Các bước tổ chức thực thi chính sách cai nghiện ma túy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hòa bình (Trang 33 - 38)

1.2.3.1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách

Để việc thực hiện một cách hiệu quả chính sách cai nghiện ma túy, cần phải tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, rõ ràng từ kế hoạch tổ chức điều hành, kế hoạch chuẩn bị các nguồn lực thực hiện, kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực thi chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nhưng phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của chủ thể ban hành. Khi xây dựng kế hoạch, phải quy định cụ thể thời gian, lộ trình triển khai thực hiện; đồng thời xác định rõ các bên tham gia, có sự phân công, phân định rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, từng cán bộ, công chức, tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa cơ quan này với cơ quan khác; đặc biệt là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn lực tài chính, con người, cơ sở vật chất, các công cụ, phương tiện thực hiện, đảm bảo việc triển khai thực hiện diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả cao.

1.2.3.2. Phổ biển, tuyên truyền chính sách cai nghiện ma túy

Phổ biến, tuyên truyền chính sách cai nghiện ma túy là họat động mang tính thông tin, là hình thức công khai chính thống chính sách cho các cơ quan có thẩm quyền, các đối tượng chính sách và các bên tham gia hiểu rõ về mục

đích, yêu cầu, tính đầy đủ, tính đúng đắn của chính sách để các bên có liên quan tự giác tham gia thực hiện. Ngoài hoạt động mang tính thông tin, công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách còn giúp cho cán bộ, công chức tổ chức thực hiện chính sách nhận thức được đầy đủ tính chất, mức độ, quy mô, tầm quan trọng của chính sách đối với đời sống xã hội, để họ chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chính sách.

Phổ biến, tuyên truyền chính sách cai nghiện ma túy được thực hiện bằng nhiều hình thức như thông qua các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, báo chí, truyền thanh, truyền hình, hội diễn, sân khấu hóa, tổ chức Hội nghị, xét xử án lưu động công khai, hình thức lan truyền cộng đồng (thông tin từ người này sang người khác), hoặc các hình thức tuyên truyền khác. Công tác phổ biến, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chính sách. Nếu việc phổ biến, tuyên truyền chính sách tiến hành một cách kịp thời và hiệu quả, đúng phạm vi, đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận, nhận thức rõ hiểm họa từ ma túy, tính cấp bách của công tác cai nghiện ma túy hiện nay. Từ đó, tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý; hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng; các đoàn thể công tác xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân tích cực tham gia vào công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện phục hồi, dạy văn hoá, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện; giúp cho các cơ quan và cán bộ, công chức nắm vững quy trình, thực thi chính sách tiết kiệm được thời gian, công sức, giúp cho chính sách được thực hiện một cách khả thi, hiệu quả.

1.2.3.3. Phân công, phối hợp thực hiện chính sách cai nghiện ma túy

Phân công, phối hợp thực hiện chính sách cai nghiện ma túy là việc cơ quan tổ chức thực hiện chính sách xem xét chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân có liên quan để phân công, phân nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng,

chặt chẽ, khoa học và hợp lý, xác định cơ quan nào đóng vai trò chủ trì, cơ quan nào có chức năng phối hợp, tránh trường hợp nêu chung chung, nhằm đảm bảo trong suốt quá trình thực hiện chính sách diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, không bị chồng chéo, thiếu sót hoặc bị tắc nghẽn. Việc phân công, phối hợp trong thực hiện chính sách là một trong những vấn đề vướng mắc và yếu ở nước ta hiện nay. Có những chính sách khi ban hành xong không thể triển khai thực hiện do sự phân công, phân nhiệm cho các cơ quan chủ quản và cơ quan phối hợp thực hiện không rõ ràng hoặc chồng chéo; không có sự thống nhất giữa các cơ quan chủ quản và cơ quan phối hợp nên xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh hoặc ôm đồm dẫn đến không ai làm hoặc làm nửa vời, thiếu trách nhiệm, không đến nơi, đến chốn. Vì vậy, để việc tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện ma túy thực sự có hiệu quả, trước tiên phải có sự thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu, chương trình, kế hoạch thực hiện và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã xã hội và nhân dân tham gia cai nghiện ma túy; từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đến công tác tuyên truyền, vận động, công tác cung ứng nguồn lực tài chính, trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện chính sách.

1.2.3.4. Duy trì chính sách cai nghiện ma túy

Duy trì chính sách là hoạt động nhằm bảo đảm cho chính sách tồn tại được và phát huy tác dụng trong môi trường thực tế. Việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện đã là rất khó, nhưng để duy trì chính sách ổn định lâu dài lại càng khó hơn. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường đầy biến động và thay đổi, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tác động rất lớn đến việc duy trì thực hiện chính sách. Việc duy trì thực hiện chính sách cai nghiện ma túy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng chủ yếu là các yếu tố khách quan cơ bản như yếu tố về

sự ổn định chính trị, yếu tố về kinh tế, yếu tố văn hóa, xã hội... chi phối, ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì thực hiện chính sách. Nếu những yếu tố cơ bản này biến động theo chiều hướng tích cực, thì sẽ rất thuận lợi trong việc duy trì thực hiện chính sách; tuy nhiên, nếu những yếu tố cơ bản này biến động theo hướng tiêu cực, không thuận lợi, thì việc duy trì thực hiện chính sách sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các cơ quan và người thực hiện chính sách phải thường xuyên dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất những giải pháp phù hợp, sử dụng những công cụ quản lý Nhà nước cần thiết tác động kịp thời, giúp cho chính sách được duy trì ổn định, lâu dài.

