Để làm rõ khái niệm chính sách phát triển du lịch cần làm rõ khái niệm chính sách công. Bởi chính sách phát triển du lịch là một lĩnh vực của chính sách công.
Ra đời vào những năm 1950, với cuốn sách Khoa học chính sách: sự phát triển gần đây về phạm vi và phương pháp (Harold D. Lasswell và Daniel Lerner), Bài Định hướng chính sách (Harold D. Lasswell) đã đặt nền móng cho khoa học chính sách. Khoa học chính sách công phát triển nhanh chóng từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, nổi bật nhất là một loạt công trình của Yehezkel Dror. Khác với những ngành khoa học xã hội truyền thống, hoạt động nghiên cứu chính sách công định hướng đề ra những giải pháp cụ thể cho các vấn đề thực tế. Việc nghiên cứu chính sách công không chỉ hiểu rõ những vấn đề lý thuyết, mà cao hơn là nhằm vận dụng lý thuyết và bằng chứng thực tiễn để thiết kế, triển khai và đánh giá chính sách, từ đó cải thiện điều kiện sống của người dân ở các quốc gia.
Theo James Anderson: "Chính sách là một quá trình hành động có mục đích theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm" [25]. Các chính sách có thể được đề ra và thực hiện ở những tầng nấc khác nhau: Chính sách của Liên hiệp quốc, chính sách của một đảng, chính sách của Chính phủ, chính sách của chính quyền địa phương, chính
sách của một bộ, chính sách của một tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, chính sách của một doanh nghiệp…
Thomas R. Dye lại đưa ra một định nghĩa ngắn gọn về chính sách công, song định nghĩa này lại được nhiều học giả tán thành. Theo ông, "chính sách công là cái mà Chính phủ lựa chọn làm hay không làm". Ba mặt quan trọng của định nghĩa này là:
Thứ nhất, không giống như các định nghĩa khác, nó không bàn luận về "mục tiêu" hay "mục đích" của chính sách. Các chính sách là các chương trình hành động riêng biệt; việc áp dụng các chính sách không có nghĩa là tất cả những ai đồng tình với chính sách sẽ có cùng một mục đích như nhau. Trên thực tế, một số chính sách ra đời không phải vì sự nhất trí về mục tiêu, mà bởi vì nhiều nhóm người khác nhau đồng tình với chính sách đó với nhiều nguyên do khác nhau.
Thứ hai, định nghĩa của Dye thừa nhận rằng, các chính sách phản ánh sự lựa chọn làm hay không làm. Việc quyết định không làm có thể cũng quan trọng như việc quyết định làm. Điều này hoàn toàn hợp lý trong trường hợp Chính phủ ra quyết định không can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, một điểm được nhấn mạnh ở đây là các chính sách không chỉ là những đề xuất của Chính phủ về một vấn đề nào đó, mà cũng là cái được thực hiện trên thực tế. Nói cách khác, định nghĩa của Dye về những cái mà Chính phủ làm hoặc không làm, chứ không phải là cái mà họ muốn làm hoặc lập kế hoạch để làm.
Wiliam N. Dunn cho rằng "chính sách công là một kết hợp phức tạp những sự lựa chọn liên quan lẫn nhau, bao gồm cả các quyết định không hành động, do các cơ quan nhà nước hay các quan chức nhà nước đề ra". Ông dùng thuật ngữ "sự lựa chọn" – đây là điểm đáng lưu ý để tránh sự nhầm lẫn giữa chính sách với các khái niệm khác như quyết định hành chính.
B. Guy Peter đưa ra định nghĩa: "chính sách công là toàn bộ các hoạt động của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân". Định nghĩa này khẳng định chủ thể ban hành và thực thi chính sách công là Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh tác động của chính sách công đến đời sống của người dân với tư cách là một cộng đồng.
Từ điển bách khoa Việt Nam đã đưa ra khái niệm về chính sách như sau: "chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa…" [ 6;tr.475]. Định nghĩa này không làm rõ được thực chất của chính sách, chỉ đưa ra một cách hiểu chung chung là những chuẩn tắc để thực hiện đường lối, nhiệm vụ trong một thời gian nhất định và trên những lĩnh vực cụ thể. Định nghĩa như vậy không chỉ nói về chính sách, mà có thể hiểu là bất kỳ một kế hoạch, một hoạt động nào đó.
