Đánh giá chung quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc êđê trên địa bàn tỉnh đắk lắk (Trang 69 - 76)

7. Bố cục luận văn

2.3. Đánh giá chung quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn

trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

2.3.1. Ưu điểm

Thành tựu đạt được trong công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk:

- Về bộ máy cơ cấu tổ chức quản lý: đã phân cấp quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, phường. Xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua các hoạt động:

+ Nhiều văn bản pháp lý được ban hành mang tính chỉ đạo, định hướng cho hoạt động bảo tồn - gìn giữ di sản văn hóa.

+ Thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền về các văn bản luật, dưới luật về di sản văn hóa, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ở các cấp.

+ Việc nghiên cứu, lập hồ sơ, tiến hành công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh có hiệu quả. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo lập hồ sơ về sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, ngôn ngữ Êđê,...

+ Nguồn vốn của Nhà nước cấp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê đã được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Huy động được các nguồn lực từ cộng đồng tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê.

+ Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm về những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, truyện cổ, sử thi, những từ cổ của người Êđê,...

+ Tư vấn, giúp đỡ cho các địa phương trong tỉnh tổ chức lễ hội theo đúng phong tục truyền thống, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự cho du khách tham gia.

+ Thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đã có những hình thức khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Vai trò của cộng đồng: Di sản văn hóa do cộng đồng sáng tạo ra, tồn tại cùng cộng đồng nên việc để cộng đồng quản lý là phương thức hợp lý và đem lại hiệu quả cao. Cộng đồng đóng góp kinh phí để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân 2.3.2.1. Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã nêu trên, vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế trong QLNN về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Việc chỉ rõ và phân tích những hạn chế là căn cứ để xây dựng, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý trên lĩnh vực này.

Một là, khâu bảo tồn, lưu giữ văn hóa còn thiếu tính hệ thống, khoa học. Đây là một hạn chế tương đối lớn, tác động mang tính tiêu cực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa đặc sắc, vừa không đảm bảo được các mục tiêu bảo tồn, vừa gây nên những lãng phí trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hai là, chưa có biện pháp kịp thời nhằm hạn chế quá trình đồng nhất

hóa các giá trị văn hóa dân tộc Êđê với các dân tộc khác trong quá trình sinh hoạt đời sống hàng ngày. Hạn chế này đã tạo nên một thực trạng dù biết nhưng không thể ngăn chặn đó là sự tuyệt nhiên không còn các đặc trưng văn hóa dân tộc Êđê để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Ba là, chưa đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn, lưu giữ và phát huy văn hóa dân tộc Êđê. Thiếu đi hệ thống cơ sở hạ tầng này, các giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa có khả năng mai một là rất lớn.

Bốn là, quá trình xây dựng các chương trình, đề án bảo tồn, lưu giữ,

phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê chưa có sự tham gia đáng kể của các chuyên gia và đối tượng thụ hưởng. Điều này khiến cho các nội dung chính sách chưa thực sự gắn với thực tiễn, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp chính sách gặp nhiều khó khăn, bất khả thi.

Năm là, bên cạnh các phòng Quản lý văn hóa của UBND tỉnh, huyện

thì Phòng Quản lý Di sản văn hóa mới được thành lập tháng 05/2016, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch do vậy vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc bộc lộ nhiều hạn chế:

+ Việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Luật di sản văn hóa chưa có kế hoạch cụ thể, chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào phòng Văn hóa Thông tin các huyện còn cộng đồng dân tộc Êđê thì chưa được quan tâm.

+ Việc lên kế hoạch kiểm kê, lập hồ sơ cho các loại hình di sản văn hóa dân tộc Êđê triển khai chậm.

+ Việc tổ chức khai thác phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc Êđê còn yếu kém, chưa có định hướng, sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào những giá trị sẵn có.

+ Mâu thuẫn giữa nhu cầu thực tiễn của ngành văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng với khả năng đầu tư hạn hẹp của Nhà nước.

+ Mâu thuẫn giữa nhu cầu khoa học ngày càng cao của công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Êđê với khả năng cán bộ bảo tàng, bảo tồn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý còn mỏng.

