3. LIÊN HỆ THỰC TIỄN CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ
3.1. Sự hình thành và phát triển của bệnh viện Tâm Thần Thái Nguyên:
Bệnh viện Tâm Thần Thái nguyên được thành lập theo quyết định số 123/QĐ- UBND ngày 24 tháng 7 năm 1992 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Thái về việc thành lập bệnh viện Tâm Thần trực thuộc Sở Y tế Bắc Thái, nay là Sở Y tế Thái Nguyên.
Bệnh viện Tâm Thần Thái Nguyên là bệnh viện chuyên khoa hạng II có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, cùng với Trạm Tâm thần thực hiện công tác chỉ đạo tuyến cũng như thực hiện chương trình mục tiêu “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng”, mạng lưới CSSKTT được kiện toàn xuống đến tận xã, phường, thực hiện quản lý và điều trị cho trên 9.000 người bệnh
tâm thần tại 180 xã, phường, trong đó gần 6.000 là người bệnh TTPL, còn lại là người bệnh động kinh.
Trải qua 26 năm xây dựng và trưởng thành, vận động và phát triển không ngừng với quy mô ngày càng được mở rộng. Bộ máy lãnh đạo, tổ chức bệnh viện kiện toàn hoàn chỉnh với 11 khoa, phòng (05 phòng chức năng: Phòng kế hoạch tổng hợp, phòng Tổ chức cán bộ, phòng Hành chính Quản trị, phòng Tài chính Kế toán, phòng Điều Dưỡng; 06 khoa: Khoa khám bệnh, khoa Nam, khoa Nữ, khoa Trẻ em – Bảo hiểm y tế, khoa Cận Lâm sàng và khoa Dược) và Trạm Tâm thần Thái Nguyên.
Bệnh viện được giao chỉ tiêu 150 giường bệnh với 100 cán bộ viên chức lao động. Trong đó có 18 bác sỹ (1 bác sỹ chuyên khoa II, 8 bác sỹ chuyên khoa I, 8 bác sỹ định hướng, 1 bác sỹ), 5 y sỹ, có 44 điều dưỡng trong đó (16 CN, 09 CĐ và 19 TC), có 3 dược sỹ đại học, 3 dược sỹ TC và 27 các cán bộ khác.
Đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế khuyến khích được đào tạo chuyên sâu. Tiếp thu chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao nâng cao chất lượng hoạt động y tế. Bệnh viện đã xây dựng quy trình khám bệnh hiệu quả thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tin học hóa trong công tác quản lý bệnh viện nâng cao, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện rõ rệt, phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Các trang thiết bị, máy móc từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, nay đã từng bước được đầu tư tiên tiến, hiện đại như: máy X quang, máy Doppler xuyên sọ, siêu âm ổ bụng, điện não, điện tim, máy sinh hóa tự động…. Nhiều kỹ thuật mũi nhọn đã và đang được triển khai tại bệnh viện đã khẳng định ưu thế trong điều trị bệnh tâm thần và định hướng phát triển thành bệnh viện trung tâm vùng chuyên ngành tâm thần.
Hàng năm, số người mắc các rối loạn tâm thần được đưa vào điều trị nội trú tại bệnh viện Tâm Thần Thái Nguyên khoảng từ 1500- 1800 lượt người bệnh.
3.2.Thực trạng công tác chăm sóc và quản lý người bệnh TTPL tại bệnh viện Tâm Thần Thái Nguyên:
Công tác điều dưỡng là một trong những công tác quan trọng của bệnh viện. Việc kết hợp giữa điều trị với chăm sóc phục vụ người bệnh là điều hết sức cần thiết góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Ban lãnh đạo bệnh viện hết sức quan tâm đến nhu cầu chăm
sóc toàn diện cho người bệnh, đã chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thông tư 07/2011/TT-BYT về chăm sóc người bệnh toàn diện theo mô hình phân công theo nhóm.
3.2.1.Quy trình tổ chức khám, điều trị và chăm sóc, quản lý người bệnh TTPL
Người bệnh được gia đình đưa đến khoa khám bệnh của bệnh viện.
Bước 1: Tại khoa khám bệnh
- Bộ phận chăm sóc khách hàng :
+ Chủ động chào hỏi, tiếp đón người bệnh và gia đình người bệnh. Quan sát và nhận định nhanh tình trạng người bệnh khẩn trương phân loại sơ bộ tình trạng sức khỏe của người bệnh có thái độ ưu tiên giải quyết xử lý đúng mức những trường hợp cấp cứu hoặc bệnh nặng, trường hợp người bệnh kích động gọi điện thông báo cho khoa nhận người bệnh được biết trước để chuẩn bị điều kiện phục vụ.
