* Những khó khăn, hạn chế còn tồn tại
- Tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tuy đã được kiềm chế, nhưng diễn biến vẫn phức tạp, hàng năm số người nghiện ma túy vẫn tăng. Công tác quản lý, kiểm soát địa bàn ở một số địa phương đối với người sau cai còn chưa phù hợp, chưa có biện pháp cụ thể.
- Công tác cai nghiện cộng đồng đã được triển khai theo quy định của Chính phủ, nhưng tại địa phương còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, cán bộ, kinh phí v.v… do đó công tác cai nghiện tại cộng đồng mới chủ yếu thực hiện được ở khâu cắt cơn tại Trung tâm từ 10 đến 15 ngày, sau đó bàn giao về địa phương, gia đình tiếp tục quản lý, giúp đỡ.
- Trong quá trình triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện một số thành viên Tổ công tác, Ban chỉ đạo cấp xã chưa chủ động triển khai nhiệm vụ như: tuyên truyền vận động người nghiện đăng ký cai nghiện chưa đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, người nghiện và gia đình người nghiện chưa tích cực tham gia chương trình; công tác quản lý sau cai tại cộng đồng ở một số nơi còn lỏng lẻo dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao; chính sách hỗ trợ vốn, tạo việc làm ở một số xã, phường, thị trấn chưa được quan tâm thực hiện.
- Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng; công tác quản lý, kiểm soát địa bàn ở một số địa phương đối với người sau cai còn chưa phù hợp, chưa có biện pháp cụ thể; việc xác định người nghiện ma túy tổng hợp cũng như phác đồ điều trị chưa được hướng dẫn.
- Công tác tuyên truyền giáo dục về tệ nạn ma tuý còn chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là công tác vận động người nghiện ma túy tự nguyện tham gia vào chương trình cai nghiện cộng đồng và quản lý sau cai tại nơi cư trú.
- Người nghiện hoàn thành thời gian cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng hầu hết là không tìm được việc làm nên cần được hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn, tạo việc làm ổn định cuộc sống, nhưng hiện nay quy định mức hỗ trợ đào tạo
nghề còn ở mức thấp không đủ để đào tạo nghề phù hợp để có thể tìm được việc làm ổn định tại cộng đồng.
- Mô hình cai nghiện tự nguyện, tại cộng đồng đã được triển khai có kết quả nhưng chưa có cơ chế đầu tư phù hợp từ ngân sách dẫn đến khó nhân rộng; cai tự nguyện không được hỗ trợ các chi phí, các mức hỗ trợ thấp, không đầy đủ và không đảm bảo cho thực hiện quy trình cai nghiện.
- Các quy định pháp luật còn bất cập giữa cai nghiện tại gia đình và cộng đồng và giáo dục tại xã phường thị trấn, do vậy biện pháp cai nghiện tại cộng đồng bị hạn chế, biện pháp xử phạt hành chính được tăng cường do dễ làm và ít phải đầu tư, dẫn đến kết quả chung là không bền vững, tăng thêm sự kỳ thị với người nghiện ma túy và hạn chế sự tiếp cận của họ với các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng.
- Chưa hình thành được mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ.
* Nguyên nhân của những hạn chế Về cơ chế chính sách, pháp luật.
Trong thời điểm triển khai thực hiện Đề án, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, hơn nữa trong khi triển khai thực hiện Nghị định còn xảy ra nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, cụ thể như:
- Biểu mẫu lập hồ sơ theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP giữa các ngành chưa thống nhất. Do vậy, việc thẩm định hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần dẫn đến mất rất nhiều thời gian của cán bộ lập hồ sơ.
- Cơ chế quản lý, thông tin báo cáo giữa người nghiện ma túy khi được lập hồ sơ bệnh nhân điều trị thuốc thay thế Methadone chưa rõ ràng nên rất khó cho lực lượng công an khi thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ đưa người vào cơ sở
cai nghiện bắt buộc ( ví dụ như người nghiện ma túy khi được gọi để xác định tình trạng nghiện và lập hồ sơ thì khai báo đang uống thuốc điều trị thay thế Methadone).
