Độc thoại và đối thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 56 - 61)

Trong tiểu thuyết Thao thức, những độc thoại và đối thoại nội tâm của nhân vật chính xuất hiện dày đặc. Có thể nói, xét về vẻ ngoài, Yudin là một người lạnh lùng và kiệm lời nhưng bên trong tâm hồn lại chất chứa nhiều suy nghĩ sâu sắc. Thay vì chia sẻ với người khác thì anh lại thường xuyên trò chuyện với chính mình. Điều này có liên quan mật thiết đến việc sử dụng ngôi kể thứ nhất. Chính nhờ giọng kể ở ngôi thứ nhất mà những độc thoại nội tâm, những câu hỏi tự vấn của Yudin không hề có cảm giác gượng ép, khiến đôi khi độc giả khó phân biệt được người kể chuyện đang kể cho họ nghe hay đang trò chuyện với chính mình.

Không dừng lại ở đó, để có thể tự đánh giá về chính bản thân, Yudin còn thường xuyên có những đối thoại nội tâm. Điển hình nhất là đoạn đối thoại ngầm dài bốn trang giấy khi Yudin chuẩn bị lên thuyết trình thay Uspensky ở hội nghị khoa học quốc tế và cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Yudin và Vdovin. Trong cuộc đối thoại với chính mình, Yudin đưa ra bàn bạc các vấn đề mang tầm vĩ mô về vũ trụ và khoa học. Yudin đã phân thân làm hai người, một người chất vấn và một người trả lời:

“-Nhân loại ấy à? Antonovich? Trước khi nói về những nỗ lực được liên kết chặt chẽ có lẽ rất đúng lúc nêu ra cho mình một câu hỏi: có tồn tại như là một thể thống nhất không? Thế giới bị chia cắt, trong đó bị sôi sục những quyền lợi và ham muốn đối kháng.

-Tôi hiểu, có tồn tại…” [10, tr. 92].

Cứ hỏi và đáp như thế, đoạn đối thoại trong nội tâm đã giúp Yudin bày tỏ quan điểm về thế giới, về khoa học, đặc biệt là vai trò của người trí thức. Đoạn đối thoại nội tâm khá dài cho thấy rõ hơn những trăn trở không ngừng trong tâm trí Yudin. Hình thức đối thoại chỉ là cái cớ để nhân vật xem xét kỹ

hơn vai trò cá nhân mình với thời đại và lịch sử trên tư cách là một kỹ sư đầu ngành sinh lý và giải phẫu. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để nhân vật kiểm điểm lại tư cách, đạo đức làm khoa học của mình.

Không dừng lại ở đó, Yudin còn tưởng tượng ra một cuộc đối thoại ngầm khác nhưng lần này không phải là sự phân thân nữa mà là cuộc đối đầu tư tưởng với đối thủ - Vdovin. Người kể chuyện đã có những dẫn dắt rất cụ thể trước khi vào cuộc đối thoại kéo dài mười trang giầy này: “Trong những năm gần đây, người phản biện vô hình của tôi thường là Vdovin – Tại sao lại như thế? – ngay cả chính tôi cũng không được rõ hoàn toàn, tôi có thể chọn cho mình một người khác hay hơn, nhưng sự lựa chọn không phải lúc nào cũng thuộc về chúng ta, với sức công phá chỉ riêng mình hắn có, Vdovin thâm nhập vào quá trình tư duy của tôi, và tôi đã nghe thấy hắn” [10, tr. 309]. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh việc trình bày quan điểm đối nghịch của Yudin và Vdovin về các vấn đề: sự khẳng định bản thân, lòng tự hào, lòng ghen tuông, sự trả thù, lòng tham quyền… Cả hai đều đưa ra những lập luận sắc bén để khẳng định quan niệm của mình. Khi nói về lòng tham quyền, Yudin đã thẳng thắn cáo buộc sự tham quyền của Vdovin: “Tôi không có ấn tượng xấu về những người có quyền đến mức cho rằng họ yêu thích sử dụng quyền lực hoàn toàn vì những sự ưu đãi nào đó tạo ra… Đi đâu xa làm gì, chính anh rất tham quyền [10, tr. 316]. Yudin đã tự tạo nên cuộc đối thoại ngầm này. Hình thức là cuộc đối thoại nhưng trên thực tế, hiếm khi anh để Vdovin lên tiếng mà phần lớn là những lời giãi bày của chính anh. Thông thường, hai kẻ thù lâu năm sẽ hiểu rất rõ điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Yudin và Vdovin cũng vậy, chính vì quá hiểu nhau nên Vdovin là người thích hợp nhất có thể chất vấn Yudin và khiến anh nói thẳng, nói thật mọi suy nghĩ. Sự lựa chọn Vdovin làm “người đối thoại vô hình” là có cơ sở của nó: “Trong bất cứ suy tư nào của chúng ta có tồn tại vô hình một người phản biện, trong khi tranh cãi với anh