+ Hướng dẫn cho người bệnh những thủ tục cần thiết để được khám bệnh.: Chỉ dẫn hoặc đưa người bệnh, người nhà người bệnh đến phòng làm thủ tục nộp viện phí, đưa người bệnh làm các xét nghiệm cận lâm sàng.
- Bác sĩ khoa khám bệnh: Khám cho người bệnh, chỉ định làm các xét nghiệm cần
thiết phục vụ chẩn đoán, hoàn thành phiếu vào viện và chỉ định người bệnh vào khoa điều trị nội trú tùy thuộc vào lứa tuổi, giới tính, tình trạng bệnh sao cho phù hợp.
- Điều dưỡng khoa khám bệnh:
+ Kiểm tra lại bệnh án, các kết quả xét nghiệm và phiếu vào viện theo qui định. + Chuyển người bệnh vào khoa điều trị bằng các phương tiện phù hợp.
+ Bàn giao người bệnh và hồ sơ nhập viện cho điều dưỡng trưởng hoặc điều dưỡng của khoa.
Bước 2:Tại khoa điều trị
- Tiếp đón người bệnh, đưa người bệnh đến giường bệnh.
- Hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện nội quy của bệnh viện, sử dụng các phương tiện buồng bệnh của khoa như nơi vệ sinh, tắm giặt, ăn uống và lịch khám bệnh, giờ vào thăm cũng như sinh hoạt…
- Hướng dẫn người bệnh thay quần áo mặc quần áo bệnh viện, loại bỏ những vật dụng nguy hại đến tính mạng người bệnh như: dao, kéo, dây, vật sắc nhọn…trong buồng
bệnh tránh người bệnh thực hiện các hành vi nguy hiểm như tấn công hoặc tự sát, giao lại toàn bộ đồ dùng không cần thiết cho người nhà.
- Đo các dấu hiệu sinh tồn và ghi kết quả theo dõi vào phiếu theo dõi.
- Điều dưỡng nhận định tình trạng người bệnh: Người điều dưỡng sau khi lượng giá và nhận định cần phải phân tích các dữ liệu đánh giá người bệnh TTPL để xác lập các vấn đề ưu tiên và thiết lập một kế hoạch chăm sóc chi tiết cụ thể.
- Sau khi bác sỹ thăm khám và cho y lệnh, điều dưỡng phải thực hiện ngay các y lệnh về điều trị của bác sỹ và ghi các thông số vào phiếu theo dõi, phiếu chăm sóc (ghi theo giờ chỉ định của bác sỹ và khi có diễn biến bất thường).
- Hàng ngày người bệnh được điều dưỡng đánh giá diễn biến bệnh, tiến triển của bệnh có xu hướng tốt không để xây dựng kế hoạch chăm sóc phù hợp đối với từng người bệnh.
* Đối với người bệnh chăm sóc cấp I:
- Thực hiện ngay các y lệnh của bác sỹ cho người bệnh tại giường.
- Theo dõi sát (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở…) và toàn trạng (sắc mặt và trạng thái tinh thần) người bệnh theo chỉ định của bác sỹ.
- Phát hiện những diễn biến bất thường, các diễn biến khi dùng thuốc và báo cáo để bác sỹ sử lý kịp thời.
- Ghi đầy đủ, chính xác, các diễn biến và những nội dung chăm sóc vào phiếu theo dõi và phiếu chăm sóc và sổ chăm sóc người bệnh nặng.
- Chăm sóc người bệnh hoàn toàn về ăn, uống, vệ sinh, vận động, thay đổi tư thế…
- Động viên người nhà yên tâm và cùng phối hợp chăm sóc.
* Đối với người bệnh chăm sóc cấp II:
- Thực hiện đầy đủ các y lệnh của bác sỹ. Người bệnh được dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ (uống thuốc hay tiêm, truyền dịch…).
+ Điều dưỡng tiêm cho người bệnh tại giường hoặc tại buồng tiêm. (điều dưỡng phải kiểm tra dấu hiệu sinh tồn trước và sau khi tiêm).
+ Người bệnh được uống thuốc tại giường và cung cấp đầy đủ nước uống thuốc. + Người bệnh có chỉ định truyền dịch thì điều dưỡng kiểm tra dấu hiệu sinh tồn trước, trong và sau khi truyền, theo dõi sát tình trạng người bệnh trong quá trình truyền.
- Theo dõi các chỉ số sinh tồn và toàn trạng theo y lệnh của bác sỹ và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường cho bác sĩ để xử trí.
- Ghi vào phiếu theo dõi, phiếu chăm sóc đầy đủ diễn biến của người bệnh. - Điều dưỡng hướng dẫn và trực tiếp đưa người bệnh đi làm các xét nghiệm cơ bản, các kỹ thuật cận lâm sàng, phục hồi chức năng (PHCN), khám chuyên khoa, chuyển khoa, chuyển viện ...
- Người bệnh ăn cơm tại nhà ăn theo giờ ăn của bệnh viện. (một số người bệnh có bệnh lý kèm theo thì được nhà ăn cung cấp theo thực đơn do tổ dinh dưỡng cung cấp).Trừ một số trường hợp người bệnh nặng hoặc chống đối không ăn thì điều dưỡng xuống nhà ăn lấy cơm, cháo, sữa, súp… về bón cho người bệnh ăn hoặc thực hiện cho người bệnh ăn qua sonde tùy tình trạng người bệnh.
- Điều dưỡng đôn đốc, hướng dẫn, hay hỗ trợ giúp đỡ người bệnh trong việc ăn, uống, vệ sinh, vận động, Giáo dục sức khỏe (GDSK), PHCN…
* Đối với người bệnh chăm sóc cấp III:
- Thực hiện đúng các y lệnh điều trị . Người bệnh được dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ uống thuốc hay tiêm thuốc theo giờ. Người bệnh được tiêm thuốc tại buồng tiêm và uống thuốc tại giường và được cung cấp đầy đủ nước uống thuốc.
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và ghi vào phiếu theo dõi theo y lệnh của bác sỹ ghi phiếu chăm sóc tối thiểu ngày/1lần và khi có diễn biến bất thường.
- Theo dõi và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường của người bệnh cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
- Điều dưỡng hướng dẫn và trực tiếp đưa người bệnh đi làm các xét nghiệm cơ bản, các kỹ thuật cận lâm sàng, PHCN, khám chuyên khoa, chuyển khoa, chuyển viện ...
- Người bệnh được khoa điều trị quản lý sát không để cho người bệnh ra ngoài mà không có người quản lý giám sát.( Hàng ngày điều dưỡng trưởng khoa có trách nhiệm phân công người quản lý chăm sóc người bệnh. Mỗi khoa lâm sàng phải có sổ theo dõi quản lý người bệnh ra vào khoa. Người bệnh muốn ra ngoài khoa phải có người nhà và được sự đồng ý của bác sĩ, người quản lý, phải được ghi và ký vào sổ, ghi rõ quan hệ với người bệnh, thời gian ra và quay trở lại, Nếu quá thời gian cho ra ngoài mà người bệnh không trở lại thì phải báo cáo lãnh đạo và tổ chức đi tìm).
- Người bệnh ăn cơm tại nhà ăn theo giờ ăn của bệnh viện. (một số người bệnh có bệnh lý kèm theo thì được nhà ăn cung cấp theo thực đơn do tổ dinh dưỡng cung cấp).
- Điều dưỡng đôn đốc, khuyến khích để người bệnh tự tham gia vệ sinh hàng ngày. Bên cạnh đó, điều dưỡng cần hướng dẫn tỷ mỷ và kiên nhẫn, khích lệ họ để họ cảm thấy vui và tích cực tham gia.
- Hướng dẫn người bệnh thực hiện các liệu pháp như lao động liệu pháp, tập thể dục, tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi giải trí (Nghe nhạc, xem ti vi, tham gia văn nghệ, chơi cầu lông, bóng truyền hơi …) tại khoa nếu người bệnh có thể đáp ứng được sức khỏe.
- Một số người bệnh trong giai đoạn ổn định thì được đưa sang buồng PHCN để PHCN cho người bệnh.
- Tư vấn – GDSK cho người bệnh và người nhà người bệnh qua các kênh chăm sóc hàng ngày và lồng ghép qua các buổi họp Hội đồng người bệnh (người nhà người bệnh) cấp khoa, cấp bệnh viện.
Bước 3:
Người bệnh được điều trị ổn định, bác sỹ cho người bệnh ra viện hoặc gia đình xin cho người bệnh ra viện thì khoa làm thủ tục giải quyết cho người bệnh ra viện và chuyển trạm tâm thần theo dõi, quản lý và điều trị tiếp.