+ Thiếu những định hướng, những chính sách, chế tài cụ thể nhằm khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

2.3.2.2. Nguyên nhân

Trong những năm gần đây, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, của văn hóa và lối sống hiện đại, nên văn hóa truyền thống như nhà sàn dài, bến nước, không gian nương rẫy, không gian nhà mồ, không gian rừng, kể akhan,... đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phong tục tập quán, phương thức sản xuất, nếp sống văn hóa của dân tộc Êđê ở Đắk Lắk nói riêng và các dân tộc khác nói chung đã được phát triển theo định hướng của Đảng. Việc thay đổi phương thức sản xuất đã kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân. Đồng bào các buôn làng tùy theo điều kiện cụ thể của gia đình đã bước đầu tách hộ, bỏ nhà dài, làm nhà từng hộ riêng, phát triển kinh tế gia đình theo phương thức sản xuất hàng hóa, nhiều gia đình đã mang bán đi những bộ cồng chiêng quý, ché, trang phục thổ cẩm truyền thống,... để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của gia đình mình. Ngoài ra, một số gia đình đồng bào Êđê nghe lời xúi dục của bọn xấu đã bỏ lễ hội, bỏ phong tục tập quán cộng đồng và mang bán những tài sản quý trong gia đình. Sự phát triển của các loại hình văn hóa hiện đại, như: truyền hình, điện ảnh, âm nhạc,... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê. Không ít thanh niên đồng bào dân tộc Êđê tuy được giáo dục truyền thống dân tộc, nhưng vẫn bị thu hút vào văn hóa hiện đại, coi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của buôn làng mình là lạc hậu, lỗi thời,

và không phù hợp với thời đại. Do đó, họ không thiết tha với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê còn bị chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Phòng Quản lý Di sản văn hóa của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh mới được thành lập, do vậy chưa phát huy được hết chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê.

Nguồn nhân sự làm công tác chuyên môn còn thiếu, trình độ và năng lực không đồng đều nên làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh. Về nguyên nhân chủ quan, có thể thấy, mặc dù được đào tạo, bồi dưỡng nhưng trình độ của cán bộ quản lý văn hóa vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đây là nguyên nhân tạo nên cản trở lớn trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều cán bộ quản lý tuy được đào tạo bài bản nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, những cán bộ có kinh nghiệm thì thường chủ quan, chậm cập nhật các tri thức mới nên trong nhiều trường hợp không thể phát huy được các kinh nghiệm đã tích lũy, thậm chí kinh nghiệm của hàng chục năm trước vẫn còn được áp dụng một cách tương đối máy móc, rập khuôn, thiếu linh hoạt và phù hợp với điều kiện hiện tại.

Các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ phục vụ công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số còn hạn chế, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Thiếu thốn về các nguồn lực, trong đó có tài chính là một trong những tác động tiêu cực đến hiệu quả quản lý nói chung, bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Do chưa có một chiến lược mang tầm cỡ quốc gia về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh nên việc thực hiện

công tác này còn nhiều bất cập, thể hiện qua những việc làm còn thiếu tính kế hoạch, mang tính chất tạm bợ, triển khai công việc chưa được xuyên suốt giữa các cấp chính quyền.

Hệ thống các chính sách, đề án liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số còn mang tính phổ quát cao, khó vận dụng trên một địa bàn cụ thể.

Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê trong thời gian qua phát triển chưa bền vững, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng vốn có.

Việc giới thiệu, tổ chức khai thác giá trị văn hóa dân tộc Êđê còn đơn điệu, chưa có sự kết hợp tốt giữa khai thác di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động tổ chức khai thác di sản văn hóa phi vật thể chưa được làm một cách khoa học, bài bản.

Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê.

Công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê với thông tin còn hạn chế.

Tiểu kết chương 2

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, luôn luôn có một thách thức lớn là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được tốt, ngoài việc đúc rút các kinh nghiệm của bạn bè trên thế giới, phát huy những gì có lợi, hạn chế và tránh những gì có hại cho các giá trị văn hóa truyền thống, còn phải tạo sự phát triển bền vững cho các giá trị đó. Nội dung quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bao gồm: Hoạch định chiến lược, chính sách quy hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc; Tổ chức bộ máy và bố trí nguồn lực; Hợp tác quốc tế; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết các thủ tục khiếu nại để bảo đảm sự vận hành của các hoạt động văn hóa các dân tộc được phát huy tích cực. Việc thực hiện các nội dung trên trong nhiều năm qua đã đạt đuợc nhiều kết quả tích cực, song cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục, giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất phát từ hạn chế về trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác của đội ngũ cán bộ, quản lý; thiếu các chính sách cụ thể hơn về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; thiếu các nguồn lực cần thiết phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số; quá trình hội nhập nói chung, quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc nói riêng diễn ra nhanh chóng khiến cho nhiều giá trị văn hóa dân tộc thiểu số bị mai một.

Chương 3

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC ÊĐÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc êđê trên địa bàn tỉnh đắk lắk (Trang 69 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)