1.3.1. Các quốc gia trong khu vực
Thái Lan có bộ máy quản lý nhà nước về du lịch trong Bộ Thể thao và Du lịch và các chính sách vĩ mô được thực hiện bởi cơ quan Bộ. Cơ cấu tổ chức của Bộ theo ngành dọc đến địa phương chỉ theo vùng, đại diện vùng đặc trách đối với nhiều tỉnh.
Công tác quảng bá xúc tiến du lịch Công tác xúc tiến quảng bá phát triển du lịch được thực hiện bởi Cơ quan du lịch Thái Lan (TAT). TAT hoạt động chuyên nghiệp gồm các đại diện vùng và các văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Trong tổ chức bộ máy, TAT có quy định rất rõ về nhân sự bao gồm số lượng và vị trí công tác của các đại diện tại trung ương và địa phương trong mỗi văn phòng đại diện. Công tác xúc tiến quảng bá đặc biệt tại các thị trường quốc tế được ngành Du lịch Thái Lan rất quan tâm và tổ chức khá đồng bộ từ việc mở văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm đến hoạt động thăm dò ý kiến khách du.
Thông qua TAT, ngành Du lịch Thái Lan dành nguồn kinh phí khá lớn cho hoạt động xúc tiến thị trường, các văn phòng đại diện mỗi năm được cấp khoảng 0, 5 triệu USD cho hoạt động xúc tiến, vì vậy việc triển khai xúc tiến quảng bá đến các thị trường được tiến hành khá đồng bộ.
TAT hiện có 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài: Châu Âu (6 văn phòng), Châu Á (18 văn phòng), Châu Mỹ (2 văn phòng), Châu Đại Dương (1 văn phòng). Việc mở nhiều văn phòng đại diện tại nước ngoài là một công cụ hữu hiệu giúp xúc tiến du lịch Thái Lan tại các nước sở tại. Rất nhiều văn phòng đại diện của TAT ở nước ngoài hiện nay có trang web riêng. Thái Lan còn mời các nhân vật nổi tiếng đến thăm Thái Lan và tranh thủ quảng bá trên các phương tiện truyền thông khi sự kiện này xảy ra. TAT cũng khuyến khích quảng bá truyền
miệng của những khách du lịch có thiện chí và của những người Thái Lan sinh sống ở nước ngoài để giới thiệu Thái Lan cho bạn bè.
Ngoài ra để thúc đẩy hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia và thu hút khách du lịch, còn có sự kết hợp chặt chẽ của cơ quan du lịch Thái Lan với đại diện cơ quan ngoại giao và hãng hàng không quốc gia thông qua hoạt động quảng bá truyền thống dân tộc, sự kiện văn hóa, thể thao, đặc biệt tận dụng vai trò trung tâm trong khu vực ASEAN.
Dịch vụ cung cấp thông tin cho khách rất tốt. Tại sân bay, các điểm du lịch đều có Trung tâm hỗ trợ thông tin cho khách, cung cấp nhiều loại ấn phẩm giới thiệu các sản phẩm du lịch cụ thể và đa dạng.
Xây dựng sản phẩm du lịch Loại hình du lịch vui chơi giải trí và mua sắm được triển khai tốt với nhiều hình thức đa dạng nhằm khai thác tối đa khả năng chi tiêu của khách du lịch. Các khu du lịch trọng điểm đều có sản phẩm đặc trưng.
Chất lượng đội ngũ lao động và công tác đào tạo nguồn nhân lực Nét nổi bật của lực lượng lao động ngành Du lịch Thái Lan là tính chuyên nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ chu đáo và sự thể hiện quan tâm đến vấn đề này của các đơn vị sử dụng lao động. Cán bộ thuộc các cơ quan chuyên trách về du lịch sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) khá thành thạo.
1.3.1.2. Malaysia
Malaysia là đất nước có ngành du lịch phát triển nhất trong khu vực. Mục tiêu phát triển du lịch của Malaysia đến năm 2020 trở thành nước phát triển về du lịch hàng đầu trong khu vực và quốc tế. Thông điệp chính của ngành du lịch thể hiện mục tiêu và quan điểm phát triển: “Định vị Malaysia là điểm đến du lịch hàng đầu trong nhận thức thị trường và xây dựng ngành du lịch thành ngành có
đóng góp chính trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. 10 thị trường khách du lịch hàng đầu của Malaysia theo thứ tự quan trọng bao gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Brunay, Ấn Độ, Australia, Philipines, Anh và Nhật Bản.
Malaysia đã khai thác ba nét nổi bật nhằm tạo nên sự độc đáo và hấp dẫn để phát triển du lịch, thu hút du khách. Đầu tiên, Malaysia là một quốc gia đa dân tộc, sự pha trộn nhiều nền văn hóa khác nhau tạo nên một bản sắc văn hóa rất riêng. Với hơn 60% dân số theo đạo Hồi, những nét văn hóa đạo Hồi của Malaysia mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Bên cạnh đó, Malaysia còn có văn hóa ẩm thực đặc sắc, bởi đây là nơi giao thoa của nhiều nền ẩm thực hàng đầu. Malaysia cũng là đất nước có nhiều điểm đến hấp dẫn, du khách có thể thể thỏa sức khám phá vẻ đẹp đích thực của châu Á từ các thành phố sang trọng, rừng cây nhiệt đới cho đến những vùng núi cao, cao nguyên hoang sơ, bãi biển đẹp. Đặc biệt, nét nổi bật của du lịch Malaysia là các sản phẩm du lịch đa dạng, đẳng cấp quốc tế với mức giá cạnh tranh. Nổi bật là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm, các địa điểm mua sắm… Malaysia hiện đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới như du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục và du lịch công vụ (M.I.C.E). Để thu hút đông đảo du khách hơn nữa, Malaysia luôn chú trọng sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, thoản mãn mọi nhu cầu của du khách khắp nơi trên thế giới…
Về quy hoạch du lịch, Malaysia không có một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch như cách tiếp cận của Việt Nam mà chỉ có “Kế hoạch chuyển đổi du lịch Malaysia đến năm 2020” nhằm thu hút các thị trường trường du lịch có khả năng chi trả cao và tăng chi tiêu du lịch. Các khu vực, địa bàn phát triển du lịch chính với các chức năng cụ thể đã được xác định trong Chiến lược Phát triển du
lịch từ những năm 1970 vẫn được duy trì. Căn cứ vào định hướng có tính quốc gia này, các địa phương, thậm chí doanh nghiệp du lịch sẽ có những kế hoạch phát triển du lịch cụ thể.
Trong chiến lược chung của Malaysia về chuyển dịch kinh tế, ngành Du lịch xây dựng kế hoạch chuyển dịch phát triển du lịch đến năm 2020 tập trung vào việc phát triển sản phẩm và thị trường với mục tiêu chính là tập trung vào thị trường có khả năng chi trả cao, đẩy mạnh chương trình tiêu dùng của khách du lịch.
Hai hướng chính trong quan điểm phát triển là: bảo vệ, bảo tồn và giữ gìn môi trường: phát triển du lịch xanh, giải thưởng khách sạn xanh, chiến dịch quốc gia về một Malaysia xanh, một Malaysia sạch và phát triển toàn diện, chú trọng tính cân bằng và tính bền vững.