6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.4. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỶ LỆ THU NHẬP LÃI CẬN
1.4. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỶ LỆ THU NHẬP LÃI CẬN BIÊN. BIÊN.
Rủi ro tín dụng (Credit risk - CR):
Rủi ro tín dụng là rủi ro đối với thu nhập và vốn của ngân hàng do bên đi vay không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng vay vốn của ngân hàng. Theo Angbazo (1997) rủi ro tín dụng được thể hiện bởi tỷ lệ quy định tổn thất cho vay trên các khoản vay và đã khẳng định mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa rủi ro tín dụng và NIM của các ngân hàng Mỹ [8]. Demirguc-Kunt và Huizinga (1999) đo lường rủi ro tín dụng bằng tỷ số tổng dư nợ trên tổng tài sản và kết luận là rủi ro tín dụng có quan hệ tỷ lệ thuận với NIM [13]. Carbo và Rodriguez (2007) cũng chỉ ra quan hệ tỷ lệ thuận giữa rủi ro tín dụng và NIM ở bảy nước trong khối EU [11]. Các ngân hàng có rủi ro tín dụng càng cao họ phải trích lập dự phòng càng nhiều, điều này buộc họ phải tính toán lợi nhuận cao hơn để bù đắp các khoản rủi ro dự kiến, tức là có mối tương quan dương (Garza-Garcia, 2010) [16]. Trong nghiên cứu của Fungacova & Poghosyan (2011), Hamadi & Awdeh (2012) rủi ro tín dụng được đo lường bằng dự phòng tổn thất rủi ro tín dụng chia cho tổng dư nợ tín dụng và tỷ số này có quan hệ tỷ lệ thuận với NIM [15] [30].
Mức ngại rủi ro (Managerial risk aversion - MRV):
Theo McShane và Sharpe (1985), Maudos và Fernandez de Guevara (2004), mức ngại rủi ro được đại diện bởi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản [29] [26]. Các mô hình lý thuyết cho rằng mức ngại rủi ro có quan hệ tỷ lệ thuận với NIM, vì những ngân hàng sợ rủi ro sẽ yêu cầu lợi nhuận cao hơn để trang trải các chi phí cao hơn vốn chủ sở hữu so với chi phí tài chính bên ngoài.
Theo tiêu chuẩn của IMF, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản được đánh giá là một trong các chỉ số đánh giá độ lành mạnh tài chính của NHTM (IMF, 2006) [23]. Hầu hết các nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan dương giữa tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Saunders & Schumacher, 2000; Brock & Suarez, 2000; Maudos & Guevara, 2004; Doliente, 2005; Hawtrey & Liang, 2008; Maudos &Solis, 2009; Garza- Garcia, 2010; Ugur & Erkus, 2010; Kasman, 2010; Fungacova & Poghosyan, 2011) [9] [14] [21] [24] [35]. Khi quy mô vốn chủ sở hữu tăng sẽ làm cho chi phí trả lãi giảm hơn là việc sử dụng vốn vay, từ đó sẽ làm cho tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của ngân hàng tăng.
Chi phí trả lãi ngầm (Implied interest payments - IP):
Chi phí trả lãi ngầm của ngân hàng thể hiện thông qua việc giảm phí dịch vụ và các loại trợ cấp cho người gửi tiền do quy định hạn chế về các khoản thanh toán lãi suất rõ ràng. Vì nhiều lý do, các ngân hàng có thể tìm cách để cạnh tranh vừa trên các khoản thanh toán lãi suất ngầm và vừa trên các thanh toán lãi suất rõ ràng. Các ngân hàng trả lãi ngầm cho khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền tại ngân hàng. Theo Ho và Saunders (1981), Angbazo (1997), Saunders và Schumacher (2000), Maudos và Fernandez de Guevara (2004) thì chi phí trả lãi ngầm được tính bằng cách lấy chi phí ngoài lãi trừ đi thu nhập ngoài lãi rồi chia cho tổng tài sản [8] [22] [26] [34]. Theo lý thuyết, chi phí trả lãi ngầm có mối quan hệ tỷ lệ thuận với NIM vì các ngân hàng sẽ tăng NIM để bù đắp cho lãi suất ngầm đã trả cho khách hàng.
Chất lượng quản lý (Management quality - MQU):
Theo lý thuyết của Angbazo (1997), chất lượng quản lý được đại diện bởi tỷ số của tổng chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng làm việc không hiệu quả khi trong quản lý họ lựa chọn tài
sản ít lợi nhuận và rủi ro cao, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trung gian của họ thấp (Angbazo, 1997; Maudos và Fernandez de Guevara, 2004) [8] [26]. Chất lượng quản lý tốt thể hiện việc lựa chọn các tài sản có lợi nhuận cao và nợ phải trả với chi phí thấp. Ngân hàng có chất lượng quản lý càng cao thì càng có khả năng giảm tỷ số trên, do vậy có thể duy trì một mức NIM cao hơn. Vì vậy, trong mô hình chúng ta mong đợi quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tỷ số của tổng chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động với NIM.
Vị thế của ngân hàng (Market power - MPO):
Ảnh hưởng của vị thế của ngân hàng đối với NIM đã được giải thích trong các nghiên cứu của Mc và Sharpe (1995), Maudos và Guevara (2004), Williams (2007). Theo các nghiên cứu này thì vị thế của ngân hàng được thể hiện bằng tỷ lệ tài sản của ngân hàng đó trên tổng tài sản của toàn bộ các ngân hàng [26] [29] [36]. Và kết quả của các nghiên cứu trước cho rằng, NIM tỷ lệ thuận với vị thế của ngân hàng, nghĩa là các ngân hàng có tỷ lệ này càng cao thì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên càng cao. Nhưng theo báo cáo của IMF (2013), điều này chỉ đúng khi các ngân hàng hoạt động trong một môi trường không cạnh tranh. Còn trong thị trường cạnh tranh, các ngân hàng có thị phần lớn có thể có lợi nhuận thấp hơn vì họ thực hiện các chiến thuật kinh doanh nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Và mối quan hệ này có thể trở thành tiêu cực nếu nó bị ảnh hưởng bởi các biến số khác như cấu trúc thị trường có sở hữu nước ngoài [36].
Quy mô hoạt động cho vay (SIZE):
Nghiên cứu của Maudos và Guevara (2004), Maudos và Solis (2009) tìm ra mối tương quan dương giữa quy mô hoạt động cho vay và thu nhập lãi cận biên của ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cho vay với quy mô càng lớn thì thu nhập từ lãi càng tăng khiến NIM tăng. Khi rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng xảy ra, với quy mô hoạt động cho vay càng lớn thì tổn thất sẽ càng
lớn các NHTM sẽ đưa ra mức NIM cao hơn để bù đắp tổn thất [26] [27]. Trong khi đó, nghiên cứu của Zhou và Wong (2008); Hawtrey và Liang (2008); Kasman, Tunc, Vardar và Okan (2010) lại tìm ra mối tương quan âm giữa quy mô hoạt động cho vay và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của ngân hàng, ngân hàng có quy mô lớn sẽ cho vay nhiều hơn với lãi suất thấp hơn các ngân hàng nhỏ và lúc đó thu nhập lãi sẽ thấp [21] [24] [38]. Chỉ tiêu này được thể hiện bởi logarit tự nhiên của tổng dư nợ cho vay.
Sở hữu nước ngoài (FO):
Nghiên cứu của Rudra & Ghost (2004), Ugur và Erkus (2010) tại Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ kết luận rằng ngân hàng nước ngoài có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên cao hơn ngân hàng trong nước và nghiên cứu của Hamadi và Awdeh (2012) tại Lebanon cũng cho thấy thu nhập lãi cận biên có sự khác biệt giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài [20] [33] [35]. Nghiên cứu của Tigran Poghosyan (2010) tại 11 nước Trung và Đông Âu cũng cho kết quả rằng sự tham gia của ngân hàng nước ngoài có ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng thuộc các nước này. Nó không chỉ ảnh hưởng đến kích thước của lợi nhuận lãi biên mà nó còn điều hòa tác động của các yếu tố khác đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên [30]. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách tiền tệ và chính sách giám sát ngân hàng nhằm khuyến khích sự gia nhập của ngân hàng nước ngoài. Sở hữu nước ngoài được thể hiện bằng tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin – NIM) là chỉ số được sử dụng để xác định chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi chia cho tổng tài sản của ngân hàng. Nó là một trong những thước đo hiệu quả cũng như khả năng sinh lời. Nó cho ta thấy năng lực của ngân hàng trong việc duy trì sự tăng trưởng của các nguồn thu so với mức tăng của chi phí. Thông qua tỷ lệ này, ngân hàng có thể kiểm soát tài sản và đánh giá nguồn vốn nào có chi phí thấp, giúp các nhà quản trị ngân hàng trong việc quản lý tốt hơn các tài sản để tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.
Theo các lý thuyết có liên quan đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên và các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của NHTM đó là: rủi ro tín dụng, mức ngại rủi ro, chi phí trả lãi ngầm, chất lượng quản lý, vị thế của ngân hàng, quy mô hoạt động cho vay, sở hữu nước ngoài. Đây chính là cơ sở lý thuyết chính cho việc xác định các biến nghiên cứu và các phân tích tiếp theo ở những chương sau.
CHƯƠNG 2
THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU