1.4.1.1. Đánh giá từ nội bộ, phương pháp này bao gồm
Phương pháp đánh giá theo tiêu chuẩn và cho điểm: đòi hỏi phải xác
định tiêu chuẩn và tiêu chí đối với từng phường và cán bộ, công chức tương ứng với một số điểm nhất định.Trên cơ sở đó, cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền đối chiếu xem xét để đánh giá và quyết định về nhân sự và lương, thưởng.
Phương pháp này đối với văn hóa công vụ có ưu điểm là lượng hóa các tiêu chuẩn theo điểm số, từ đó kết quả đánh giá sẽ khách quan hơn. Chủ thể tham gia vào xây dựng văn hóa công vụ biết được các thang điểm để chủ động phấn đấu với mục tiêu rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể dẫn đến “bệnh hình thức”, chỉ chạy theo điểm số mà ít quan tâm đến chất lượng hoạt động.
Phương pháp đánh giá theo cam kết thi đua: Từ đầu năm, sau khi đánh
giá kết quả hoạt động của năm trước, Ủy ban nhân dân phường cho cán bộ, công chức đại diện của từng bộ phận thuộc Ủy ban phường ký cam kết thi đua năm mới. Sau thời gian nhất định, cán bộ, công chức tự kiểm điểm trước tập thể, căn cứ vào cam kết và tiêu chuẩn thi đua để tự phân loại trước. Sau đó, tập thể sẽ góp ý và bỏ phiếu tín nhiệm đồng ý hay không với sự xếp loại trên và đề nghị cấp trên trực tiếp quyết định.
Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam gắn liền với phong trào “thi đua yêu nước” và hiện tại các phường trên địa bàn quận Thủ Đức vẫn đang áp dụng. Ưu điểm của phương pháp này là đề cao tính mục tiêu, công khai, dân chủ, kết quả thực thi văn hóa công vụ của cá nhân và tập
thể, tạo điều kiện để mỗi công chức, tập thể lắng nghe được nhiều ý kiến, góp ý của đơn vị, từ đó có thể học hỏi và rút ra kinh nghiệm cho sự phấn đấu sau này. Tuy vậy, phương pháp này cũng có những hạn chế không nhỏ. Đó là tình trạng lấy ý kiến đánh giá của tập thể Ủy ban nhân dân phường có cảm tính, e dè, nể nang, né tránh, chạy theo số đông, không phản ánh trung thực chất lượng phát triển văn hóa công vụ.
1.4.1.2. Đánh giá từ nhu cầu xã hội
Bất kỳ hoạt động nào cũng cần hướng đến nhu cầu xã hội. Điều này là vấn đề rất quen thuộc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên đối với hoạt động hành chính công hiện nay điều này vô cùng quan trọng. Xu thế phát triển của hành chính công hiện đại là chuyển từ nền hành chính quyền uy (quyền lực) mệnh lệnh sang nền hành chính phục vụ, cơ quan công quyền là cơ quan dịch vụ nhân dân, dịch vụ xã hội. Đây là một bước ngoặt trong nhận thức và trong hành động để xây dựng nền văn hóa công vụ ở nước ta hiện nay.
Đối với Ủy ban nhân dân phường, áp dụng phương pháp này là phù hợp, cần thiết và cũng vô cùng khó khăn. Bởi lẽ tiêu chuẩn cao nhất của phương pháp đánh giá này là sự hài lòng của người dân về dịch vụ công quyền mà văn hóa công vụ tạo ra theo quy định của pháp luật; thu hút sự đánh giá của người dân, sự tham gia của các tổ chức kinh tế, xã hội để đánh giá thực trạng văn hóa công vụ, để có cái nhìn khách quan, trung thực cũng như nhận thức rõ hơn yêu cầu của xã hội đối với phát triển văn hóa công vụ Việt Nam nói chung và tại cơ quan hành chính phường/xã nói riêng.