Các nghiên cứu về phân bón cho cà phê tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) góp phần xác định hiệu suất sử dụng phân bón NPK cho giống cà phê vối trong thời kỳ kinh doanh tại tỉnh đắk lắk (Trang 28 - 31)

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vai trò của đạm, lân, kali cũng như từng yếu tố riêng lẻ đối với cà phê trên đất bazan vùng Tây Nguyên, trong đó những nhận định nổi bật của các tác giả như:

Nghiên cứu của Tôn Nữ Tuấn Nam và Trương Hồng (1999) cho rằng đối với cà phê ở giai đoạn kinh doanh đối với đất tốt cần bón 2 - 3 năm bón một lần từ 10 - 15 tấn phân chuồng hoai mục, khi vườn cây đã ổn định muốn đạt năng suất 3 tấn nhân/ha trên đất bazan cần bón từ 220 - 250 kg N, 80 - 100 kg P2O5 và 200 - 230 kg K2O và trường hợp năng suất vượt ngưỡng thì cứ một tấn cà phê bội thu cần bón thêm 70 kg N, 20 kg P2O5 và 70 kg K2O.

Theo nghiên cứu của Y Kanin H’Đơk (2002) trên nền phân bón 300 kg N + 300 kg K2O, bón phân lân từ 0 - 200 kg P2O5/ha/năm cho cà phê vối có tác dụng làm tăng số cặp lá/cành, làm giảm tỉ lệ nhiễm rệp xanh, cành khô, mức độ rụng quả nên tăng năng suất, nhưng hiệu quả và năng suất cao nhất ở mức 150 kg P2O5/ha; trên mức đó năng suất có tăng nhưng không chắc chắn. Bón phân cho cà phê chỉ dựa vào tỉ lệ chất dinh dưỡng trong đất không cho kết quả chắc chắn nên cần phải nghiên cứu chẩn đoán dinh dưỡng qua lá để đề xuất quy trình bón phân hợp lý cho cà phê và áp dụng rộng rãi cho sản xuất.

Tôn Nữ Tuấn Nam và cộng sự (2003) cho rằng liều lượng phân bón 300 - 350 kg N; 80 - 100 kg P2O5 và 300 - 350 kg K2O trong điều kiện có bón 14 -15 tấn phân chuồng/ha 2 năm bón một lần có thể đảm bảo năng suất cà phê vối từ 4,5 đến 5 tấn nhân/ha; các liều lượng phân bón cao hơn có thể làm tăng năng suất cà phê nhân nhưng không có hiệu quả kinh tế trong điều kiện giá cà phê nhân đạt 10.000 đồng/kg.

Theo Lê Hồng Lịch và cộng sự (2005) đề xuất lượng phân bón cho cà phê vối giai đoạn kinh doanh (mức năng suất 3,5 đến 4 tấn nhân/ha) như sau: 200 kg

SA, 520 kg urê, 700 kg lân nung chảy, 500 kg kali clorua. Có thể tăng hoặc giảm 10 - 15 % lượng phân cho mỗi tấn cà phê nhân tăng hoặc giảm. Nếu dùng các loại phân hỗn hợp NPK để bón cho cà phê như: Con Cò, Đầu Trâu 16 - 8 - 16, Việt Nhật 16 - 8 - 14, ... nên bón với lượng từ 1,5 đến 2 tấn/ha/năm.

Y Kanin H’Đơk và Trình Công Tư (2007) cho rằng mức bón phân N, P2O5 và K2O cho cà phê vối giai đoạn kinh doanh đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất so với không bón lần lượt là: bón 300 kg N/ha (tăng 59,5 % năng suất, lãi 13,37 triệu đồng), bón 150 kg P2O5 kg/ha (tăng 50 % năng suất, lãi 13,47 triệu đồng) và bón 400 kg K2O/ha (tăng 62,5 % năng suất, lãi 16,32 triệu đồng).

Lê Hồng Lịch (2008) khi nghiên cứu sử dụng phân lân hợp lý cho cây cà phê vối giai đoạn kinh doanh trên đất bazan ở Đắk Lắk kết luận: trên nền 100 kg P2O5/ha, bón từ 200 kg đến 350 kg N/ha làm tăng năng suất từ 14,5 đến 24,2 % và đã xác định được tổ hợp phân bón thích hợp cho cây cà phê vối giai đoạn kinh doanh ở Đắk Lắk là 300 kg N + 100 kg P2O5 + 300 kg K2O và 350 kg N + 100 kg P2O5 + 350 kg K2O kg/ha/năm.

Nguyễn Tiến Sĩ (2009) cho rằng nếu bón lượng phân 320 kg N + 120 kg P2O5 + 350 kg K2O/năm cho 1 ha cà phê vối giai đoạn kinh doanh trồng trên đất đỏ bazan ở Đắk Nông đã đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê, cho năng suất đạt 3,76 tấn nhân/ha, lợi nhuận đạt 70 triệu đồng/ha/năm.

Thí nghiệm về bón phân cho cà phê vối giai đoạn kinh doanh tại huyện Cư’Mgar trong 2 năm 2007 và 2008 cho rằng bón phân với liều lượng 300 kg N - 100 kg P2O5 - 300 K2O ha/năm đạt năng suất trung bình 3,23 tấn nhân/ha.

