Tự bạch về tình bạn

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 75 - 77)

Trong hành trình tự kiểm điểm bản thân, Yudin còn có những tự thú về lỗi lầm trong tình bạn. Cũng như trong tình yêu, trong quan hệ bạn bè với Alyosha, con người ích kỷ trong anh bộc lộ rõ nét. Alyosha là cậu bạn thân duy nhất của Yudin từ thuở sinh viên. Tuy hơn tuổi Yudin nhưng tính tình Alyosha vô tư, trẻ con: “Alyosha sống như một con chim nhỏ không ai ràng buộc, say mê đấy rồi chán ngán đấy, cái gì cũng vớ lấy nhưng chỉ hăng được nửa vời, ngay đến trả thi tối thiểu để trở thành nghiên cứu sinh cũng không chị làm.” [10, tr. 171]. Còn Yudin lại là con người của công việc, luôn tận tụy và cầu toàn. Hai người cùng vào viện làm và được giám đốc Uspensky yêu quý. Chiến tranh và những biến cố xảy ra trong viện đã đưa họ đến những số phận khác nhau và đẩy họ xa nhau. Yudin trở thành nhà khoa học, một vị tướng còn Alyosha và Iliusa chuyển về vườn quốc gia làm công việc chăn nuôi gia súc: “Một tiến sĩ khoa học thành đạt và một người không bằng cấp. Một viên tướng sang trọng và một chiến sĩ tự vệ. Một trưởng giả sang trong và một kẻ gần như lang thang” [10, tr. 183].

Việc Alyosha và Iliusa phải rời khỏi viện không phải lỗi của Yudin, nhưng rõ ràng, nếu ngày ấy, Yudin đấu tranh thẳng thắn với Vdovin hơn mà không sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì số phận hai người bạn anh đã khác. Trong chuyến thăm vườn quốc gia, Yudin cảm thấy chạnh lòng và cảm

giác tội lỗi trước tình cảnh của Iliusa: “Thật hổ thẹn khi so sánh: Tôi quá đắt hàng, Iliusa lại không có việc làm, tôi ăn kiêng còn Iliusa thì chẳng có gì vào bụng. Thế mà tự cho rằng mình đã đấu tranh cơ đấy? Tốt hơn, nên nói rằng tôi đã chờ đợi cho khí hậu biến đổi theo chiều hướng có lợi hơn… Tôi tiến đến gần sự tự thú nặng nề nhất” [10, tr. 182). Sau những lời sám hối, người kể chuyện luôn đưa ra những lời biện minh cho bản thân và lần này cũng vậy, anh ta an ủi lương tâm trước tình cảnh khốn khó của hai người bạn bằng những lời lẽ có vẻ rất thuyết phục: “Tôi thậm chí cũng không biết rằng chúng tôi sẽ gặp nhau, còn trước đó thì lại không hề có một cố gắng nào để tìm bạn bè và can thiệp vào số phận của họ. Vâng, tôi đã bận rối tinh rối mù cả lên…” [10, tr. 182]. Cảm giác hổ thẹn của Yudin càng dâng lên khi tình cảm của Alyosha không hề thay đổi. Người bạn thân thời niên thiếu vẫn vô tư, nhiệt thành với anh. Chi tiết thể hiện rõ nhất lòng chung thủy với bạn bè của Alyosha là khi tìm được một chùm nấm gan – không chỉ là một loại nấm quý hiếm mà nó còn đang là tài liệu nghiên cứu khoa học của Alyosha, ngay lập tức anh đã quyết định mang về nhà đãi bạn, vì khi được rán lên, nó trở thành món ngon quý hiếm. Tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng nó đã chứng tỏ được tình cảm mến bạn không hề thay đổi trong Alyosha. Điều này càng khiến Yudin nhận thức rõ hơn về sự tha hóa trong con người anh.

Từ đầu đến cuối tác phẩm, Yudin lần lượt hiểu rõ bản chất từng người, theo quy luật từ những người gần gũi như Uspensky, Olga, Beta, Alyosha đến những kẻ được coi là đối thủ như Vdovin. Nhưng quan trọng hơn cả, trên cơ sở khám phá, tìm hiểu những người xung quanh, Yudin đã khám phá ra con người thật của chính mình, tự đánh giá chính mình. Anh đã thật nghiêm túc, khách quan thú nhận những lỗi lầm đã gây ra, đồng thời thể hiện ý định hối cải, sửa chữa để trở thành con người hoàn thiện. Chuyến thăm rừng quốc gia là cơ hội để Yudin kiểm tra lại nhân cách bản thân và cũng là cơ hội để tâm

hồn anh được thanh lọc: “Trong một tuần, tôi đã sống bằng một năm. Một năm ấy không làm tôi già đi hay trẻ hơn, nhưng dù sao thì cũng đã làm cuộc sống của tôi rung chuyển dữ dội. Tôi không biết ngày mai mình sẽ như thế nào nhưng hôm nay, tôi đã không còn là con người hôm qua” [10, tr. 247]. Đó là kết quả của những suy tư và thể nghiệm ở nhân vật. Kết quả này chỉ có được khi nhân vật “suy nghĩ sâu sắc hơn về những mâu thuẫn của cuộc sống, về những hành vi và tư cách của chính mình, về những chuyện đời và chuyện người.” [18, tr. 759].

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 75 - 77)