2.1.1. Điều kiện tự nhiên
Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 3.534,6 km2; trong đó diện tích miền núi là 3.359,2 km2, chiếm tỷ lệ 91,1% trên diện tích toàn tỉnh. Diện tích đất lâm nghiệp hiện có trên 170.718 ha, trong đó có 16.421,6 ha rừng đặc dụng, 33.528 ha rừng phòng hộ, 120.768,9 ha rừng sản xuất cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến. Ngoài ra còn hơn 15.000 ha rừng nguyên sinh, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái. Phú Thọ nằm trong khu vực giao thoa giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc và là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, cách sân bay Nội Bài 60 km; cách cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Thanh Thuỷ (Hà Giang) hơn 200 km; cách thành phố Hải phòng 170 km; cách cảng Cái Lân (Quảng Ninh) 200km. Phú Thọ có vị trí địa lý mang ý nghĩa trung tâm của tiểu vùng; phía Đông Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Đông Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình. Điều kiện tự nhiên của tỉnh Phú Thọ mang sắc thái của ba vùng địa hình: miền núi, trung du và đồng bằng ven sông. Đối với tiểu vùng núi cao phía Tây và phía Tây Nam của tỉnh, chủ yếu là vùng mà địa hình dốc có độ cao từ 200 – 500m và nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m với sườn dốc và nhọn; do đó thường gặp một số khó khăn về giao thông, nhưng có tiềm năng phát triển lâm nghiệp, khai thác khoáng sản và phát triển kinh tế trang trại. Tiểu vùng gò đồi thấp, xen kẽ với đồng ruộng và dải đồng bằng ven sông Hồng, sông Lô và sông Đà là vùng thuận lợi cho việc trồng các loại cây nguyên liệu giấy, cây công nghiệp dài ngày như chè, cây ăn quả, phát triển lương thực, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