Điểm khác nhau giữa màu sắc trong trang trí và màu sắc

Một phần của tài liệu Giáo trình mỹ thuật trang phục Nguyễn Thị Trúc Đào (Trang 36 - 39)

3. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ MÀU SẮC

3.12. Điểm khác nhau giữa màu sắc trong trang trí và màu sắc

tranh

Màu sắc trong trang trí và màu sắc trong tranh (hội họa) đều được thể hiện bằng ngôn ngữ đặc trưng của hội họa là: đường nét, màu sắc, ánh sáng. Nhưng màu sắc trong tranh là diễn tả hình ảnh, sự việc bằng không gian ba chiều trên một mặt phẳng, nên hình ảnh được thể hiện thông qua những hình khối ba chiều, được vờn khối, tạo khối. Còn màu sắc trang trí vẫn sử dụng ngôn ngữ chung đó, nhưng các hình ảnh, sự vật trong trang trí là không gian hai chiều trên một mặt phẳng. Cụ thể hơn, màu sắc trong trang trí chủ yếu là đường nét và mảng hình, không vờn khối,… các hình vẽ được thể hiện trong mảng hình dứt khoát, thường vẽ đường nét trước và tô đều màu cho từng mảng hình.

H 1.50. Màu sắc trong tranh -HS Lương Xuân Nhị

H 1.51. Bài vẽ của sinh viên ngành TKTT

Đối với môn học mỹ thuật trang phục, chúng ta sử dụng màu sắc thể hiện dưới dạng màu trang trí. Có nghĩa người học cần chú ý thể hiện bằng đường nét và mảng hình, không vờn khối như vẽ tranh. Cụ thể như các bài vẽ trang trí hình vuông, hình tròn được vẽ trên giấy hay vẽ trang trí trên trang phục đều thể hiện dưới dạng mảng hình, đường nét.

H 1.52. Hình vẽ dạng trang trí trên trang phục 3.13. Kết luận

Màu sắc trong cuộc sống nói chung và hội họa nói riêng rất phong phú và đa dạng. Mỗi màu sẽ có tên gọi, chức năng, ý nghĩa khác nhau để tạo vẻ đẹp vốn có của nó. Nhưng khi kết hợp chúng lại với nhau cần có sự nhận định, đánh giá, điều chỉnh chúng trong một môi trường tương tác lẫn nhau để tạo nên những gam màu, ý nghĩa đặc trưng mà nó mang lại. Vì vậy, quá trình học có thể giúp người học phân biệt được thể loại, khái niệm từng màu riêng biệt nhưng khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì phải biết hòa trộn, liên kết các màu và ứng dụng vào đối tượng phù hợp. Khi đánh giá vẻ đẹp của màu sắc, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách tổng thể, không nên tách biệt từng màu riêng lẻ. Vì bản thân từng màu đã đẹp, nhưng khi kết hợp chúng lại phải tạo nên một tổng thể hài hòa về màu sắc.

Lưu ý: Khi đánh giá về màu sắc bài vẽ của người khác, không được đánh giá màu vẽ đúng, sai. Chúng ta chỉ nhận xét màu vẽ có đẹp, hài hòa trong tổng thể bài vẽ đó.

4. HÒA SẮC

4.1. Định nghĩa

Hòa sắc là sự sắp xếp tương quan các màu trong không gian nhất định nhằm tạo được mối quan hệ hài hòa màu sắc.

Sự tương quan hòa sắc cũng phụ thuộc vào quan điểm thẩm mỹ của từng người, từng vùng miền cũng như mỗi dân tộc khác nhau do điều

kiện địa lý hoặc nền văn hóa riêng. Tuy có sự khác nhau đó, nhưng nguyên lý cơ bản về hòa sắc vẫn có thể định hình trên cơ sở đặc trưng và tính chất của màu. Để có một hòa sắc đẹp, người vẽ phải dựa vào đặc trưng, tính chất của màu để điều chỉnh cho phù hợp. Giả sử bài vẽ chưa đẹp vì màu quá tươi, quá sáng, không trọng tâm thì người vẽ nên dựa vào sự hiểu biết về sắc độ để gia giảm độ đậm nhạt cho phù hợp rõ trọng tâm. Một bài vẽ hay một bức tranh, một bộ trang phục được cho là hòa sắc đẹp tức là ta biết đặt vị trí, sắc độ của màu đúng nơi, đúng chỗ tạo nên sự hòa hợp lẫn nhau.

4.2. Các dạng hòa sắc

4.2.1. Hòa sắc tương đồng

Là sự sắp xếp, phối hợp các màu tương đồng lại với nhau. Các màu có cùng tông, cùng họ, cùng nhóm màu nóng hoặc lạnh, khi chúng đứng cạnh bên nhau tạo nên mối quan hệ hài hòa về màu trong cùng một sắc. Còn gọi là phối hợp các màu tương sinh cùng họ.

Ví dụ: Hòa sắc nâu là kết hợp các màu nâu đậm đến nâu nhạt, nâu chuyển sang vàng, nâu chuyển xanh,... Hay hòa sắc xanh bao gồm các màu từ xanh đậm đến xanh nhạt, xanh ngả vàng, xanh ngả lam,...

Tác dụng của hòa sắc tương đồng

Hòa sắc tương đồng của các màu hữu sắc đứng cạnh nhau cho cảm giác êm ái, nhẹ nhàng.

Hòa sắc tương đồng của các màu vô sắc (phác thảo đen trắng) cho cảm giác thuần khiết, giản dị.

4.2.2. Hòa sắc tương phản

Định nghĩa

Hòa sắc tương phản là sự sắp xếp bố trí các màu tương phản lại với nhau, có tính đối lập nhau: nóng - lạnh; sáng - tối; đậm - nhạt; tươi - rực; dịu - trầm; mảng lớn - mảng nhỏ; màu hữu sắc - màu vô sắc;... đứng cạnh nhau tạo nên tương quan hài hòa về màu sắc.

Tác dụng của hòa sắc tương phản

Thông thường các hòa sắc tương phản gây sự kích thích thị giác mạnh, tập trung sự chú ý người xem. Hòa sắc tương phản được sử dụng trong các trường hợp người mặc trang phục muốn thể hiện mình, làm nổi bật mình giữa đám đông, hay là một người mẫu quảng cáo cho một thương hiệu nào đó. Ngoài ra, trang phục ấn tượng có thể sử dụng hòa sắc tương phản để tăng thêm sự chú ý, gây ấn tượng mạnh hơn, tạo hiệu quả cao hơn cho thể loại trang phục.

Trên thực tế hòa sắc tương phản, hòa sắc tương đồng chỉ mang tính tương đối và không có sự tách biệt một cách rõ ràng. Vì một hòa sắc đẹp, sinh động thì ngoài lượng màu nhất định tương phản hoặc tương đồng còn phải kết hợp thêm các cặp màu tương đồng, hoặc một vài cặp màu tương phản khác và ngược lại.

Một phần của tài liệu Giáo trình mỹ thuật trang phục Nguyễn Thị Trúc Đào (Trang 36 - 39)