III. KHÁI QUÁT SỰ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG (1986 2011)
3) Đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6-1996)
a) Nội dung đường lối
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6-1996) họp khi nhân loại đang bước vào những năm cuối thế kỷ XX. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.
Dự Đại hội có 1.176 đại biểu tham gia thay mặt cho 2,1 triệu đảng viên trên cả nước. Đại hội đánh giá nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng và tiếp tục bầu đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư Đảng.
Báo cáo chính trị của Đại hội khẳng định tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc. Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2000 tăng gấp đôi tổng sản phẩm bình quân đầu người so với năm 1990. Đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Báo cáo chính trị tại Đại hội khẳng định tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và giải quyết một số vấn đề xã hội. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng cơ chế cụ thể, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng. Tăng cường quốc phòng và an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Đảng tiếp tục đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đánh dấu bước ngoặt đất nước chuyển sang thời kỳ “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh“. Tháng 12-1997, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, khoá VIII bầu đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư Đảng.
b) Kết quả thực hiện
Qua 5 năm 1996-2001, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm GDP năm 2000 tăng hơn gấp đôi so với năm 1990. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất tăng hơn nhiều. Văn hoá, xã hội có những tiến bộ; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, quốc phòng và an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại không ngừng mở rộng.
Yếu kém là nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, sức cạnh tranh thấp. Chỉ tiêu tăng trư- ởng kinh tế bình quân 5 năm (1996-2000) mà Đại hội VIII đề ra là 9 đến 10% đã không đạt. Một số vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc và gay gắt chậm giải quyết. Cơ chế, chính sách không đồng bộ, chưa tạo động lực mạnh để phát triển. Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng.