Thực trạng tổ chức và hoạt động thanhtra chuyên ngành nội vụ ở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành nội vụ từ thực tiễn tỉnh cao bằng (Trang 51 - 64)

ở tỉnh Cao Bằng.

2.2.1. Tổ chức bộ máy biên chế và nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, đối tượng thanh tra của Thanh tra Sở Nội vụ

2.2.1.1. Tổ chức bộ máy, biên chế

Hiện nay, tổ chức bộ máy thanh tra chuyên ngành nội vụ tại tỉnh Cao Bằng nói chung và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói riêng chỉ có duy nhất một cơ quan thanh tra nhà nước đó là Thanh tra Sở Nội vụ. Đây là cơ quan của sở, giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên

ngành về lĩnh vực nội vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào quy định của Luật thanh tra năm 2010, thì cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Nội vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và các Thanh tra viên, với cơ cấu tổ chức bộ máy như vậy, Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng được thể hiện như sơ đồ dưới đây:

Hình 2.1. Sơ đồ cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Nội vụ

Về tổ chức bộ máy biên chế của thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 31/12/2017, thanh tra Sở có 04 biên chế (03 nam và 01 nữ), trong đó:

- Về ngạch bậc: có 01 thanh tra viên chính; 03 thanh tra viên - Về trình độ chuyên môn: có 04 đại học

- Về lý luận chính trị: có 02 cao cấp, 02 chưa qua đào tạo.

- Cả 04 người đều đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cơ bản. Công chức thanh tra sở có lập trường, quan điểm chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Cơ cấu độ tuổi dưới 35 tuổi là 01 người, chiếm 25%; từ 35 tuổi đến 40 tuổi là 02 người, chiếm 50%; từ 40 đến 45 tuổi là 01 người, chiếm 25%.

Ngoài ra, thanh tra Sở Nội vụ còn có cộng tác viên thanh tra là công chức thuộc các phòng, ban, chi cục thuộc Sở Nội vụ.

Thực tế, khi Chính phủ chưa ban hành Luật Thanh tra 2010 và Nghị định số 90/2012/NĐ-CP thì cơ quan thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng chưa thật sự được quan tâm và tổ chức thực hiện. Năm 2011 cơ quan Thanh tra Sở Nội vụ mới chỉ có 01 biên chế để thực hiện các nội dung thanh tra, kiểm tra. Đến đầu năm 2012, Thanh tra sở được bổ sung thêm 01 biên chế để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong năm 2012 liên tục có sự thay đổi nhân sự thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra do một số yêu cầu nhiệm vụ công việc chuyên môn. Vì vậy, chỉ riêng năm 2012 chuyển đổi vị trí Chánh thanh tra đến 02 lần trong thời gian này. Đến tháng 7 năm 2013, Thanh tra Sở được bổ sung thêm 01 Phó Chánh thanh tra và 01 chuyên viên, biên chế thanh tra Sở bắt đầu được ổn định. Sau khi cơ cấu tổ chức và các nội dung thanh tra được hướng dẫn cụ thể cơ quan thanh tra của Sở Nội vụ mới dần đi vào nề nếp.

Về cơ cấu tổ chức, Thanh tra Sở Nội vụ hiện nay có Chánh Thanh tra, 01 Phó Chánh thanh tra và 02 thanh tra viên. Chánh Thanh tra Sở là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Sở. Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Phó Chánh Thanh tra Sở là người giúp Chánh thanh tra Sở, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Sở và trước pháp luật về lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công. Phó Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở.

Biểu 2.2 Tình hình biên chế công chức thanh tra Sở Nội vụ Số CBCC Trình độ chuyên môn Chuyên ngành đào tạo Ngạch công chức Lý luận chính trị TC Biên chế Hợp đồng SĐH Đại học Luật Hành chính Khác TTra viên chính TTra viên Chuyê n viên Cao cấp Trung cấp 04 04 0 0 04 01 01 02 1 3 04 2 0

(Nguồn:Thanh tra Sở Nội vụ Cao Bằng 2017)

