3.2.1.1. Giải pháp về nhận thức
Phân quyền cho chính quyền địa phương là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang lại nhiều lợi ích cho phát triển quốc gia cũng như là đòn bẩy trong xây dựng các địa phương; tuy nhiên, phân quyền cũng tồn tại nhiều mặt trái cần khắc phục như tính cục bộ địa phương, lách luật trong cấp phép xây dựng, đầu tư…Mặc dù trong thời gian qua, chính quyền tỉnh ở tỉnh Bình Phước nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, thực hiện thẩm quyền được phân quyền còn một số bất cập nhưng không vì thế mà không thực hiện phân quyền. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về phân quyền; coi phân quyền là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính của nước ta trong giai đoạn hiện nay nhằm hướng tới xây dựng chính quyền địa phương tự quản.
Theo xu hướng chung hiện nay thì cần nghiên cứu để tiếp tục phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, nhất là tăng cường tính tự quản cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để phát huy tính tích cực, chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Hơn nữa, cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của Hội đồng nhân dân. Ở các quốc gia phát triển, Hội đồng là thiết chế tự quản địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương trên cơ sở pháp luật chung của nhà nước. Ở nước ta, mặc dù theo quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương nhưng không phải là thiết chế mang tính tự quản địa phương. Hơn nữa, trên thực tế, sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của Hội đồng nhân dân đã làm lu mờ vai trò của Hội đồng nhân dân đối với quản lý nhà nước trên địa bàn. Do đó, cần đổi mới tư
duy về Hội đồng nhân dân và phải làm cho Hội đồng nhân dân trở nên “thực quyền” hơn trên thực tế.
Trong phân quyền cho chính quyền địa phương, cần nhận thức đúng đắn vấn đề mang tính nguyên tắc về phạm vi quản lý của mỗi cấp. Trung ương giải quyết các vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, những vấn đề mang tầm chiến lược; còn địa phương phải giải quyết những vấn đề cụ thể mang tính địa phương, trực tiếp cung ứng dịch vụ công phục vụ nhân dân trên địa bàn một cách tốt nhất. Chính vì vậy, trung ương nên tập trung vào xây dựng chính sách vĩ mô, ban hành pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về mặt thể chế, còn mỗi địa phương được quyền chủ động, sáng tạo trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3.2.1.2. Giải pháp về xây dựng thể chế, pháp luật
Trong thời gian qua, hoạt động phân quyền từ trung ương xuống chính quyền cấp tỉnh đã được bảo đảm thực hiện bằng cơ sở pháp lý khá chặt chẽ, từ Hiến pháp 2013 đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các Luật chuyên ngành, Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật như Luật Đầu tư công; Luật Cán bộ, công chức; Luật Đất đai; Luật Ngân sách nhà nước. Xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc là tiền đề căn bản để chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với quản lý các lĩnh vực được phân quyền. Tuy nhiên, như chương 2 đã phân tích, hiện nay, chính quyền tỉnh Bình Phước nói riêng và chính quyền địa phương cả nước nói chung vẫn chịu sự ràng buộc khá lớn từ chính quyền trung ương và sự ràng buộc này đã làm giảm đi tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương. Mặc dù trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, không thể đòi hỏi phải xây dựng ngay chính quyền địa phương mang tính tự quản cao như chính quyền địa phương ở các nước phát triển nhưng trong thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương nói chung và chính quyền cấp tỉnh nói riêng, hạn chế sự can thiệp của trung ương vào hoạt động của chính quyền địa phương
và giải quyết dứt điểm tình trạng “xin - cho” giữa trung ương và địa phương. Về điểm này, nước ta có thể học tập 1 số phương thức bảo đảm quyền tự chủ của địa phương ở 1 số nước phát triển như chính quyền địa phương có thể khởi kiện chính quyền trung ương thông qua Tòa án nếu trung ương can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền địa phương.
Hiện nay, có thể thấy rằng, phân quyền trên các lĩnh vực giữa trung ương và địa phương được quy định rải rác trong các luật, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Theo GS.TS Phạm Hồng Thái, để phân quyền, phân cấp một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm sự thống nhất trong phân quyền, phân cấp tiến tới cần ban hành Luật về phân quyền, phân cấp, trong đó cần quy định những nguyên tắc phân quyền, phân cấp; những vấn đề nào không được phân quyền, phân cấp, những vấn đề nào cần được phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương.
Hơn nữa, trong quá trình thực hiện phân quyền ở tỉnh Bình Phước nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung, xảy ra hiện tượng một số văn bản pháp luật của chính quyền trung ương thiếu thống nhất hoặc hướng dẫn không đầy đủ dẫn đến việc địa phương lúng túng trong việc triển khai. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành rà soát lại toàn bộ các luật, văn bản dưới luật trong từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Bộ ngành trung ương. Hơn nữa, khi giao nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương trong từng lĩnh vực quản lý cụ thể, trung ương cần bảo đảm đầy đủ hướng dẫn cho địa phương bằng các Nghị định hay Thông tư.
3.2.1.3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của trung ương đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh
Khi thực hiện phân quyền, nếu trung ương buông lỏng quản lý dễ dẫn tới tình trạng cục bộ, cát cứ địa phương hoặc nguy cơ phình to bộ máy tổ chức và biên chế ở cấp dưới, còn bộ máy cấp trên vẫn không giảm được. Mặt khác, cùng
với quá trình chuyển giao quyền lực cho cấp dưới có thể làm nảy sinh nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Do đó, phải xác định cơ chế giám sát hiệu quả, cơ chế giải trình thích hợp, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản công trong quản lý phát triển của địa phương, trong tổ chức cán bộ và cần có cơ chế giám sát của người dân, các tổ chức xã hội, và các cơ quan thông tin đại chúng.
Ở các quốc gia phát triển, mặc dù chính quyền địa phương được hưởng quy chế tự quản cao nhưng vẫn chịu sự giám sát của chính quyền trung ương thông qua một hệ thống công cụ giám sát hiệu quả như giám hộ hành chính, thông qua cơ chế tản quyền, tài phán hành chính. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả giám sát của trung ương đối với địa phương nói chung và giữa trung ương - chính quyền cấp tỉnh nói riêng, nước ta cần nghiên cứu một số công cụ giám sát mà các nước đã và đang sử dụng trên vào thực tiễn của nước ta đồng thời cần luật hóa việc giám sát của trung ương đối với địa phương được phân quyền; xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình phân quyền. Đặc biệt, cần nghiên cứu kinh nghiệm của 1 số nước về giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương thông qua thông qua Tòa án. Tòa án sẽ là nơi giải quyết tranh chấp tốt nhất giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đối với những vấn đề được phân quyền, đảm bảo cả trung ương và địa phương làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tránh tình trạng lạm quyền.