7. Tổng quan tài liệu sử dụng trong đề tài
3.2.1 Đánh giá việc vận dụng chính sách kế toán về hàng tồn kho
Dựa vào phần tóm tắt về chính sách kế toán về HTK trên phần Thuyết minh BCTC của 50 công ty xây dựng niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, ta có thể thấy hầu hết các công ty đều phân loại rõ ràng các
loại HTK thành nguyên vật liệu, nhiên liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm, phế liệu thu hồi…Phương pháp quản lý HTK tất cả các công ty đều sử dụng là phương pháp kê khai thường xuyên nhằm giúp cho việc theo dõi và quản lý thường xuyên, chặt chẽ các loại HTK; giúp phát hiện và theo dõi kịp thời chất lượng hàng hóa cũng như sự thất thoát số lượng hàng. Các công ty trong mẫu nghiên cứu hầu hết có quy mô lớn và rất lớn nên việc áp dụng phương pháp quản lý HTK này rất hợp lý, cho phép kế toán chủ động trong việc theo dõi cũng như lập dự toán xây dựng, mua sắm, dự trữ HTK phù hợp khi có nhu cầu.
Bảng số liệu sau được thu thập từ BCTC của các công ty nghiên cứu sẽ cho chúng ta một cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng vận dụng CSKT HTK.
Bảng 3.2 Thực trạng vận dụng chính sách kế toán về HTK ở các công ty nghiên cứu
Chính sách kế toán về HTK Tần suất Phần trăm
(%)
1) Nguyên tắc xác định giá trị HTK
+ Theo giá gốc 50 100.0
2) Phương pháp tính giá hàng xuất kho
+ Theo giá thực tế đích danh 4 8.0
+ Theo giá nhập trước xuất trước (FIFO) 9 18.0
+ Theo giá bình quân gia quyền 37 74.0
3) Ước tính kế toán về giá trị SPDD
+ Theo chi phí NVL trực tiếp tiêu hao 8 16.0
+ Theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương
đương 1 2.0
+ Theo chi phí sản xuất định mức 41 82.0
4) Trích lập dự phòng giảm giá HTK
+ Có 50 100.0
+ Không 0 0.0
Tổng số công ty nghiên cứu N = 50
(Nguồn: theo tính toán của tác giả và phần mềm SPSS)
Về nguyên tắc xác định giá trị HTK: tất cả 50 công ty trong mẫu nghiên cứu đều sử dụng giá gốc để xác định giá trị HTK, chiếm tỷ lệ 100%. Ttrường hợp giá gốc nhỏ hơn giá trị thuần có thể thực hiện được thì mới sử dụng giá trị thuần có thể thực hiện để xác định nguyên giá HTK. Điều này hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS 02) quy định và được ghi rõ ràng trong Thuyết minh BCTC của các công ty xây dựng niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Qua đó ta thấy các công ty nghiên cứu vận dụng rất tốt CSKT về nguyên tắc xác định giá trị HTK.
Về phương pháp tính giá hàng xuất kho: đa số các công ty lựa chọn phương pháp bình quân gia quyền để hạch toán (37 công ty, chiếm tỷ lệ 74%); tiếp đến là phương pháp nhập trước xuất trước FIFO (9 công ty, chiếm tỷ lệ 18%) và cuối cùng là phương pháp giá thực tế đích danh với 4 công ty, chiếm tỷ lệ 8%.
Ở đây, các công ty nghiên cứu chủ yếu vận dụng phương pháp bình quân gia quyền bởi những ưu điểm của nó phù hợp với đặc điểm HTK phức tạp ở các công ty xây dựng như đơn giản, dễ thực hiện, tính toán số liệu, sự ổn định trong điều kiện giá cả đầu vào biến động, thay đổi thường xuyên. Phương pháp FIFO cũng được một số công ty trong mẫu nghiên cứu vận dụng bởi với phương pháp này thì lượng HTK trình bày trên Bảng cân đối kế toán sẽ có giá trị cao nhất so với áp dụng các phương pháp khác (bình quân gia quyền...) do số lượng hàng tồn tính theo giá của lần mua gần nhất, tức là phản ánh gần sát với giá thị trường. Vì vậy, trong điều kiện giá cả có xu hướng tăng, việc vận dụng phương pháp FIFO sẽ tạo ra một lợi nhuận kế toán lớn hơn dẫn đến dòng tiền ra nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ lớn hơn so với các phương pháp còn lại (bình quân gia quyền...) và ngược lại như tác giả đã đề cập trong chương 1. Do đó, phương pháp FIFO được ưu tiên sử dụng ở một số công ty trong mẫu nghiên cứu nhằm phản ánh giá cả HTK sát với giá thực tế trên thị
trường và đáp ứng mục tiêu quản trị lợi nhuận và thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn phương pháp giá thực tế đích danh được ít công ty trong mẫu nghiên cứu lựa chọn nhất bởi mặc dù phương pháp này tuân thủ nguyên tắc phù hợp của kế toán, thuận lợi cho kế toán trong việc tính giá, là phương pháp cho kết quả chính xác nhất so với các phương pháp khác; có chi phí thực tế phù hợp doanh thu thực tế, giá trị hàng tồn kho được đánh giá đúng theo giá trị thực tế của nó. Tuy nhiên trong điều kiện giá cả đầu vào biến động mạnh trên thị trường như hiện nay thì phương pháp này lại không phản ánh giá trị HTK sát với giá thị trường. Phương pháp này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh ít mặt hàng, ít chủng loại vật tư, hàng hóa, có thể phân biệt, chia tách thành nhiều thứ riêng rẽ, có mặt hàng ổn định, nhận diện được và điều này không phù hợp với đặc điểm HTK của đa số các công ty xây dựng trong mẫu nghiên cứu. Vì vậy phương pháp này được ít các công ty nghiên cứu lựa chọn áp dụng nhất.
Tóm lại, ta có thể thấy rằng hành vi vận dụng CSKT về HTK đối với các phương pháp tính giá hàng xuất kho ở các công ty xây dựng niêm yết trên Sở giao dịch TP. Hồ Chí Minh đa số dựa trên khía cạnh hiệu quả, tức là các công ty nghiên cứu có xu hướng vận dụng phương pháp tính giá hàng xuất kho theo phương pháp bình quân gia quyền nhằm mang lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản cho kế toán tính toán, thực hiện và kiểm tra theo dõi số lượng, giá trị hàng xuất. Phương pháp tính giá hàng xuất kho theo phương pháp FIFO cũng được một bộ phận các công ty nghiên cứu lựa chọn vận dụng dựa trên khía cạnh cơ hội, bởi phương pháp này tạo ra một lợi nhuận kế toán lớn hơn dẫn đến dòng tiền ra nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ lớn hơn so với các phương pháp còn lại nên đáp ứng mục tiêu quản trị về lợi nhuận, “làm đẹp” BCTC của các công ty nghiên cứu. Chỉ có một số ít các công ty nghiên cứu lựa chọn vận dụng phương pháp tính giá hàng xuất kho theo phương pháp
giá thực tế đích danh dựa trên khía cạnh truyền thống, bởi do đặc thù riêng biệt về HTK ở các công ty này và theo thói quen vận dụng của kế toán, ngại chuyển sang các phương pháp tính giá hàng xuất kho khác.
Về ước tính kế toán về giá trị SPDD: hầu hết các công ty trong mẫu nghiên cứu đều xác định giá trị SPDD cuối kỳ theo phương pháp chi phí sản xuất định mức (41 công ty, chiếm tỷ lệ 82%); 8 công ty xác định giá trị SPDD cuối kỳ theo phương pháp chi phí NVL trực tiếp, chiếm tỷ lệ 16% và chỉ có 1 công ty xác định giá trị SPDD cuối kỳ theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương, chiếm tỷ lệ 2%. Theo chương 1 đã đề cập thì phương pháp đánh giá theo chi phí NVL trực tiếp có ưu điểm là đơn giản, dễ tiến hành; tương đối thích hợp với những DN sản xuất, xây lắp mà chi phí vật liệu trực tiếp chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm. Đó cũng là lý do mà một số công ty xây dựng trong mẫu nghiên cứu lựa chọn phương pháp này. Phương pháp đánh giá theo khối lương sản phẩm hoàn thành tương đương thì cho kết quả hợp lý hơn so với phương pháp đánh giá SPDD theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong thực tiễn là bộ phận kỹ thuật phải xác định mức độ hoàn thành tương đương của SPDD; tốn nhiều công sức, thời gian nên phương pháp này chỉ có một công ty xây dựng quy mô lớn, đặc thù xây dựng riêng biệt áp dụng. Còn đối với phương pháp đánh giá theo chi phí sản xuất định mức thì phương pháp này khá đơn giản, dễ tiến hành, nhất là đối với các DN xây dựng đã thiết lập hệ thống định mức, dự toán chi phí cho sản phẩm công trình. Do đó, phương pháp này được nhiều công ty trong mẫu nghiên cứu lựa chọn áp dụng nhất.
Tóm lại, ta có thể thấy rằng hành vi vận dụng CSKT về HTK đối với ước tính kế toán về giá trị SPDD ở các công ty xây dựng niêm yết trên Sở giao dịch TP. Hồ Chí Minh đa số dựa trên khía cạnh hiệu quả và truyền thống. Tức là các công ty nghiên cứu có xu hướng vận dụng ước tính giá trị SPDD theo
phương pháp chi phí sản xuất định mức nhằm mang lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản cho kế toán tính toán, thực hiện. Phương pháp ước tính giá trị SPDD theo chi phí NVL trực tiếp, theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương được ít các công ty nghiên cứu lựa chọn vận dụng bởi do đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh ở các công ty này.
Về trích lập dự phòng giảm giá HTK: tất cả các công ty trong mẫu nghiên cứu đều thực hiện việc trích lập dự phòng giảm giá HTK (50 công ty, chiếm tỷ lệ 100%). Điều này cho ta thấy các công ty nghiên cứu tuân thủ đầy đủ quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán ban hành về việc trích lập dự phòng giảm giá HTK khi giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá gốc HTK. Từ đó, ta có thể các công ty nghiên cứu vận dụng tốt CSKT HTK về việc trích lập dự phòng giảm giá HTK.