Hiện nay, vấn đề mô phỏng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật được sử dụng rất rộng rãi với nhiều mục đích khác nhau như: Giảm thời gian và giá thành thiết kế mới, có thể nghiên cứu các hệ thống mà thực nghiệm rất khó hoặc không thể thực hiện được, có khả năng nghiên cứu các hệ thống nằm trong những điều kiện nguy hiểm vượt quá giới hạn hoạt động bình thường, có thể đưa ra một số kết quả không giới hạn một cách hết sức chi tiết.
Trong lĩnh vực động cơ đốt trong, phương pháp mô hình hóa và mô phỏng đã và đang được ứng dụng rộng rãi. Các phần mềm ngày càng được cải tiến để phù hợp với xu hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực động cơ đốt trong. Việc ứng dụng phần mềm mô phỏng trong quá trình nghiên cứu động cơ có tác dụng rút ngắn thời gian nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và chạy thử nghiệm...Ngoài ra, ứng dụng phần mềm mô hình hóa, mô phỏng còn cho phép tối ưu hóa các quá trình công tác cũng như thông số kết cấu của các hệ thống trong động cơ để tối ưu hóa tính kinh tế, hiệu quả và giảm ô nhiễm môi trường.
Có nhiều phần mềm mô phỏng để xác định phát thải động cơ như phần mềm AVL-BOOST của Áo, phần mềm GT-Power của Mỹ, phần mềm MOBILE của Nhật, phần mềm COPERT của Liên minh Châu Âu...Hiện nay các tác giả thường sử dụng phần mềm AVL-BOOST của Áo giải bài toán nhiệt động học để xác định các thành phần khí xả của động cơ diesel bởi phần mềm tính toán này có khả năng tính toán chính xác được các thông số của quá trình cháy trong động cơ.
Ưu điểm nổi bật của phần mềm AVL-BOOST là có thể tính toán chính xác được các thông số đầu ra của quá trình nhờ áp dụng các quy luật cháy và quy luật truyền nhiệt của động cơ. Đồng thời có thể tính toán được phát thải của động cơ chạy đa nhiên liệu nhờ vào việc thay đổi dữ liệu đầu vào của nhiên liệu.
Căn cứ vào mục tiêu và nội dung nghiên cứu, đề tài chọn phương pháp tính toán phát thải của động cơ diesel bằng phần mềm mô phỏng. Với các tính năng và công cụ sẵn có, AVL-BOOST có thể xây dựng được mô hình và tính toán được các thành phần phát thải của động cơ.