Giảm thiểu tổn thất được xem là biện pháp kiểm soát rủi ro thực tế, quan trọng và dễ thực hiện nhất. Đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành du lịch cần có các biện pháp giảm thiểu những mất mát do rủi ro mang lại. Một số biện pháp được đề ra:
- Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhiều sự lựa chọn hơn trong việc hợp tác với các nhà cung cấp như các khách sạn… và trong việc lựa chọn loại hình giao thông: đường hàng không, đường bộ, đường thủy,… trong phạm vi kinh tế của doanh nghiệp.
- Lập kế hoạch giải quyết sự cố, tổ chức một bộ phận để khảo sát, thu thập các kinh nghiệm, ý kiến và hoạch định để có thể đưa ra được phương pháp phù hợp nhất để giải quyết các rủi ro, giảm thiểu tổn thất. Đồng thời cần cập nhật thông tin thường xuyên để kế hoạch bám sát thực tiễn.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ, đưa ra các quy định nghiêm ngặt yêu cầu khách hàng tuân thủ đồng thời thực hiện đào tạo nhân sự có kinh nghiệm giám sát quản lý, tuân thủ quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt.
- Thực hiện đánh giá các yếu tố và phạm vi ảnh hưởng khi rủi ro xảy ra. Tùy vào từng tình huống cụ thể, doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để đưa ra các khoản dự phòng phù hợp như dự phòng nhằm khôi phục các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh bị ảnh hưởng do ý thức kém của một bộ phận khách hàng. Doanh nghiệp nên lập các khoản dự phòng có tính thanh khoản cao để phòng ngừa kịp thời các sự kiện rủi ro bất ngờ. Mức tổn thất được đo lường một cách chính xác thì khoản dự phòng sẽ phát huy tối đa tác dụng của nó.
- Xử lý truyền thông: Khi có các sự kiện rủi ro bất ngờ xảy ra ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cần xử lý truyền thông một cách khéo léo như là cách để giảm thiểu tổn thất do rủi ro mang lại. Doanh nghiệp không nên trốn tránh, lờ đi các trách nhiệm của mình nếu không muốn mọi chuyện trở nên tiêu cực hơn và gia tăng tổn thất.
3.5.4. Tài trợ rủi ro
Ngoài các biện pháp kiểm soát rủi ro được nêu ở trên thì việc tài trợ rủi ro hợp lý cũng sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành du lịch ngăn ngừa, kiểm soát các rủi ro hoặc bù đắp, khắc phục, tái đầu tư các tổn thất (nếu có) khi rủi ro xảy ra. Do đó, việc có tài trợ lúc nào cũng tốt hơn là không tài trợ và việc tài trợ tốt một rủi ro trước khi nó xảy ra sẽ luôn tạo ra nhiều hiệu quả tích cực hơn là tài trợ sau khi rủi ro xảy ra. Vì vậy, các doanh nghiệp thông qua việc nhận dạng, phân tích và đo lường rủi ro có thể ước tính các tần suất xảy ra của rủi ro gây thiệt hại cho doanh nghiệp từ đó lập ra các kế hoạch ứng phó. Doanh nghiệp trong ngành có thể chọn hình thức chuyển giao rủi ro bằng cách mua các loại bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm như bảo hiểm xe du lịch, bảo hiểm hành khách ngồi trên xe và bảo hiểm tai nạn trong quá trình khách đi du lịch… Với
những dự đoán, đo lường tổn thất có thể xảy ra mà không được bảo hiểm thì doanh nghiệp cần có các khoản tự tài trợ để kịp thời khắc phục tổn thất khi chúng xảy ra.