1.1.1 .Khái niệm BHXH
1.3. Thể chế quản lý nhà nước về BHXH
1.3.1. Khái niệm thể chế quản lý nhà nước về BHXH
Để tìm hiểu quan niệm của thể chế quản lý nhà nước về BHXH, trước tiên cần phải làm rõ nội hàm hai thuật ngữ: thể chế và quản lý nhà nước. Hiện nay cách tiếp cận về thể chế cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Theo từ điển “Từ và ngữ Việt Nam” thì “Thể” là cách thức, “Chế” là phép định ra - Cơ cấu xã hội do pháp luật quy định [7,tr.1275]. Thể chế là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo” [16, tr.900].
Về mặt học thuật, định nghĩa đầu tiên về thể chế là tính quy chuẩn của hành vi hoặc các quy tắc xác định hành vi trong những tình huống cụ thể, được các thành viên của một nhóm xã hội chấp nhận về cơ bản và sự tuân thủ các quy tắc đó là do bản thân tự kiểm soát hoặc do quyền lực bên ngoài khống chế do Thorstein Veblen đưa ra năm 1914 [39, tr. 11].
Schmid (1972) lại cho rằng “Thể chế là tập hợp các mối quan hệ được quy định giữa mọi người, các mối quan hệ này xác định quyền, trách nhiệm của con người trong mối tương quan với người khác”. North (1990) coi “Thể chế là những luật lệ được hình thành trong đời sống xã hội hay đúng hơn đó là những luật lệ do con người tạo ra để điều tiết và định hình các quan hệ của con người”. [39, tr. 11,12]
Ở Việt Nam, Giáo trình Hành chính công của Học viện Hành chính Quốc gia tiếp cận thể chế ở hai khía cạnh:
“Thể chế bao hàm tổ chức với hệ thống các quy tắc, quy chế được sử dụng để điều chỉnh sự vận hành của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức”. [18; tr.108-109].
“Thể chế được hiểu như là hệ thống các quy định do Nhà nước xác lập trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước và được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh và tạo ra các hành vi và mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, các tổ chức nhằm thiết lập trật tự kỷ cương xã hội” [18, tr.109].
Như vậy, dù có những khác biệt nhất định, song về cơ bản có hai quan niệm nhìn nhận về thể chế. Nghĩa hẹp, thể chế có thể hiểu là những quy định pháp luật, nội quy, quy chế, điều lệ. Nghĩa rộng, thể chế bao gồm các quy định pháp luật, nội quy, quy chế và tổ chức bộ máy vận hành các quy định đó.
Quan niệm thể chế theo nghĩa rộng hợp lý và toàn diện hơn. Bởi lẽ, phải có hệ thống văn bản pháp luật để xây dựng không gian pháp lý cho hoạt động QLNN đối với BHXH diễn ra đồng thời là cơ sở để cho hoạt động bộ máy QLNN. Bộ máy QLNN triển khai thực thi pháp luật về BHXH đồng thời kiểm soát việc thực thi pháp luật. Như vậy, nếu không có văn bản pháp luật thì bộ máy nhà nước không có
cơ sở pháp lý hoạt động; ngược lại không có bộ máy quản lý tốt với cơ cấu tổ chức phù hợp và đội ngũ nhân sự có năng lực thì khó đảm bảo thực hiện các quy định. Vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu, luận văn tiếp cận quan niệm “thể chế” ở góc độ: hệ thống các quy định pháp luật về BHXH. Mặt khác, xuất phát từ lý luận về quản lý nhà nước đối với BHXH để có những định hướng cho việc hoàn thiện thể chế này nên luận văn chỉ tập trung vào những yếu tố chính thức của thể chế (quy phạm pháp luật) mà không đề cập đến các yếu tố phi chính thức (đường lối, chính sách...).
Với những phân tích trên, có thể hiểu: Thể chế quản lý nhà nước về BHXH là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH một cách thống nhất nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu trong việc thực hiện chính sách BHXH.