CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1.3. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động quản lý khoa
1.3.2. Sự cần thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ
Xây dựng và thực thi pháp luật là hai mặt hoạt động cơ bản của nền quản trị quốc gia. Về bản chất, xây dựng pháp luật là một hoạt động kỹ thuật – pháp lý mang tính chính trị. Xây dựng pháp luật là hoạt động nhằm tạo ra các QPPL. Đó là hoạt động đưa ý chí của Nhà nước, ý chí của nhân dân lên thành pháp luật. Thông qua các VBQPPL, cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền sẽ quy định những quy tắc ứng xử chung trong lĩnh vực hành chính nhà nước; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia quan hệ hành chính.
Bộ và cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và thực hiện các chính sách khác trong phạm vi nội bộ. Bên cạnh đó, bộ cần phải trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban
thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Bộ cần ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó; kiểm tra các VBQPPL do các Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; xử lý các VBQPPL sai phạm thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, bộ và cơ quan ngang bộ cần phải ban hành các VBQPPL để đảm bảo thực hiện đúng quyền hạn của mình. Khi phát hiện các VBQPPL do mình ban hành trái pháp luật thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tự mình bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản.