1.2.1. Khái niệm thực hiện pháp luật về luật sư
Khi xây dựng những quy phạm pháp luật, nhà nươc nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội đáp ứng lợi ích của nhân dân và xã hội. Mục đích đó chỉ có thể đạt được khi pháp luật được các chủ thể nghiêm chỉnh thực hiện trong đời sống xã hội. Pháp luật với tầm quan trọng của nó không chỉ dừng lại bằng các đạo
luật, vì đó chỉ là pháp luật ở trạng thái “tĩnh”, vấn đề quan trọng là pháp luật phải trở thành chế độ pháp chế, được thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và công dân, trở thành phương thức quản lý xã hội.
Thực hiện pháp luật là một hiện tượng xã hội mang tính pháp lý. Quá trình hoạt động thực hiện pháp luật được diễn ra đồng thời và tiếp nối với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Thực hiện pháp luật là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cơ quan và công dân (kể cả tổ chức, công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên đất nước Việt Nam). Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và có trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân đều bị xử lý theo pháp luật (điều 12 Hiến pháp năm 1992).
Hiện nay đang có nhiều cách định nghĩa về thực hiện pháp luật. Theo tài liệu học tập và nghiên cứu môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật của Học viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì thực hiện pháp luật được hiêủ là: “ quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật trở thành hiện thực trong cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn của các chủ thể pháp luật ”.
Theo giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật của trường Đại học tổng hợp Hà Nội “ thực hiện pháp luật là hiện tượng, quá trình có mục đích làm cho những quy định của pháp luật trở thành hoạt động thực tế của các chủ thể pháp luật”.
Theo giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật của trường Đại học Luật Hà Nội “ thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật”.
Thấy rằng, các định nghĩa nêu trên đều có quan niệm tương đối đồng nhất về nội dung cơ bản, đó là: Thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích nhằm thực hiện những yêu cầu của pháp luật, thực hiện pháp luật là hoạt động thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật làm cho những quy định của pháp luật trở thành hiện thực trong cuộc sống. Tuy vậy, cũng có sự khác nhau trong các định nghĩa nêu trên, có định nghĩa nêu thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động, có định nghĩa khác lại chỉ nêu thực hiện pháp luật là hiện tượng, quá trình.
Theo tôi, hiện tượng, quá trình hay quá trình hoạt động đều là những phạm trù có nội hàm riêng của nó nhưng có cùng mục đích là thực hiện những quy định của pháp luật, làm cho những quy định ấy trở thành những hành vi thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật, đáp ứng yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động thực hiện pháp luật không chỉ là những hành vi đơn lẻ, độc lập, cắt khúc mà nó luôn luôn là một quá trình. Vì vậy, về khái niệm thực hiện pháp luật tôi đồng ý với các nội dung cơ bản trong các định nghĩa nêu trên và sắp xếp lại như sau: thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hoạt động thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật.
Thực hiện pháp luật về luật sư là thực hiện pháp luật trong lĩnh vực luật sư và hoạt động hành nghề luật sư, cho nên khái niệm thực hiện pháp luật về luật sư cũng có đầy đủ các nội dung của khái niệm thực hiện pháp luật nói chung, đồng thời phải nêu được nội dung thực hiện pháp luật về quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động hành nghề luật sư, phạm vi quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, tính tự quản trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và xử lý vi phạm trong hoạt động nghề nghiệp luật sư. Trên cơ sở đó có thể nêu khái niệm thực hiện pháp luật về luật sư như sau: Thực hiện pháp luật về luật sư là quá trình thực hiện các quy phạm pháp luật về luật sư, hành nghề luật sư làm cho nó trở thành những hoạt động thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật, phát huy vị trí vai trò của luật sư, hoạt động hành nghề luật sư trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
1.2.2. Hình thức thực hiện pháp luật về luật sư
- Căn cứ vào tính chất, hoạt động thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý đã chia ra các hình thức thực hiện pháp luật như sau: Tuân thủ pháp luật; chấp hành pháp luật; sử dụng pháp luật; áp dụng pháp luật. Việc phân chia thực hiện pháp luật thành các hình thức nêu trên có tính chất tương đối vì trong hình thức này chứa đựng cả những yếu tố của hình thức khác.