- Việc xác định tình trạng nghiện ma túy phải theo dõi trong vòng 03 ngày nhưng đơn vị các xã, phường không có địa điểm tạm giữ để theo dõi và cán bộ đảm bảo an ninh… Một số cán bộ y tế không dám xác định tình trạng nghiện ma túy do lo sợ bị trả thù
- Thời gian đọc hồ sơ của người nghiện ma túy và gia đình họ có thể là cơ hội để bỏ trốn, khó kiểm soát được.
- Hồ sơ các xã lập còn nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết như: giấy xác nhận tuổi, hộ khẩu thường trú…Các đơn vị còn nhầm lẫn giữa lập hồ sơ theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP và Nghị định 111/2013-NĐ-CP...
Về nguồn lực.
- Kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia lập hồ sơ và quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa bảo đảm như: chi cho văn phòng phẩm để lập hồ sơ, que thử ma túy, đưa đón, dẫn giải người nghiện đi xét nghiệm tình trạng nghiện…
- Chưa huy động các nguồn lực xã hội; hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.
- Người tham gia điều trị nghiện hầu hết là gia đình khó khăn, bản thân người nghiện ma túy không có nguồn thu nhập. Do vậy ảnh hưởng đến kinh phí đóng góp để tham gia đầy đủ quy trình điều trị nghiện.
Nguyên nhân khác.
- Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả; quá lập hồ sơ còn nhiều lúng túng, cán bộ chưa nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn, chưa nắm chắc về nghiệp vụ.
- Người nghiện ma túy không hợp tác hoặc khai báo đang điều trị bằng thuốc thay thế Methadone do đó quá trình xác định tình trạng nghiện và lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
- Việc triển khai điều trị Methadone cũng gặp một số khó khăn đó là: người bệnh hàng ngày phải đến uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của cơ sở điều trị, không kể ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật trong suốt thời gian dài điều trị. Mặt khác do đặc điểm về địa lý tỉnh Hòa Bình giao thông đi lại khó khăn, nơi ở của người bệnh quá xa với cơ sở điều trị, không có phương tiện đi lại, do yêu cầu của một số công việc không cho phép người bệnh uống thuốc trong giờ làm việc hành chính… đây cũng là khó khăn và trở ngại lớn nhất đối với người bệnh khi tham gia điều trị Methadone.
- Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai tại nơi cư trú đã được triển khai song gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ cho cai tại cộng đồng không có, hiện tại trạm y tế của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện việc điều trị cắt cơn nghiện tại cơ sở; việc quản lý, theo dõi giúp đỡ người nghiện sau cai chưa được quan tâm thực hiện, giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện ma tuý ở địa phương chưa được tháo gỡ.
- Hầu hết học viên vào cai nghiện tự nguyện là do gia đình đưa vào, học viên có tiền án, tiền sự chiếm tỷ lệ cao và đi cai nghiện nhiều lần, nhiều trường hợp luôn chống đối và không hợp tác với thầy thuốc để cai nghiện; hoàn cảnh gia đình người nghiện cũng hết sức khó khăn kinh phí không đáp ứng được, loại ma túy sử dụng cũng đa dạng; học viên vào Trung tâm thời gian thường từ 1 đến 3 tháng là làm đơn xin về ảnh hưởng đến việc tổ chức cai nghiện đầy đủ quy trình 5 giai đoạn.
Tiểu kết Chương 2
Luận văn tập trung nghiên cứu, khái quát hóa các điều kiện tự nhiên của tỉnh Hòa Bình ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; sự tác động của các điều kiện này đến quá trình triển khai thực hiện chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tác giả đi sâu vào phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực về thực trạng thực thi chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay trên 02 nội dung cụ thể là hệ thống các cơ quan, tổ chức tham gia thực thi chính sách cai nghiện và các hoạt động thực thi; kết quả việc thực hiện chính sách cai nghiện, những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân.
Việc phân tích toàn diện thực trạng đã cho thấy cơ bản việc thực hiện chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy đã có những chuyển biến tích cực song vẫn chưa kiềm giảm được sự gia tăng của tình hình tội phạm và tệ nạn nghiện ma túy, có nguy cơ mất kiểm soát nếu không kịp thời có các biện pháp, giải pháp tăng cường thực hiện chính sách một cách quyết liệt, cụ thể và sát thực với tình hình. Đây là những vấn đề thực tiễn có vai trò quan trọng trong việc đề ra phương hướng và các nhóm giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường thực hiện tốt hơn chính sách cai nghiện ma túy trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Chương 3
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH