Theo báo cáo của các địa phương năm 2015: toàn tỉnh có 455 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô nuôi 68,3 ngàn con/năm. Chăn nuôi gia cầm có 473 trang trại với quy mô nuôi hơn 1,23 triệu con/năm; chăn nuôi trâu bò có 62 trang trại. Tuy nhiên chăn nuôi nhỏ theo phương thức tận dụng trong nông hộ còn chiếm tỷ trọng lớn (có 97,4% số trâu bò, 83,1% đàn lợn và 72,4% tổng đàn gia cầm được chăn nuôi theo quy mô hộ).
Thực trạng trên cho thấy, ngành chăn nuôi Bắc Ninh đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn và việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Tình trạng bệnh tật còn phổ biến trong các hộ chăn nuôi, khả năng và ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường còn chưa cao. Cũng do hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm trong quản lý giết mổ, môi trường bị ô nhiễm… vẫn là hiện tượng khá phổ biến trong chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò tại các địa phương hiện nay. Những đặc điểm
này không những khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi đều thấp, mà ngay cả vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khá nan giải, đây là yếu điểm khi hội nhập.
Tuy nhiên với chủ trương và chính sách thúc đẩy chăn nuôi trên toàn tỉnh. Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã hình thành được 30 vùng chăn nuôi lợn hướng nạc tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Phong, Từ Sơn, Gia Bình với số lượng trên 30 hộ nuôi tập trung từ 50 đến 250 con, đạt mức thu nhập từ 50 đến 150 triệu đồng/năm.
Tại những vùng này, các hộ dân đã áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào các khâu chọn con giống, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng hệ thống chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo các điều kiện cho chăn nuôi. Nhiều hộ nông dân ở các huyện Gia bình, Yên Phong, Lương Tài….do nhạy bén, nắm bắt nhu cầu thị trường đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng các khu chăn nuôi khép kín với tổng đàn lên tới từ 100 đến 250 con, đồng thời tận dụng nguồn phân chuồng nuôi thả các loại cá kết hợp trồng các loại cây ăn quả như đu đủ, xoài, nhãn…nâng tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hầu hết các hộ chăn nuôi có quy mô tổng đàn hàng chục con trở nên đều đầu tư xây dựng 1- 2 bể biogas làm nguồn chất đốt và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Ở các xã Xuân Lai, Quỳnh Phú, Nhân Thắng…thuộc huyện Gia Bình, trên 100 hộ dân đã thường xuyên nuôi từ 50 con lợn trở nên. Huyện Yên Phong là huyện có phong trào chăn nuôi lợn hướng lạc mạnh nhất tỉnh, tập trung ở 11 xã, thị trấn với hàng trăm hộ nuôi từ 10 đến 60 con lợn nái và hàng trăm con lợn thịt siêu nạc. Ở các huyện Lương Tài, Thuận Thành, Quế võ, Tiên Du… có hàng trăm hộ nuôi với quy mô lớn đạt giá trị thu nhập cao hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ chăn nuôi phát triển, nhiều hộ đã trở thành những hộ điển hình về làm ăn có hiệu quả.
- Hộ ông Nguyễn Văn Ái ở xã Hòa Tiến (Yên Phong) có trang trại chăn nuôi trên diện tích 3.000 m2 nuôi 40 con lợn nái, 150 con lợn thịt. Ông Nguyễn Văn Doanh ở Thuận Thành đầu tư gần 1 tỷ đồng với hàng ngàn con gia cầm và các loại cá trên diện tích 3ha.
- Trong đó phải kể đến là mô hình trang trại của ông Phạm Văn An (Phó chủ tịch UBND thị trấn Thứa, Lương Tài), mô hình VAC kết hợp. Đến nay trang trại của ông đã có 10.000 con gà, 2.000 con ngan, 4 mẫu ao nuôi cá, đà điểu 150 con cả nuôi sinh sản và nuôi lấy thịt, 800 cây nhãn.
- Trang trại chăn nuôi lợn tập trung theo hướng hàng hóa của anh Nguyễn Văn Đẩu (phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn) với hệ thống trang thiết bị hiện đại, 2 khu trang trại trên diện tích 6 ha của gia đình anh đang có quy mô nuôi 900 lợn nái ngoại, 30 lợn đực và hơn 4.000 lợn thịt thương phẩm; xung quanh chuồng trại là các bể biogas liên thông xử lý nước thải và ao cá điều hòa không khí, trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng từ 1.200-1.400 tấn lợn hơi thương phẩm, doanh thu đạt 70-80 tỷ đồng/năm...