Thành phố Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có vị trí địa lý - chính trị quan trọng, có ưu thế đặc biệt hơn các địa phương khác trong cả nước. “Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế” (Nghị quyết 15 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15 tháng 12 năm 2000). Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nơi cung cấp các dịch vụ cao cấp (tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, y tế…); là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, có đóng góp lớn vào thu ngân sách của đất nước; là trung tâm giao dịch quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia. Đây là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của miền Bắc, nơi quy tụ đầy đủ các phương thức giao thông: đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không, là nơi hội tụ các tuyến giao thông trong nước và quốc tế. Hà Nội có 2 sân bay dân dụng, đầu mối của 5 tuyến đường sắt: Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Thái Nguyên. Các tuyến đường bộ như quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 18…Đường hàng không được kết nối với nhiều quốc gia và tỉnh, thành trong cả nước. Với điều kiện thuận lợi này, Hà Nội là trung tâm thương mại - dịch vụ có tác động chi phối trên phạm vi rộng lớn, là nơi đầu mối phục vụ nhu cầu hàng hóa, dịch vụ cho các tỉnh khu vực Bắc Bộ.
Là nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ, thành phố có trên 160 các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện nước ngoài; Hà Nội cũng là nơi tập trung đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, các cán bộ có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực với hàng trăm viện nghiên cứu và nhiều trường đại học, cao đẳng.
Hà Nội tập trung nhiều bảo tàng lớn và quan trọng nhất cả nước như: Bảng tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội và một số Bảo tàng chuyên ngành khác như Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Dân tộc…
Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc Hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, đã hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây và chuyển toàn bộ huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội. Hà Nội hiện nay gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới.
Thực hiện đường lối phát triển kinh tế, xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, Hà Nội không ngừng được phát triển, mở rộng cả về quy mô và diện tích. Hà Nội có 637 công trình cao từ10 tầng trở lên (có công trình siêu cao với 72 tầng), có nhiều chương trình trọng điểm quốc gia; có 151 chợ lớn, kiên cố và bán kiên cố; 142 siêu thị lớn, trung tâm thương mại; 217 làng nghề truyền thống, nhiều khu dân cư tập trung đông người; 5 khu công nghiệp lớn, 19 khu công nghiệp vừa và nhỏ, 275 đơn vị, doanh nghiệp cho thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh; hàng trăm công trình có công trình ngầm để xe, 6 bãi đỗ xe lớn do cấp thành phố quản
lý, 1 sân bay quốc tế, 1 rừng quốc gia, 4 kho vật liệu nổ công nghiệp, 9 kho dầu mỏ và sản xuất dầu mỏ, 6 kho khí đốt, 13 cơ sở sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, 215 khách sạn lớn, 04 đường ống dẫn xăng dầu, gần 500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 8 kho tồn chứa khí đốt hóa lỏng có trữ lượng từ 3 tấn trở lên; 22 trạm san chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng LPG; 3 kho hóa chất nguy hiểm dễ cháy, nổ; 38 trạm biến áp có công suất 110 KV trở lên… Thành phố có trên 20.000 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư, khoảng 200.000 nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở nhiều hộ gia đình (chung cư mini). Với sự gia tăng nhanh chóng về dân số và các phương tiện tham gia giao thông cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, thì công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố ngày càng được coi trọng. Thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.332 công trình cao tầng, 959 chung cư; gần 1.500 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar… Thực trạng các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14, 15 của tòa nhà. Trong khi đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ như: cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… không phải nơi nào cũng có. Riêng trên địa bàn quận Hoàng Mai có 178 nhà cao tầng, chung cư thương mại, tái định cư đã đưa vào sử dụng, trong đó tập trung chủ yếu tại khu đô thị Linh Đàm - một trong những khu vực có mật độ dân số đông đúc nhất Thủ đô.