1.2.3.5. Điều chỉnh, bổ sung chính sách cai nghiện ma túy

Điều chỉnh, bổ sung chính sách cai nghiện ma túy là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hướng điều chỉnh chính sách ngày càng phù hợp với yêu cầu quản lý và tình hình thực tiễn phát triển của xã hội. Theo quy định, cơ quan nào ban hành chính sách thì cơ quan đó có quyền điều chỉnh, bổ sung chính sách. Trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, khi triển khai áp dụng thực hiện trong thực tiễn sẽ có những vấn đề bất cập, thiếu sót, chưa phù hợp hoặc phát sinh mới, mà chủ thể ban hành không thể lường trước được. Mặt khác, xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng cao; quá trình đô thị hóa dẫn đến những biến động dân cư, thay đổi điều kiện sống, chuyển đổi nghề nghiệp… kéo theo đó là những mặt trái, sự gia tăng của tệ nạn xã hội; đối tượng phạm tội hoạt động tinh vi hơn, liều lĩnh và manh động hơn, xuất hiện nhiều loại ma túy mới, sự gia tăng số người nghiện và phạm tội là không thể tránh khỏi. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên việc điều chỉnh, bổ sung phải phù hợp, không được làm thay đổi mục tiêu chính sách, nếu thay đổi mục tiêu chính sách, coi như chính sách thất bại.

1.2.3.6. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách cai nghiện ma túy.

Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách cai nghiện ma túy là họat động diễn ra thường xuyên, liên tục của hệ thống các cơ quan Nhà nước, từ cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, các cơ quan tư pháp, đến các cơ quan và cán bộ, công chức được phân công thực hiện chính sách, kể cả đối tượng chính sách nhằm xem xét chính sách đã được triển khai tổ chức thực hiện chưa, tiến độ thực hiện đến đâu, việc tổ chức thực hiện có đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, kế hoạch đã ban hành hoặc đã đến tận được với các đối tượng chính sách không. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách để đánh giá thực trạng người nghiện, công tác quản lý đối tượng (đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, cai nghiện bằng Methadone), công tác quản lý, giúp đỡ đối tượng sau cai nghiện vươn lên tái hòa nhập cộng đồng; công tác quản lý địa bàn, điều tra, khám phá án, truy tố, xét xử; cũng như phát hiện các trường hợp cơ quan, cán bộ công chức thiếu trách nhiệm; quản lý hồ sơ đối tượng không chặt chẽ; quan liêu trong việc hỗ trợ thủ tục, hồ sơ giúp đối tượng sau cai tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm; lợi dụng chức vụ quyền hạn để thông đồng, móc nối với các đối tượng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy nhằm trục lợi, từ đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Kiểm tra, theo dõi sát việc thực hiện chính sách góp phần kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách và chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện chính sách, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện mục tiêu chính sách cai nghiện ma túy.

1.2.3.7. Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện ma túy.

Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện ma túy là quá trình xem xét, kết luận về chỉ đạo điều hành và chấp hành chính sách của các cơ quan và cá nhân liên quan được phân công thực hiện chính sách, cũng như hiệu quả, lợi ích mang lại cho xã hội, cho đối tượng hưởng

lợi từ chính sách. Tùy theo tính chất, mức độ, quy mô và chu kỳ, niên hạn của chính sách có thể tiến hành đánh giá, tổng kết. Đối với việc thực hiện chính sách cai nghiện ma túy được xác định là chính sách thường xuyên và lâu dài, định kỳ hàng năm đều tiến hành đánh giá kết quả thực hiện lồng ghép trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, 05 năm tiến hành đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm một lần. Việc đánh giá, tổng kết được thực hiện theo trình tự từ cơ sở đến Trung ương. Trong đánh giá, tổng kết thực hiện chính sách cai nghiện ma túy, phải đánh giá một cách toàn diện tất cả các mặt, các bước từ việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt; công tác phổ biến tuyên truyền; công tác phối hợp tổ chức thực hiện... để biểu dương, phát huy những ưu điểm; đồng thời xem xét, đánh giá một cách khách quan những bất cập, hạn chế, thiếu sót ở mặt nào, bước nào; những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề không còn phù hợp với thực trạng tình hình; đề ra các biện pháp sát đúng nhất để khắc phục, tổ chức thực hiện tốt hơn; cũng như tập hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện thực tiễn.

Thước đo đánh giá kết quả thực hiện chính sách là: Tinh thần hưởng ứng với mục tiêu chính sách; ý thức chấp hành các quy định về cơ chế, biện pháp thực hiện các mục tiêu chính sách và hiệu quả chính sách trong từng điều kiện về không gian và thời gian.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hòa bình (Trang 33 - 38)