Cuốn Giáo trình Hoạch định và phân tích chính sách công của Học viện Hành chính Quốc gia do TS. Nguyễn Hữu Hải (chủ biên) đã xác định "chính sách công là những hành động ứng xử của Nhà nước với các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển" [8;tr.14]. Khái niệm này đã bao quát được các đặc trưng cơ bản của chính sách công, vừa thể hiện được bản chất của công cụ chính sách với tư cách là công cụ định hướng của nhà nước.
Tuy có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về chính sách công như đã nêu trên, song điều đó không có nghĩa là chính sách công mang những bản chất khác nhau. Thực ra, tùy theo quan niệm của mỗi tác giả mà các định nghĩa đưa ra nhấn mạnh vào đặc trưng này hay đặc trưng khác của chính sách công. Những đặc trưng này phản ánh chính sách công từ các góc độ khác
nhau, song chúng đều hàm chứa những nét đặc thù thể hiện bản chất của chính sách công, bao gồm:
Một là, chủ thể ban hành chính sách công là Nhà nước. Nếu chủ thể ban hành các "chính sách tư" có thể là các tổ chức tư nhân, các đoàn thể chính trị – xă hội, cũng như các cơ quan trong bộ máy nhà nước để điều tiết hoạt động trong phạm vi tổ chức, đoàn thể hay cơ quan riêng biệt đó thì chủ thể ban hành chính sách công chỉ có thể là các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vấn đề ở đây là các cơ quan trong bộ máy nhà nước vừa là chủ thể ban hành chính sách công, vừa là chủ thể ban hành "chính sách tư". Sự khác biệt là ở chỗ các "chính sách tư" do các cơ quan nhà nước ban hành là những chính sách chỉ nhằm giải quyết những vấn đề thuộc về nội bộ cơ quan đó, không có hiệu lực thi hành bên ngoài phạm vi cơ quan.
Hai là, các quyết định này là những quyết định hành động, có nghĩa là chúng bao gồm cả những hành vi thực tiễn. Chính sách công không chỉ thể hiện dự định của nhà hoạch định chính sách về một vấn đề nào đó, mà còn bao gồm những hành vi thực hiện các dự định nói trên. Chính sách công trước hết thể hiện dự định của các nhà hoạch định chính sách nhằm làm thay đổi hoặc duy trì một hiện trạng nào đó. Song, nếu chính sách chỉ là những dự định, dù được ghi thành văn bản thì nó vẫn chưa phải là một chính sách. Chính sách công cần phải bao gồm các hành vi thực hiện những dự định nói trên và đưa lại những kết quả thực tế.
Ba là, chính sách công tập trung giải quyết một vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế – xă hội theo những mục tiêu xác định. Chính sách công là một quá trình hành động nhằm giải quyết một vấn đề nhất định. Khác với các loại công cụ quản lý khác như chiến lược, kế hoạch của Nhà nước là những chương t nh hành động tổng quát bao quát một hoặc nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc điểm của chính sách công là chúng được đề ra và được thực hiện
nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề liên quan lẫn nhau đang đặt ra trong đời sống xã hội. Chính sách công chỉ xuất hiện trước khi đó đã tồn tại hoặc có nguy cơ chắc chắn xuất hiện một vấn đề cần giải quyết.
Bốn là, chính sách công gồm nhiều quyết định có liên quan lẫn nhau. Các quyết định này có thể bao gồm cả luật, các quyết định dưới luật, thậm chí cả những tư tưởng của các nhà lãnh đạo thể hiện trong lời nói và hành động của họ. Song, chính sách không đồng nghĩa với một đạo luật riêng biệt hay một văn bản nào đó. Chính sách là một chuỗi hay một loạt các quyết định cùng hướng vào việc giải quyết một vấn đề chính sách, do một hay nhiều cấp khác nhau trong bộ máy nhà nước ban hành và thực thi trong một thời gian dài. Một chính sách có thể được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật để tạo căn cứ pháp lý cho việc thực thi, song nó còn bao gồm những phương án hành động không mang tính bắt buộc, mà có tính định hướng, kích thích phát triển.
Tóm lại, chính sách công là tập hợp các quyết định quản lý do các chủ thể khác nhau trong bộ máy nhà nước ban hành để giải quyết các vấn đề công nhằm thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng.
Từ khái niệm phát triển du lịch và khái niệm chính sách công đã trình bày ở trên, theo tác giả, chính sách phát triển du lịch là hệ thống các chính sách do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, vừa đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch vừa tạo ra khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai.