấu tranh với bè lũ Vdovin: “Hãy để người nào làm tôi bị tổn thương thử hình dung cuộc sống của tôi những năm gần đây. Các cậu ấy cũng đau thật đấy, nhưng dù sao thì cũng dứt được khỏi trò chơi còn tôi thì tiếp tục ở lại, đấu tranh chống Vdovin và bè lũ của hắn” [10, tr. 172]. Để biện minh cho sự vô trách nhiệm với bạn bè, đồng nghiệp, Yudin đã dùng đến những lý do có vẻ rất thuyết phục, đó là sự bận rộn: “Cuộc sống gia đình bất hạnh và thủ tục ly dị nặng nề, thì có thể hiểu rằng tôi chỉ còn đủ thời gian để làm những việc hệ trọng nhất… Tôi chỉ nghỉ ngơi và chơi thể thao đúng mức độ cần thiết…” [10, tr. 72]. Như vậy, để bao biện cho những lỗi lầm, Yudin trước hết đã đổ lỗi cho người khác, thậm chí anh còn trách móc bạn bè không chủ động đề nghị sự giúp đỡ. Tuy nhiên, lý do này hoàn toàn không thuyết phục vì hơn ai hết, anh biết rằng hai người bạn kia đề cao lòng tự trọng đến mức nào. Thực ra, mục đích chính trong những lời biện hộ của Yudin không phải là nhằm phân định ai đúng ai sai mà sâu xa hơn, nó như một liệu pháp tinh thần an ủi lương tâm, để anh cảm thấy nhẹ lòng hơn khi nghĩ về những người bạn. Chính vì vậy, sau những lời biện minh ấy, Yudin lại quay về với cảm giác tội lỗi và những đêm mất ngủ triền miên.

Giọng điệu tâm tình còn thể hiện rõ qua những đoạn văn mang đậm tính triết lý. Nhờ sử dụng ngôi kể thứ nhất mà người kể chuyện có thể thoải mái đưa ra những ý kiến chủ quan của mình: “Chúng ta thích nói: ở địa vị anh, tôi sẽ… nhưng lại kém cỏi đến đáng sợ trong việc đặt mình vào chỗ người khác, chỉ có lúc gần đất xa trời, chúng ta mới kiên nhẫn hơn” [10, tr. 126]. Nhìn bất kỳ một sự vật, sự việc, hiện tượng nào anh cũng có thể toát lên những triết lý. Điều này không chỉ xuất phát từ phản xạ tư duy phân tích của một nhà khoa học mà còn xuất phát từ sự nhạy cảm trước cuộc sống. Đằng sau vẻ lạnh lùng,

khô cứng của một nhà sinh vật học, Yudin còn là một người dễ rung động và hay suy tư. Nhưng đó không phải là những rung động và cách thể hiện cảm xúc của một người cả nghĩ mà nó được khái quát lên ở tầm cao hơn, đó là những triết lý mang màu sắc khoa học, cụ thể hơn là ngành sinh lý học. Ví như khi tố cáo tội ác chiến tranh, Yudin không nói về sự hy sinh, mất mát mà thay vào đó, anh nói về sự mệt mỏi, rệu rã trong mỗi người: “Sau cái tưng bừng thắng lợi của những ngày đầu, đối với phần lớn mọi người, những ngày làm việc thông thường đã trở lại và phơi trần những gian khổ nặng nề mà chiến tranh mang lại cho cả người chiến thắng lẫn kẻ chiến bại” [10, tr. 190].

Trong Thao thức, người đọc còn cảm nhận được một giọng điệu khác của người kể chuyện, đó là giọng hài hước, mỉa mai. Độc giảkhông ít lần phải bật cười vì giọng châm biếm và những chi tiết gây cười mà người kể chuyện mang đến. Khi kể lại những kỷ niệm về Alyosha, Yudin luôn dùng ngữ điệu hài hước và trìu mến. Điển hình như đoạn kể về cuộc tỏ tình của Alyosha với bạn gái khi cậu này có chiếc áo mới: “Cái áo rất lộng lẫy và đắt tiền, nhưng cậu ta tự giặt và là lấy, bởi thế cổ áo bị quăn lại và chẳng còn ra hình thù gì nữa. Thay cho chiếc cúc thường bị rơi mất, cậu ta đính vội một chiếc cúc bọc vải trắng, loại thường dùng cho quần lót đàn ông. Khi nhìn thấy chiếc cúc này, cô Mila phá lên cười ngặt nghẽo, và như Standal nhận xét, tiếng cười ấy đã giết chế nỗi đam mê mới hình thành” [10, tr. 39].