Tuân thủ pháp luật là việc thực hiện pháp luật mà các cá nhân, cơ quan, tổ chức kiềm chế không thực hiện các hoạt động mà pháp luật ngăn cấm (hành vi không hành động).
Chấp hành pháp luật là việc thực hiện pháp luật, trong đó các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình đối với các quy định pháp luật bắt buộc một cách chủ động, tích cực (hành vi hành động).
Sử dụng pháp luật là việc thực hiện pháp luật trong đó các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền chủ thể của mình hoặc không thực hiện quyền chủ thể của mình mà pháp luật cho phép thực hiện (hành vi hành động hoặc không hành động).
Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật luôn gắn với công quyền, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể thực hiện quy định của pháp luật.
- Trên cơ sở các hình thức thực hiện pháp luật chung, thực hiện pháp luật về luật sư cũng được thể hiện qua bốn hình thức: Tuân thủ pháp luật về luật sư; chấp hành pháp luật về luật sư; sử dụng pháp luật về luật sư; áp dụng pháp luật về luật sư. Theo đó có thể xác định các hình thức thực hiện pháp luật về luật sư như sau:
Tuân thủ pháp luật về luật sư là hình thức thực hiện pháp luật về luật sư trong đó yêu cầu các chủ thể thực hiện pháp luật như luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng....không được thực hiện các quy định mà pháp luật về luật sư ngăn cấm như: Quy định nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ,
người tiến hành tố tụng, cán bộ công chức viên chức khác để làm trái quy định của pháp luậttrong việc giải quyết vụ, việc; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hành nghề luật sư (khoản 1, 2 điều 9 Luật Luật sư).
Chấp hành pháp luật về luật sư là hình thức thực hiện pháp luật về luật sư có tính bắt buộc trong đó yêu cầu các chủ thể pháp luật thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định mà pháp luật luật sư yêu cầu, thực hiện bằng hành vi thực tế, cụ thể, hành động hoặc không hành động của chủ thể pháp luật như quy định: Người có bằng cử nhân luật muốn làm luật sư thì phải qua khóa đào tạo nghề luật sư; luật sư có yêu cầu cấp giấy chứng nhận người tham gia tố tụng thì phải xuất trình tại cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền đầy đủ ba loại giấy tờ sau đây: Thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của khách hàng và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hoạt động; cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền kiểm tra đầy đủ giấy tờ thì phải cấp giấy chứng nhận người tham gia tố tụng cho luật sư trong thời hạn không quá ba ngày (quy định tại điều 12, điều 27 Luật Luật sư)...
Sử dụng pháp luật về luật sư là hình thức thực hiện pháp luật về luật sư, trong đó chủ thể pháp luật có quyền lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện các quy phạm pháp luật tùy nghi mà pháp luật về luật sư quy định như điều 39 Luật Luật sư quy định tổ chức hành nghề luật sư có quyền thành lập chi nhánh văn phòng giao dịch trong nước, có quyền đặt các cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài, nhửng tổ chức hành nghề luật sư không đặt chi nhánh trong nước, không đặt cơ sở của mình ở nước ngoài cũng không vi phạm pháp luật mà đó là hành vi sử dụng pháp luật đúng; pháp luật tố tụng hình sự quy định luật sư có quyền đưa ra các tài liệu, đồ vật, yêu cầu (điểm đ khoản 2 điều 58 bộ luật tố tụng hình sự); luật sư không sử dụng các quyền này khi tham gia tố tụng là lựa chọn hợp pháp, sử dụng đúng pháp luật....
Áp dụng pháp luật về luật sư là hình thức thực hiện pháp luật về luật sư, trong đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách có thẩm quyền khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với các chủ thể pháp luật có hành vi vi phạm pháp luật luật sư hoặc khi các quyền và nghĩa vụ của chủ thể đã
phát sinh trong thực hiện pháp luật về luật sư, nhưng có sự tranh chấp mà các chủ thể không thể tự giải quyết được và yêu cầu nhà nước can thiệp như: Luật sư trong hoạt động hành nghề có vi phạm, không còn đủ tiêu chuẩn luật sư thì bị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư; tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương, hoạt động hành nghề luật sư có doanh thu nhưng không nộp thuế thì sẽ bị Ủy ban nhân dân tỉnh rút giấy phép đăng ký hoạt động (điều 83 Luật luật sư). Tổ chức hành nghề luật sư có tranh chấp với khách hàng về các nội dung của hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý mà không tự giải quyết được, có đơn khởi kiện thì Tòa án dân sự có thẩm quyền thụ lý, giải quyết, xét xử bằng một quyết định hoặc bản án....
Như vậy thực hiện pháp luật về luật sư được thể hiện qua bốn hình thức: Tuân thủ pháp luật; chấp hành (thực hiện) pháp luật; sử dụng pháp luật; áp dụng pháp luật. nếu như tuân thủ pháp luật; chấp hành pháp luật; sử dụng pháp luật là những hình thức mà chủ thể thực hiện pháp luật đều có thể thực hiện thì hình thức áp dụng pháp luật luôn luôn có sự can thiệp của nhà nước thông qua các cơ quan công quyền hoặc nhà chức trách có thẩm quyền.
1.2.3. Nội dung thực hiện pháp luật về luật sư
Hệ thống quy phạm pháp luật về luật sư ở nước ta hiện nay được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật luật sư năm 2006, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012, bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hành chính, nghị định của chính phủ, thông tư của Bộ Tư pháp, Bộ công an, Nghị quyết của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và một số văn bản chuyên ngành khác...điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực luật sư và hoạt động hành nghề luật sư.
Căn cứ tính chất, mục đích, phạm vi điều chỉnh của quy phạm pháp luật và chủ thể pháp luật, có thể xác định nội dung thực hiện pháp luật về luật sư nên ba nội dung chủ yếu sau: Thực hiện pháp luật về luật sư đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư (nội dung 1); thực hiện pháp luật về luật sư đối với hoạt động hành nghề luật sư (nội dung 2) và thực hiện pháp luật về luật sư đối với công tác quản lý
nhà nước về luật sư, hoạt động hành nghề luật sư và hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư (nội dung 3).
- Thực hiện pháp luật về luật sư đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư là thực hiện các quy định của pháp luật về luật sư đối với việc đào tạo, tập sự của người muốn trở thành luật sư, điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập đoàn luật sư, cấp thẻ luật sư; trình tự, thủ tục thành lập tổ chức hành nghề luật sư, đăng ký hoạt động hành nghề luật sư; mở chi nhánh hành nghề luật sư ở trong nước và nước ngoài; thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; luật sư nước ngoài hoạt động hành nghề tại Việt Nam...(quy định tại chương II, mục 2 chương III, mục 3 chương VI Luật luật sư năm 2006, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật luật sư năm 2012; Nghị định 123/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ; hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư).
- Thực hiện pháp luật về luật sư đối với hoạt động hành nghề luật sư là thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động hành nghề của luật sư (quy định tại mục 1, mục 3 chương III Luật luật sư). Quy định của pháp luật về luật sư tham gia vào quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và các vụ án hành chính (quy định tại các điều 57, 58, 59 bộ luật tố tụng hình sự năm 2003; điều 75, 76 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; điều 61 luật tố tụng hành chính năm 2015). Hoạt động hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam. (quy định tại mục 1,2 chướng VI Luật luật sư)
- Thực hiện pháp luật về luật sư đối với công tác quản lý nhà nước về luật sư, hoạt động hành nghề luật sư và hoạt động tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư là thực hiện các quy định của pháp luật về quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp đối với luật sư và hoạt động hành nghề luật sư trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức hành
nghề luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam...(điều 83 Luật luật sư)
Thực hiện các quy định của pháp luật về quyền hạn và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư. Đoàn luật sư, Liên Đoàn luật sư Việt Nam (chương V Luật luật sư, điều 84 Luật luật sư). Xử lý vi phạm đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chương VIII Luật luật sư.
1.2.4. Vai trò thực hiện pháp luật về luật sư
Trong đời sống xã hội có rất nhiều lĩnh vực khác nhau, Nhà nước phải xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội đó. Thực tiễn cho thấy có rất nhiều văn bản pháp luật phát huy tốt tác dụng, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, nhưng vẫn còn không ít