2.1. Khái quát về thư viện công cộng tỉnh Thái Nguyên
2.1.2. Thư viện thành phố Thái Nguyên
Thư viện Thành phố Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 02/03/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Theo Quyết định trên Thư viện thành phố Thái Nguyên trực thuộc UBND thành phố Thái Nguyên; là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật. Thư viện Thành phố có nhiệm vụ giúp UBND xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của thư viện trên địa bàn thành phố Thái Nguyên với các nhiệm vụ chủ yếu:
- Tổ chức phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đọc sử dụng vốn tài liệu của Thư viện;
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền giới thiệu sách, báo để thu hút người đọc;
- Tổ chức các đợt vận động đọc sách, báo và xây dựng phong trào để hình thành thói quen đọc sách, báo trong nhân dân thành phố Thái Nguyên; - Tổ chức các dịch vụ thông tin - thư viện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;
- Tham gia xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc sách, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện phường, xã, phòng đọc sách trên địa bàn.
Sau hơn 4 năm hoạt động, UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện việc phát triển các tủ sách, sự ra đời của thư viện đã khẳng định sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, những hiệu quả, thành công của việc phát triển văn hóa cơ sở, đưa sách báo, tri thức đến với nhân dân, với kết quả đã xây dựng 80 tủ sách trên 28 xã, phường trong địa bàn thành phố, vốn tài liệu là trên 6.000 bản sách, báo tạp chí. Tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, Thư viện thành phố ra đời sẽ cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa phong trào đọc sách, nâng cao kiến thức cộng đồng, cập nhật, mở rộng các hình thức truy cập, đáp ứng nhu cầu thông tin hiện đại cho bạn đọc trên địa bàn thành phố. Thư viện thành phố Thái Nguyên sẽ tiếp nhận hệ thống thư viện điện tử do Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” đầu tư; phấn đấu năm 2016, có 120 nhà văn hóa có tủ sách hoạt động phục vụ nhân dân.