Giới thiệu khái quát ngành Dược phẩm Việt Nam

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc nắm giữ tiền mặt của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 50 - 52)

7. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.1.1.Giới thiệu khái quát ngành Dược phẩm Việt Nam

Trong hệ thống nền kinh tế quốc dân, ngành dược phẩm luôn được xem là một ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, hoạt động sản xuất đòi hỏi phải có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và công nghệ tiên tiến, đồng thời đây cũng là một ngành được hiểu nôm na là ngành công nghiệp “sản xuất ra sức khỏe và bảo vệ sức khỏe con người” vì bất cứ một sai sót nhỏ nào làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đều có nguy cơ gây nguy hiểm, tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Thuốc là một mặt hàng đặc biệt có quan hệ trực tiếp sức khỏe và sinh mạng con người. Khác với các sản phẩm tiêu dùng khác, thuốc là mặt hàng thiết yếu, do đó khi cung khan hiếm thì cầu vẫn không giảm. Cung càng khan hiếm thì giá càng cao, nhưng người bệnh vẫn phải mua bởi vì đó là nhu cầu thiết yếu.

Không giống với các ngành khác có thể tiếp thị, phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng, quá trình tiếp thị, phân phối của ngành dược buộc phải thông qua hệ thống bệnh viện, trạm y tế, các nhà thuốc mà cụ thể là các bác sĩ, dược sĩ. Bởi lẽ, phần lớn người tiêu dùng (người bệnh) không thể nào tự họ xác định bệnh cho mình chính xác được nên họ không biết và cũng không tự quyết định nên dung loại thuốc nào, do vậy các bác sĩ, dược sĩ là người có quyết định chi phối rất lớn đến việc tiêu dung thuốc của người bệnh. Ngoài ra, do đặc tính của ngành dược nên người tiếp thị, phân phối cho ngành dược đòi hỏi phải là dược sĩ, dược tá.

Theo phân loại và xếp hạng cho ngành công nghiệp dược: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) chia công nghiệp dược theo 5 mức phát triển, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) xác định mức độ phát triển công nghiệp dược của các quốc gia theo 4 cấp độ:

 Cấp độ 1: Nước đó hoàn toàn phải nhập khẩu thuốc.

 Cấp độ 2: Sản xuất được một số thuốc generic; đa số thuốc phải nhập khẩu.

 Cấp độ 3: Có công nghiệp dược nội địa; có sản xuất thuốc generic; xuất khẩu được một số dược phẩm.

 Cấp độ 4: Sản xuất được nguyên liệu và phát minh thuốc mới.

Theo cách đánh giá này, hiện nay công nghiệp dược Việt Nam đang ở gần cấp độ 3 theo thang phân loại của WHO. Còn nếu theo thang phân loại 5 mức phát triển của UNIDO thì công nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ ở mức 3, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”. Ngành công nghiệp hóa dược của Việt Nam vẫn chưa phát triển do thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch, chính sách, công nghiệp phụ trợ… Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp của Mekophar, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn Amoxicillin và 100 tấn Ampicillin mỗi năm, và chủ yếu chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh từ nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc và Ấn Độ. Về định vị ngành dược Việt Nam trên bản đồ dược thế giới, theo cách đánh giá phân loại của IMS Health, Việt Nam thuộc nhóm 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển (pharmerging countries). Cách phân loại này dựa trên tiêu chí cốt lõi là tổng tiền thuốc tiêu thụ hàng năm, bên cạnh đó, IMS Health cũng sử dụng các tiêu chí tham khảo khác như mức độ năng động, tiềm năng phát triển của thị

trường và khả năng thay đổi để thích nghi với các biến động về chính sách quản lý ngành dược tại các quốc gia này.

Việt Nam vẫn chưa phát triển công nghệ hóa dược, do đó hầu hết nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đều phải nhập khẩu. Theo các số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế và Cục quản lý dược, 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đang phải nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu dược phẩm vào Việt Nam lớn nhất trong nhiều năm, lần lượt chiếm 51,4% và 18,3% tổng giá trị nhập khẩu năm 2013. Nguyên liệu đông dược: Theo báo cáo của Cục quản lý dược và Bộ Y tế, đến 90% nguồn nguyên liệu đông dược sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc do nguồn cung tại Việt Nam không đủ đáp ứng và nhiều loại thảo dược không thể trồng tại Việt Nam do khí hậu không phù hợp. 10% nguyên liệu còn lại chủ yếu tập trung vào các loại thảo dược khá phổ biến tại Việt Nam như Artiso, Đinh Lăng, Cam Thảo, Cao Ích Mẫu, Diệp Hạ Châu…

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc nắm giữ tiền mặt của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 50 - 52)