ta, chúng ta mài sắc hơn những luận thuyết của mình” [10, tr. 309]. Cuộc đối thoại cũng là dịp nhân vật chính Yudin thốt ra những suy nghĩ chất chứa trong lòng. Nếu tinh ý một chút, độc giả sẽ nhận ra “người phản biện” – Vdovin cũng chính là sự phân thân của Yudin. Cuộc đối thoại thực ra chỉ là cuộc tự chất vấn của Yudin: “Chúng tôi biết anh rồi. Những lời kêu gào cũ rích về sự bất biến vĩnh cửu của bản tính con người… Rất tiếc là anh đã không thẳng thừng được như thế” [10, tr. 311]. Cuộc đối thoại còn là dịp Yudin thẳng thắn đưa ra những triết lý: “Sự ganh tị là chị em ruột với ghen tuông, nhưng nếu ghen tuông còn có người bảo vệ, thì sự ganh tị không bao giờ được như thế. Chắc là vì rất khó tự nhận mình là ganh tị, ngay cả tự nhận với chính bản thân. Ganh tị nghĩa là đặt mình thấp hơn kẻ mà mình ganh tị” [10, tr. 314].

Trong cuộc đối thoại ngầm giữa Yudin và Vdovin, lời của Vdovin chỉ mang tính chất đặt vấn đề và gợi mở cho những lý luận của Yudin. Trong công trình nghiên cứu về thi pháp tiểu thuyết của Dostoevsky, nhà nghiên cứu M. Bakhtin có nhấn mạnh đến tính đa thanh trong lời văn của Dostoevsky. Trong đó, vấn đề đối thoại ngầm và tranh luận ngầm được ông đặc biệt quan tâm. Theo ông, “trong lối tranh luận ngầm thì lời của người khác bị gạt đi, và sự gạt bỏ đó cũng quy định lời văn tác giả không kém, so với cái đối tượng mà chúng ta đang bàn đến. Điều đó làm thay đổi tận gốc ngữ nghĩa của lời văn: bên cạnh ý nghĩa đối tượng còn có ý nghĩa thứ hai – khuynh hướng nhằm tới lời người khác.” [1, tr. 210]. Hình thức của “diễn đàn vô hình” mà Yudin tạo ra thì là cuộc đối thoại nhưng nếu để ý kỹ, độc giả sẽ thấy đó chỉ là hai giọng khác nhau của nhân vật chính. Yudin luôn bị ám ảnh về một cuộc đối đầu với Vdovin cùng những lý lẽ chất vấn của hắn. Những lý luận và cáo buộc mà Vdovin đưa ra không phải là vô căn cứ. Vậy nên, Yudin đã thừa nhận về sự lúng túng của mình: “Tự dưng tôi cảm thấy ngượng. Có một điểm ưu việt giả tạo khi đối diện với người phản biện vô hình. Anh ta hoặc là im lặng, hoặc là

nói đúng…” [10, tr. 319]. Cả lời chất vấn lẫn câu trả lời đều rất sắc sảo và thuyết phục. Thực ra, đó chỉ là những lời khác nhau của người kể chuyện. Anh ta đã thử nhập vai vào Vdovin, nhại giọng Vdovin và tự cáo buộc mình. Cuộc tranh luận ngầm được tạo ra là cơ hội để Yudin bao biện cho mình và thể hiện quan điểm cá nhân chứ không chỉ nhằm mục đích là phủ định lại lời của Vdovin.

