1.1.1 .Khái niệm BHXH
1.4. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo đối với Việt
1.4.1. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới
Như đã nêu trên, do nhu cầu thực tế và trên cơ sở những đặc điểm kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình thể chế QLNN về BHXH như:
- Mô hình BHXH nhà nước thuần túy. Theo mô hình này, chỉ có một tổ chức BHXH thực hiện các chính sách BHXH của Nhà nước. Mô hình này có đặc điểm là quản lý được đối tượng trong thị trường lao động (dù có thuộc thành phần kinh tế nào, thuộc khu vực có quan hệ lao động hay không thuộc khu vực có quan hệ lao động...); có quỹ BHXH lớn, đủ khả năng chi trả các trợ cấp BHXH trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, mô hình thường có xu hướng hoạt động cứng nhắc, hành chính hóa, cửa quyền.
- Mô hình BHXH quốc gia và BHXH ngành (bắt buộc): ở một số nước, ngoài hệ thống BHXH quốc gia, pháp luật BHXH cho phép tổ chức BHXH ngành/ lĩnh vực, do những đặc thù về nghề nghiệp. Ví dụ, hệ thống BHXH quốc gia chỉ quản lý những người lao động; hệ thống BHXH cho công chức, thực hiện các chế độ BHXH cho công chức và viên chức công; hệ thống BHXH cho quân đội (sĩ quan); hệ thống BHXH cho nhân viên hàng không; đường sắt... (gọi chung là BHXH ngành). Ưu điểm của hệ thống này là tạo ra tính đa dạng trong hoạt động BHXH, gắn kết người tham gia BHXH làm việc lâu dài cho ngành và thực hiện được những chế độ đặc thù. Ví dụ, đối với công chức và sĩ quan quân đội, không thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Nhược điểm của mô hình này là, khi người lao động di chuyển trong thị trường lao động (ra khỏi ngành chẳng hạn), việc tính toán BHXH sẽ phức tạp. Tuy nhiên, với việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thì việc này sẽ được giải quyết không khó khăn.
- Mô hình BHXH kết hợp giữa bắt buộc và tự nguyện: Mô hình này, thứ nhất nhằm nâng cao khả năng thụ hưởng cho người lao động; thứ hai là tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng di chuyển trong thị trường lao động. Đối với trường hợp thứ
nhất, người lao động có thể vừa tham gia BHXH bắt buộc vừa tham gia BHXH tự nguyện (của một hệ thống) để mong có được lợi ích cao hơn khi thụ hưởng BHXH; hoặc chỉ tham gia BHXH bắt buộc hoặc chỉ tham gia BHXH tự nguyện. Đối với trường hợp thứ hai, người lao động có thể tham gia vào một hoặc một số hệ thống BHXH (ví dụ hệ thống BHXH quốc gia và hệ thống BHXH ngành). Ưu điểm của mô hình này là tạo ra tính đa dạng trong hoạt động BHXH, tạo cơ hội tốt nhất cho người lao động, tùy thuộc vào điều kiện cá nhân để tham gia. Hạn chế của mô hình này là tính phức tạp trong quản lý quỹ và quản lý đối tượng. Tuy nhiên, cũng như trên, với sự ứng dụng của công nghệ thông tin hiện đại, điều này cũng sẽ được khắc phục.
Cộng hòa Liên bang Đức
Nước Đức là nước có lịch sử phát triển BHXH sớm nhất. Ngay từ những năm 50 của Thế kỷ XIX, dưới thời Tể tướng Bismark, những điều luật BHXH đầu tiên đã được ban hành. Cho đến nay, hoạt động BHXH của Cộng hoà Liên bang Đức thực hiện với ba hệ thống là: Hệ thống BHXH bắt buộc; Hệ thống BHXH tư nhân; Hệ thống BHXH ở các xí nghiệp.
Một trong những đặc thù trong hệ thống BHXH của Cộng hoà Liên bang Đức là có sự phân chia ra việc quản lý và thực hiện các chế độ BHXH. Không có các tổ chức BHXH thực hiện cùng một lúc nhiều chế độ, mà thông thường mỗi tổ chức chỉ chịu trách nhiệm cho một số chế độ nhất định. Do đó, người lao động có thể tham gia vào các hệ thống BHXH khác nhau. Ví dụ, công chức Nhà nước không phải đóng BHXH theo tiền lương cá nhân, nhưng phải đóng thuế chung, trong đó có phần để đảm bảo các chế độ hưu. Công chức có thể tham gia vào hệ thống BHXH tư nhân để có mức thụ hưởng cao hơn (ngoài mức do hệ thống của Nhà nước chi trả). Có nhiều tổ chức cùng tham gia thực hiện các chế độ BHXH, trong đó có các tổ chức BHXH tư nhân, đã giúp cho hoạt động BHXH có hiệu quả hơn, người lao động có cơ hội được thụ hưởng BHXH tốt hơn. Với mô hình tự quản này, có thể có một số cơ quan BHXH khác nhau, thực hiện cho các nhóm đối tượng khác nhau như BHXH cho những người lao động trong ngành đường sắt, BHXH cho lao động ngành hàng không, BHXH cho cảnh sát và quân đội…
Trung Quốc
Đối với mô hình BHXH của Trung quốc, các chế độ BHXH chỉ được áp dụng ở các khu vực thành thị và trong các doanh nghiệp. Tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn Trung Quốc có thể vận dụng các chế độ BHXH áp dụng ở khu vực thành thị để cụ thể hoá thực hiện các chế độ BHXH khác nhau, nhưng chủ yếu là chế độ là hưu trí và thất nghiệp. Như vậy, ở Trung quốc thực hiện mô hình đa tầng (thành thị, doanh nghiệp và nông thôn). Cách quản lý có tính tự quản cao nhưng vẫn dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Thụy điển
Thụy Điển là một hình mẫu trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Ở đó có sự kết hợp giữa phát triển kinh tế thị trường với đảm bảo ASXH dựa trên các trụ cột là: giáo dục miễn phí; chăm sóc sức khỏe gia đình và trẻ em; bảo hiểm rộng rãi cho những người lao động. Mô hình ASXH của Thụy Điển còn được coi là “Nhà nước phúc lợi xã hội” và "thân thiện với việc làm". Vào những năm 1990, do kinh tế suy thoái, năng suất lao động xã hội giảm và tăng trưởng thấp, mô hình Nhà nước phúc lợi Thụy Điển nói riêng và hệ thống BHXH của nhiều nước đã rơi vào cuộc “khủng hoảng Nhà nước phúc lợi”. Trước thực trạng đó, Thụy Điển đã cải cách hệ thống phân phối an sinh, trong đó có các chính sách bảo hiểm như: hạn chế chi tiêu cho ốm đau và thanh toán bảo hiểm bệnh tật, cải cách phúc lợi thất nghiệp, cải cách điều kiện, tiêu chuẩn, chỉ số và tổ chức hệ thống bảo hiểm hưu trí mới (1994), thực hiện các biện pháp kiểm tra thu nhập của một số đối tượng đến tuổi nghỉ hưu (1997), áp dụng mức lương hưu cơ bản thấp hơn cho những đối tượng nghỉ hưu có gia đình và giảm 6% lợi ích hưu trí ban đầu (1998 - 1999), cải cách hệ thống bảo hiểm thất nghiệp mang tính giới hạn hơn (2000),v.v.. Mặc dù đã có những điều chỉnh như trên, nhưng đến nay các chính sách bảo hiểm trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội của Thụy Điển vẫn có các loại hình, nội dung và được quản lý thực hiện với những đặc trưng riêng.