Theo số liệu nêu trên cho thấy, đội ngũ công chức thanh tra Sở đều có trình độ chuyên môn là đại học (100%) và đã được đào tạo, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ, đủ điều kiện, tiêu chuẩn ngạch theo quy định; tỉ lệ cán bộ công chức có chuyên môn về luật và hành chính đạt một nửa so với tổng số công chức hiện có(50%); tỉ lệ ngạch thanh tra viên chính mới chỉ đạt 1/4 (25%); bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cơ bản 04/04 người (100%); đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên 04/04 người (100%); Lãnh đạo thanh tra Sở đều đã được bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp 02/04 người (50%). 100% công chức đã học lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; 02/04 người đã học lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính (chiếm 50%). Ngoài ra, cả 04 công chức thanh tra Sở đều đã có kinh nghiệm công tác về thực hiện nhiệm vụ tại một số phòng chuyên môn thuộc Sở. Xét về tổng thể, với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác của đội ngũ thanh tra như đã trình bày ở trên sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, về lâu dài, với trình độ chuyên môn, kiến thức thanh tra viên cũng như trình độ lý luận chính trị như hiện nay của đội ngũ Thanh tra Sở cần tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành và thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của cơ quan thanh tra.

2.2.1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi, đối tượng thanh tra của Sở Nội vụ

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Thanh tra Sở Nội vụ thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 24 Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn ban hành, bao gồm:

Hàng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra trình Giám đốc sở phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra sở; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở; Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở; Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở; Thanh tra vụ việc khác do Giám đốc sở giao; Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở đối với vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của sở khi cần thiết; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc sở, Thanh tra sở; Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc sở thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra; Có quyền yêu cầu Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý của sở; Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực Nội vụ; Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra Sở còn có thẩm quyền tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành nội vụ cho Thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra thuộc Sở Nội vụ; Tuyên truyền, hướng dẫn,

kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở Nội vụ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra; Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra nội vụ trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở Nội vụ. Và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở phân công.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Nội vụ Cao Bằng còn được giao thực hiện công tác pháp chế của Sở với những nhiệm vụ như; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của Sở; rà soát, kiểm tra, xử lý hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hỗ trợ pháp lý...

Về phạm vi, đối tượng thanh tra: Sở Nội vụ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành nội vụ trong phạm vi của tỉnh Cao Bằng, đối tượng thanh tra hiện là các cá nhân, tổ chức là các cơ quan, đơn vị có sử dụng biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp nhà nước, tổ chức Hội, tổ chức phi chính phủ, thực hiện hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ.

2.2.2. Thực trạng hoạt động thanh tra chuyên ngành nội vụ tại tỉnh Cao Bằng

Hoạt động thanh tra chuyên ngành nội vụ tại tỉnh Cao Bằng chủ yếu do Thanh tra Sở Nội vụ tiến hành và thực tiễn hoạt động thanh tra chuyên ngành nội vụ tại tỉnh Cao Bằng thể hiện trên các mặt sau:

2.2.2.1. Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra

Kế hoạch thanh tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong 01 năm do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra xây dựng để thực hiện Định hướng chương trình thanh tra và yêu cầu quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Thực hiện Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 90/2012/NĐ- CP ngày 05/11/2012 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành nội vụ, vào đầu

tháng 12 hàng năm Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác nội vụ của năm tiếp theo gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Theo số liệu tổng hợp tại các báo cáo của Thanh tra Sở Nội vụ, từ ngày 01/01/2011 đến 30/12/2017, Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và tổ chức được 15 cuộc thanh tra và 90 cuộc kiểm tra tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Trong đó có 14 cuộc thanh tra gồm tất cả các lĩnh vực được giao của Sở Nội vụ, 01 cuộc thanh tra chuyên ngành riêng về thi đua, khen thưởng. Qua công tác thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm của các tổ chức, cá nhân, đồng thời kiến nghị với Giám đốc Sở Nội vụ ban hành Kết luận yêu cầu các đối tượng thanh tra khắc phục kịp thời những sai phạm; kiến nghị với các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ công chức, viên chức; cải cách hành chính, thi đua khen thưởng, văn thư lưu trữ...Việc xây dựng kế hoạch thanh tra được thực hiện trên cơ sở nhằm rà soát lại tất cả các nội dung trong công tác nội vụ tại các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Tuy nhiên, số lượng cuộc thanh tra được thực hiện từ 01/01/2011 đến 30/12/2017 so với số lượng các Sở, ban, ngành thuộc đối tượng thanh tra là quá ít. Nếu tính bình quân trong 7 năm thực hiện được 15 cuộc thanh tra thì trung bình một năm Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng thực hiện được 02 cuộc thanh tra. Như vậy, với 32 Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thì phải hơn 8 năm nữa Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng mới có thể thanh tra hết lượt số đơn vị dự kiến thanh tra.

