7. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Một số hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động quản lý nhà nước về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình còn bộc lộ một số hạn chế nhất định:
- Việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn chậm, chưa sát điều kiện thực tiễn.
- Năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu sự quan tâm, nghiên cứu tình hình việc làm sát với thực tiễn. Sự phối hợp giữa các ban ngành chưa được chặt chẽ, còn có sự chồng chéo đối tượng được hỗ trợ giải quyết việc làm.
- Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đôi khi còn mang tính hình thức, hiệu quả tạo việc làm sau đào tạo nghề chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, trình độ tay nghề của người lao động nhìn chung chưa phù hợp với quy trình sản xuất công nghiệp, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, chưa gắn với giải quyết việc làm.
Việc triển khai công tác đào tạo nghề còn thiếu đồng bộ, thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
- Nguồn kinh phí từ ngân sách của huyện dành cho công tác đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn hẹp; mức hỗ trợ cho người lao động vay vốn phát triển ngành, nghề còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giải quyết việc làm mặc dù được chính quyền huyện chỉ đạo thực hiện, nhưng nhìn chung còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
2.3.2.1. Nguyên nhân của hạn chế:
Những hạn chế chủ yếu do các nguyên nhân sau:
- Nền kinh tế nước ta nói chung phát triển chưa cao, trong đó huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, lạc hậu so với mặt bằng chung của tỉnh, cả nước, 100% dân số ở vùng nông thôn. Đây là một thách thức trong quản lý nhà nước về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
- Một số địa phương (cấp xã) chưa coi và quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
- Bộ máy quản lý nhà nước về việc làm ở huyện còn hạn chế, ban chỉ đạo về giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, cán bộ tham mưu trực tiếp về giải quyết việc làm chỉ có 01 chuyên viên và lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách lĩnh vực này, do vậy so với nhu cầu về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về giải quyết việc làm không thể đáp ứng được yêu cầu.
- Nhận thức về học nghề của người lao động nông thôn chưa cao; tâm lý xã hội và gia đình vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học nghề và lập nghiệp, vì vậy chưa mạnh dạn động viên con em học nghề. Bản thân nhiều người lao động nông thôn chưa coi việc được đào tạo nghề là nhu cầu, một yếu tố cần thiết để bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình, vì vậy họ tham gia các khoá học chưa nhiệt tình và tập trung cao để học tập.
Tiểu kết chương 2
Quản lý nhà nước về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương. Điều này càng đặc biệt quan trọng với huyện Quảng Trạch, với trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hóa là khả quan, nhưng mới khởi đầu; tỷ lệ dân số sống ở nông thôn là 100%; một bộ phận lớn nhân dân là sống tại khu vực vùng núi, đặc biệt khó khăn. Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác đó, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quảng Trạch, trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm động viên các ngành, các cấp, các tổ chức và nhân dân trong huyện tập trung nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của một bộ phận lớn người dân. Những nỗ lực của huyện tập trung vào các hướng:
- Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, bao gồm cả các dự án của trung ương trên địa bàn nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm.
- Triển khai công tác hỗ trợ lao động nông thôn vay vốn tự tạo việc làm và giải quyết việc làm.
- Xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút các nguồn lực đầu tư sản xuất - kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm.
- Thực hiện các chính sách khuyến khích lao động nông thôn học nghề, tìm kiếm việc làm.
- Thực hiện cơ chế, chính sách cho vay vốn, hỗ trợ cho lao động đi xuất khẩu lao động.
Các nỗ lực của huyện tuy đã đạt được những kết quả nhất định song cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Về những nội dung đó, tác giả Luận văn sẽ trình bày trong Chương 3.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA
BÀN HUYỆN QUẢNG TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH