3.1.2.1. Về an sinh xã hội
Như những trẻ em bình thường khác, để tồn tại, phát triển và có được những quyền cơ bản, trẻ em khuyết tật cần được bảo đảm các nhu cầu cơ bản như nhu cầu được chăm sóc về thể chất, tinh thần, được học tập; nhu cầu được bảo vệ; nhu cầu được yêu thương; nhu cầu nhận thức và ý thức về bản thân; nhu cầu được thể hiện bản thân.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thường xuyên dành sự quan tâm, chăm lo đến việc bảo đảm an sinh xã hội đối với trẻ em khuyết tật. Hệ thống chính sách xã hội đối với TEKT đã hình thành, Luật về NKT đang đi vào cuộc sống, công tác giáo dục, bảo vệ chăm sóc trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. TEKT, trẻ mồ côi có môi trường xã hội thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, các em đã và đang nỗ lực phấn đấu, bền bỉ rèn luyện, tự tin, vượt qua số phận, vươn lên hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã làm tốt công tác bảo trợ TEKT, trẻ mồ côi và kêu gọi xã hội hóa công tác này với sự đồng lòng, chia sẻ quý báu, thiết thực của các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như sự cảm thông, trợ giúp có hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam luôn đảm bảo thực hiện quyền của TEKT và tạo môi trường bình đẳng và không rào cản tiếp cận cho TEKT; Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc đời sống, giáo dục, y tế, giao thông, công nghệ thông tin cho TEKT. Cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát, thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật.
Theo kết quả thông kê cho thấy, nhiều TEKT được trợ cấp xã hội hàng tháng, nhiều trường học trong cả nước đã tiếp nhận TEKT để hỗ trợ theo hướng giáo dục hòa nhập, chăm sóc y tế và phục hồi chức năng TEKT đã cải thiện
đáng kể, đã mở rộng mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, địa phương nơi trẻ em khuyết tật sinh sống, TEKT đã được giảm giá vé, phí tham gia giao thông công cộng, các hoạt động văn hóa ở các cơ sở văn hóa, du lịch có thu phí.
Trong thời gian tới, nhiều chủ trương, chính sách đối với trẻ em khuyết tật được đảng và nhà nước quan tâm, đặc biệt là xây dựng nhiều chương trình, đề án an sinh xã hội đối với TEKT, tiếp tục hoàn thiện việc thực hiện chính sách đối với TEKT, cụ thể là các chính sách giáo dục, chăm sóc y tế, tiếp cận với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các công trình công cộng để trẻ em khuyết tật có thể phát huy mọi khả năng của mình, được đầy đủ những quyền như những trẻ em bình thường, sớm hòa nhập vào cộng đồng, đặc biệt là trẻ em khuyết tật ở vùng sâu và vùng xa, vùng nông thôn.
3.1.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề TEKT Việt Nam
Mục tiêu tổng quát Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật, giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng, khuyến khích các em phát triển mọi khả năng nỗ lực của mình vươn lên trong học tập và cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; xây dựng một xã hội bình đẳng đối với trẻ em khuyết tật, không có sự phân biệt đối xử với đối tượng non nớt này.
Mục tiêu cụ thể:
- Trong lĩnh vực giáo dục: Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của trẻ em khuyết tật và gia đình có trẻ em khuyết tật về lợi ích của giáo dục đối với bản thân trẻ em khuyết tật, gia đình và lợi ích xã hội; trên cơ sở phân dạng, phân hạng khuyết tật, thực hiện thống kê về quy mô, độ tuổi, giới tính, cơ cấu dạng tật của trẻ em khuyết tật làm cơ sở thiết kế các chương trình giáo dục phù hợp; tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục hòa nhập, nâng mức phân bổ ngân sách cho giáo dục học sinh khuyết tật; đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục trẻ em khuyết tật.
Mục tiêu là 70% trẻ khuyết em tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
- Trong lĩnh vực y tế: Thúc đẩy việc xây dựng các chương trình phát hiện sớm và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng, phát triển chương trình sàng lọc, phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ em; tiến hành phân dạng, phân hạng khuyết tật theo mức độ suy giảm khả năng tự phục vụ, trên cơ sở đó để định hướng xây dựng các chương trình chăm sóc sức khỏe phù hợp cho trẻ em khuyết tật; phát triển mạng lưới phục hồi chức năng thống nhất trong toàn quốc theo tuyến.
Mục tiêu giai đoạn tới là hàng năm 90% số người khuyết tật được tiếp cận các dịnh vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, 90% trẻ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật, khoảng 70.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. - Trong lĩnh vực tiếp cận các dịch vụ văn hóa như: tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ văn hóa. Đối với trẻ em khuyết tật, tạo điều kiện có lớp học, khu năng khiếu, ấn phẩm văn hóa và chương trình thể thao riêng; xuất bản một ấn phẩm văn hóa phục vụ độc giả là trẻ em khiếm thị, sản xuất một bộ phim hoạt hình và xây dựng mô hình điểm trường năng khiếu có trẻ em khuyết tật theo học.
- Trong lĩnh vực tiếp cận công trình xây dựng và giao thông công cộng: Mục tiêu là đạt 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tầu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề bảo đảm điều kiện cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật tiếp cận. Ít nhất 80% người khuyết tật và trẻ em khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc là dịch vụ trợ giúp tương đương.
- Trong lĩnh vực trợ giúp xã hội cho trẻ em khuyết tật: Thúc đẩy thành lập mới và cải tạo các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật cho phù hợp
với tiêu chuẩn quy định, đặc biệt là sự tham gia của khu vực tư nhân; xây dựng lộ trình nâng mức trợ cấp xã hội, bảo đảm trợ cấp xã hội đáp ứng được mức sống tối thiểu của trẻ em khuyết tật; nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên hỗ trợ và chăm sóc trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội; nghiên cứu đánh giá các mô hình trợ giúp trẻ em khuyết tật để phổ biến nhân rộng các kinh nghiệm đối với những mô hình có hiệu quả.
- Trong lĩnh vực hướng nghiệp, dạy nghề, việc làm, như: hoàn thiện cơ chế, chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề, việc làm tại gia đình và nơi cư trú; xây dựng mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề gắn với tạo việc làm; liên kết với doanh nghiệp, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thử nghiệm mô hình này ở một số địa phương; sau khi đạo tạo nghề, nhà nước có chính sách hỗ trợ các em một nguồn vốn nhỏ để các em xây dựng cuộc sống ban đầu.
3.2. Giải pháp hoàn thiện quy trình thực hiện chính sách đối với TEKTở Việt Nam