Do đối tượng của Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng gồm nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện các lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ như: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các

đơn vị sự nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Cao Bằng và đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ngành; các Hội, tổ chức phi chính phủ. Chính vì vậy, đối tượng của Thanh tra Sở Nội vụ khá đa dạng và phức tạp, các đối tượng hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành, nghề và phân bổ ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Vì vậy, cần phải tăng cường số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra mới có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực nội vụ, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

2.2.2.2. Thực tiễn thực hiện các hình thức thanh tra và nội dung thanh tra của Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng

- Về hình thức thanh tra: Phân loại theo tính kế hoạch thì tổ chức và hoạt động thanh tra được thực hiện qua ba hình thức đó là: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất.

Thanh tra theo kế hoạch là cuộc thanh tra được tiến hành theo kế hoạch đã được Người có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó kế hoạch thanh tra là văn bản xác định các nhiệm vụ thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong một năm. Kế hoạch này được Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra xây dựng để định hướng chương trình thanh tra và yêu cầu quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chương trình, kế hoạch thanh tra chuyên ngành cấp Sở do giám đốc Sở phê duyệt.

Thanh tra thường xuyên là cuộc thanh tra được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo quy định của Luật thanh tra thì đây là hình thức được áp dụng phổ biến của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra đối với một loại đối tượng thanh tra cụ thể như: thanh tra công tác văn thư lưu trữ, thanh tra công tác thi đua khen thưởng, công tác tôn giáo. Đặc điểm của cuộc thanh tra thường xuyên là tập trung chủ yếu vào những nội dung cụ thể, việc thực hiện các quy trình có tính

chất bắt buộc, qua đó nhằm mục đích kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong quá trình thực hiện chuyên môn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.

Thanh tra đột xuất là cuộc thanh tra được tiến hành khi phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành được giao của cơ quan quản lý nhà nước hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại. Thực chất của cuộc thanh tra đột xuất là tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc cần được xem xet, giải quyết tức thời, các đơn thư tố cáo của quần chúng nhân dân, công luận báo chí, đặc biệt là các vụ việc tiêu cực, tham nhũng cần được làm rõ.

- Phân loại theo quy mô và phạm vi tiến hành thanh tra thì tổ chức và hoạt động thanh tra được thực hiện qua hai hình thức đó là: Thanh tra về vụ việc cụ thể, thanh tra diện rộng.

Thanh tra về vụ việc cụ thể là hình thức thanh tra được thực hiện khi tiến hành thanh tra hoạt động của một đơn vị; một địa phương; thanh tra để giải quyết vụ việc cụ thể có tính chất phức tạp hay một vụ việc tiêu cực do nhân dân phản ánh qua đơn thư khiếu nại, tố cáo; thanh tra theo chuyên đề với những nhóm đối tượng nhỏ và được thực hiện trong một thời gian ngắn.

Thanh tra diện rộng đây là hình thức thường được áp dụng khi tiến hành thanh tra để đánh giá kết quả thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ của một ngành trên lĩnh vực phạm vi quản lý nhà nước theo quy định (ngành, lĩnh vực hay trên phạm vi toàn tỉnh). Qua đó, nhằm đánh giá và phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong việc ban hành chủ trương, chính sách hoặc cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý của ngành, lĩnh vực.

Đối với tổ chức và hoạt động thanh tra công tác nội vụ tỉnh Cao Bằng hiện nay, hình thức thanh tra được thực hiện chủ yếu là thanh tra theo kế hoạch, trên diện rộng nhằm phục vụ yêu cầu của Giám đốc Sở với mục đích

cơ bản là nắm bắt, đánh giá được kết quả triển khai, thực hiện công tác nội vụ ở các sở, ban, ngành, UBND huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành nội vụ từ thực tiễn tỉnh cao bằng (Trang 51 - 64)