Giọng điệu hài hước, châm biếm xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm, nó tỏ ra đặc biệt hiệu quả mỗi khi Yudin muốn mỉa mai những kẻ bất tài mà kiêu căng, hợm hĩnh. Gia đình viện phó hành chính quản trị Xergay Anmazov là đối tượng châm biếm chủ yếu của Yudin. Anmazov là một người bất tài nhưng lại giỏi lo những việc vặt vãnh không liên quan gì đến khoa học như chuẩn bị hội nghị, liên hệ khách mời, công tác hậu cần, văn nghệ… Tuy nhiên, cả ông này lẫn vợ con lúc nào cũng hãnh diện, kiêu căng ra mặt vì ảo

tưởng mình đang đứng trên đỉnh cao của tri thức. Trong mắt Yudin, họ như những con rối đáng thương. Những đoạn văn tả về các thành viên trong gia đình Anmazov luôm mang lại tiếng cười sảng khoái cho người đọc. Đó là khi Anmazov căng thẳng suy nghĩ: “Ông đang suy tư. Khi Mac Plank (một nhà vật lý đoạt giải Nobel năm 1918) đi tìm hằng số của mình, chắc ông cũng không hề đăm chiêu hơn Anmazov bây giờ” [10, tr. 64]. Sự so sánh khập khiễng đã tạo nên tiếng cười mỉa mai với nhân vật viện phó. Còn cô con gái Anmazov, khi đến dự tiệc cuối năm ở viện, cô bé luôn tỏ ra vênh váo, kiêu hãnh thái quá về chức viện phó của cha mình: “Cô bé chẳng phải xấu, tạo hóa định bụng cho ra đời một người đẹp, như rủi ro thế nào lại hóa ra một phế phẩm. Có lẽ vì còn chưa hiểu được điều đó, cô ta có dáng ngối kiêu hãnh của một người đàn bà quen đựợc hâm mộ, và cô cũng nhìn bố với con mắt bà chủ như thế - cái nhìn giống như của chủ những con chó được thưởng huy chương khi nhìn chúng ở triển lãm – kiêu hãnh, kèn cựa, đồng thời toát lên một sự hơn hẳn tuyệt đối” [10, tr. 94]. Còn bà mẹ thì như một con rối thực sự trong vũ hội. Khi có những lời mời khiêu vũ, bà tỏ ra luống cuống và làm bộ như một quý bà: “Tôi sợ rằng hệ thần kinh của Zoia Romanovna không chịu đựng nổi một lúc từng ấy hiệu lệnh trái ngược, mặt bà ta đỏ lên, lúc tái đi, đôi môi khi thì mím lại trong một điệu bộ giận dữ, lúc thì nở ra một nụ cười thượng lưu” [10, tr. 110].

Không chỉ các thành viên trong gia đình Anmazov mà cô nhân viên Mila của viện cũng trở thành mục tiêu châm biếm, gây cười của người kể chuyện. Mila là cô gái trẻ trung, xinh đẹp nhất viện nhưng lại rất đỏng đảnh. Thói đỏng đảnh ấy càng trở nên lố bịch hơn khi trong đám tang Uspensky, cô làm dáng trước đông người vì muốn trở thành tâm điểm chú ý của cánh mày râu: “Trong tay Xergay là một thếp đầy những băng tang để đính tay áo, và lon ton theo sau ông ấy là Mila với vết nước mắt còn mới trên mặt, dù sao đi nữa thì

cô ta cũng không cưỡng lại nổi nụ cười, vì biết rằng mình duyên dáng” [10, tr. 156]. Và: “Mila, với vẻ đẹp đã hơi tàn úa, đính băng tang vào tay áo tôi như thể tôi là một hiệp sĩ đã thề sẽ tôn thờ sắc đẹp của cô ở khắp mọi nơi” [10, tr. 160]. Chính vì sự đỏng đảnh, lố bịch của Mila, Anmazov và một số người khác mà đám tang Uspensky diễn ra với những tình tiết làm ta liên tưởng đến đám tang cụ cố Hồng trong Hạnh phúc của một tang gia (đọan trích trong Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng).

Rõ ràng, tiếng cười mà người kể chuyện mang đến không hề có ý đồ “hạ huyệt” người này hay “tái sinh” người kia. Nó chỉ đơn giản là những tiếng cười sảng khoái và có chăng là một chút mỉa mai như sự nhắc nhở thói đỏng đảnh, kiêu căng không đáng có của một số trí thức. Giọng điệu hài hước được đan xen cùng giọng kể tâm tình, nó là giây phút thư giãn dành cho độc giả, nhằm cân bằng trạng thái cảm xúc cho độc giả và tránh sự đơn điệu trong giọng kể.

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 48 - 56)