Có một điều đặc biệt trong cuộc đối thoại này, đó là lời của Vdovin chỉ vẻn vẹn nửa trang sách nhưng câu trả lời của Yudin thì được trình bày trong gần mười trang sách. Hơn nữa, lời của Vdovin chỉ xuất hiện ở đoạn mở đầu cuộc đối thoại, còn lời của Yudin lại dàn trải liên tục. Nó giống như sự thao thao bất tuyệt khiến độc giả có cảm giác như Yudin đang đối thoại một mình. Điều này cũng là một dấu hiệu cho thấy tính đa thanh trong lời văn của Kron vì theo Bakhtin thì “hãy tưởng tượng ra một đoạn đối thoại giữa hai người, trong đó những câu đối đáp của người tiếp chuyện thứ hai bị bỏ trống, nhưng làm sao cho ý nghĩa chúng không bị suy suyển. Người trò chuyện thứ hai hiện diện vô hình, tiếng nói của anh ta cũng vô hình, nhưng dấu vết sâu sắc của những lời đó lại quy định tất cả những lời nói hữu hình của người trò chuyện thứ nhất. Chúng ta cảm thấy rằng đây là một cuộc chuyện trò, mặc dù chỉ có một người nói và lại là một cuộc chuyện trò hết sức căng thẳng, bởi vì mỗi lời có mặt ở đây bằng toàn bộ cơ thể mình đều nhằm đáp lại, phản ứng lại người tiếp chuyện vô hình.” [1, tr. 213]. Cuộc tranh luận ngầm gay gắt giữa Yudin với “người phản biện vô hình” cũng mang những đặc điểm của “đối thoại ngầm” mà Bakhtin chỉ ra khi nghiên cứu lời văn của Dostoevsky. Ở đây, tính đa thanh trong lời văn của Kron chưa đạt đến cấp độ đa thanh như trong tiểu thuyết của Dostoevsky (nghĩa là có sự tồn tại nhiều giọng trong từng đơn vị nhỏ nhất của truyện kể là lời của nhân vật). Nhưng tính đa thanh đã thể hiện rõ trong sự phân tách làm hai giọng trong lời kể của người kể chuyện. Đó

cũng là một sáng tạo đáng ghi nhận của Kron vì “tranh luận nội tại có ý nghĩa tạo phong cách cực kỳ to lớn trong tự truyện và trong các hình thức kể chuyện kiểu tự thú”. [1, tr. 212]. Nhờ sự sáng tạo này mà những đoạn tranh luận ngầm đã để lại ấn tượng sâu sắc và là điểm nhấn của nhân tố tự bạch trong tác phẩm. Tính đa thanh cho thấy sự dằn vặt đã ngự trị thường xuyên trong tâm trí nhân vật, đồng thời nó cũng cho thấy sự hoài nghi thường trực trong một người trí thức đang tự xem xét và đánh giá lại bản thân.

Tóm lại, những độc thoại và đối thoại nội tâm cho thấy sự bức thiết trong nhu cầu bộc bạch của nhân vật. Đó là trạng thái tâm lý thường có ở những người cần thú tội hay sám hối. Có thể nói, nhân tố tự bạch được thể hiện đậm đặc nhất qua những đối thoại nội tâm của Yudin. Nhờ có sự va chạm, tương tác giữa những luồng suy nghĩ khác nhau mà nhân vật có thể đi đến những kết luận về sự đúng – sai trong cách nhìn và cách ứng xử với con người và cuộc sống. Đó cũng là cơ hội để Yudin tự thú và bào chữa cho lối suy nghĩ của mình.

Chương 3

NHÂN TỐ TỰ BẠCH VỚI VIỆC THỂ HIỆN QUAN ĐIỂMTRIẾT - MỸ CỦA A.KRON TRIẾT - MỸ CỦA A.KRON

Một phần của tài liệu Nhân tố tự bạch trong cấu trúc tiểu thuyết thao thức của aleksandr kron (Trang 56 - 61)