Theo Phan Quốc Sủng (1987) đề xuất công thức bón phân cho cà phê vối giai đoạn kinh doanh 3 lần vào các thời điểm như sau:

Tháng 4 - 5 bón: 35 % đạm + 30 % kali;

Tháng 6 - 7 bón: 40 % đạm + 40 % kali + 40 % lân; Tháng 10 - 11 bón: 25 % đạm + 30 % kali + 60 % lân.

Tôn Nữ Tuấn Nam và Trương Hồng (1999) đề xuất bón phân vô cơ cho cà phê làm 4 đợt theo tỉ lệ và thời điểm như sau:

Đợt 1 (mùa khô khi tưới nước): 15 % đạm;

Đợt 2 (tháng 5): 25 % đạm + 30 % kali + 50 % lân; Đợt 3 (tháng 6 - 7): 30 % đạm + 35 % kali;

Đợt 4 (tháng 9 - 10): 30 % đạm + 35 % kali + 50 % lân.

Nguyễn Xuân Trường và cộng sự, (2000) đề xuất bón phân vô cơ cho cà phê theo tỉ lệ và thời điểm như sau:

Đầu mùa mưa: 25 - 30 % đạm + 25 - 30 % lân + 20 - 25 % kali; Giữa mùa mưa: 30 - 35% đạm + 20 - 25 % lân + 30 - 35 % kali; Cuối mùa mưa: 25 - 30 % đạm + 20 - 25 % lân + 30 - 35 % kali; Đầu mùa khô: 5 - 15 % đạm + 15 - 20 % lân + 5 - 10 % kali.

Theo quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê vối 10 TCN 478-2001 của Bộ NN&PTNT ban hành theo quyết định số 06/2002/QĐ-BNN ngày 9/01/2002 và Quy trình tái canh cà phê vối Ban hành theo quyết định số 273 /QĐ-TT-CCN ngày 3/7/2013 của Cục trưởng Cục Trồng trọt lượng phân bón trên đất bazan cho cà phê vối giai đoạn kinh doanh được chia làm 4 lần trong năm như sau:

Lần 1: giữa mùa khô kết hợp với tưới nước: bón 100 % phân SA;

Lần 2: đầu mùa mưa: 30 % phân urê, 30 % phân kali và 100 % phân lân; Lần 3: giữa mùa mưa: 40 % phân urê, 30 % phân kali;

Lần 4: cuối mùa mưa: 30 % phân urê, 40 % phân kali.

Nghiên cứu của Nguyễn Văn Minh (2011) về thời điểm bón phân đạm, lân và kali cho cây cà phê vối giai đoạn kinh doanh trên nền phân bón 250 kg N + 100 kg P2O5 + 250 K2O ha/năm và 10 tấn phân chuồng tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư’Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: bón đạm làm 5 lần/năm (2 lần mùa khô và 3 lần mùa mưa) tăng năng suất cà phê 28 % so với bón 3 lần/năm; Bón lân 3 lần/năm (1 lần mùa khô và 2 lần mùa mưa) cho năng suất cao hơn bón 1 lần/năm là 30 % và bón kali làm 4 lần/năm (2 lần mùa khô và 2 lần mùa mưa) cho năng suất cà phê nhân tăng lên 29 % so với bón 2 lần/năm.

Tổng hợp các kết quả nghiên cứu và khuyến cáo trước đây cho thấy:

- Về lượng phân bón cho cà phê: đạm dao động 150 - 400 kg N/ha/vụ, lân 80 - 220 kg P2O5, kali 150 - 450 kg K2O/ha/năm. Tuy nhiên, các khuyến cáo trong những năm gần đây đã cụ thể hơn, định lượng bón dựa trên năng suất đạt được hàng năm, như quy trình của Bộ NN&PTNT thể hiện với năng suất 3 tấn bón 250 N+ 100 P2O5 + 230 K2O và bón 390 kg N+ 140 kg P2O5 + 370 kg K2O cho mức năng suất 5 tấn/ha.

- Về tỷ lệ phân bón được nghiên cứu và khuyến cáo như sau: lấy lân (P) làm chuẩn thì khoảng dao động về tỷ lệ giữa N/P2O5 là từ 1,3/1 đến 3,75/1. Đánh giá về tỷ lệ giữa P/K2O dao động từ 1/1,3 đến 1/3,75. Tỷ lệ giữa N/K2O chênh lệch không nhiều từ 1/1, 1,2/1 và 1/1,2.

Tóm lại, quy trình hướng dẫn phân bón cho cà phê của Bộ NN&PTNT đã thể hiện được chung nhất các kết quả nghiên cứu: lượng N 250:390 kg/ha, P2O5 từ 100 - 140 kg/ha, K2O từ 230:370 kg/ha với tỷ lệ N:P2O5:K2O là 2,5- 2,8:1:2,3-2,6.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) góp phần xác định hiệu suất sử dụng phân bón NPK cho giống cà phê vối trong thời kỳ kinh doanh tại tỉnh đắk lắk (Trang 28 - 31)