Các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể biểu trưng về cái xấu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong ca dao người việt (Trang 66 - 71)

7. Bố cục của luận văn

3.2.2. Các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể biểu trưng về cái xấu

Ca dao có chứa bộ phận cơ thể người không chỉ thể hiện vẻ đẹp của con người mà còn dùng đó để phản ảnh những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội mà con người thời kì nào cũng gặp phải. Cái đẹp và cái xấu luôn song hành với nhau,mỗi bản thể con người không ai là hoàn hảo. Chính vì thế, các tác giả dân gian đã đưa ra những câu ca dao để nói lên quan điểm, ý kiến của mình về những khiếm khuyết, những mặt chưa tốt của con người mà từ đó làm kinh nghiệm, vốn sống để con người hoàn thiện bản thân.

Các tác giả dân gian đã dùng một số từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể để biểu thị những mặt xấu của con người ca dao người Việt. Cụ thể như:

a. Biểu trưng cho cái xấu về mặt hình thức.

Hình thức là cái thể hiện rõ ở bên ngoài, để miêu tả cái xấu của con người về mặt hình thức thì ca dao đã thể hiện bằng một số hình ảnh rất cụ thể. Đối tượng được đề cập đến trong những câu ca dao có thể là đàn ông, phụ nữ, hay là một giai cấp người nào đó trong xã hội.

Trong ca dao, các từ chỉ bộ phận cơ thể ngoài việc biểu hiện cái đẹp về mặt hình thức của phụ nữ thì chúng còn được dụng để nói đến cái xấu về mặt hình thức.

Chẳng hạn như:

Cá lên khỏi nước cá khô Làm thân con gái lõa lồ ai khen.

Nói đến hình ảnh người con gái Việt Nam, ta nghĩ ngay đến hình tượng duyên dáng thướt tha trong tà áo dài mềm mại, trong chiếc áo tứ thân của các bà, các mẹ, các chị tạo nên nét đẹp kín đáo đầy truyền thống. Thế nhưng, người phụ nữ ở đây lại trái ngược hoàn toàn, chính hình thức bên ngoài đã quyết định nên tính cách, phẩm chất của một con người. Tác giả dân gian sử dụng cụm từ “thân con gái lõa lồ” để thể hiện điều đó, đồng thời còn mang tính châm biếm sâu sắc.

Hay

Cô kia cứ hát ghẹo trai

Cái mồm méo xệch như quai chèo đò.

Nét tính cách thể hiện rõ thông qua điểm xấu của bộ phận cơ thể “ mồm méo xệch” trái ngược với phong cách của người phụ nữ truyền thống nết na “ Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”.

Cái xấu họ còn được miêu tả thông qua sự trau chuốt thái quá đối với những bộ phận cơ thể:

Cô kia má phấn môi son

Nắng dầu mưa dãi, càng dầu càng ưa Cô kia mặt trẽn mày trơ

Vàng đeo bạc quấn cũng đeo dáng đời.

Vẻ đẹp đôi má thể hiện cho sự nữ tính của người phụ nữ, nhưng có khi được đưa ra với những hình ảnh không mấy phần đẹp đẽ:

Cô kia má tựa hòn than

Nằm đâu ngủ đấy lại toan chê chồng.

Hoặc:

Cô kia đen thủi đen thui

Phấn đánh vô hồi đen vẫn hoàn đen.

người đàn ông thì ca dao đã có một số câu miêu tả về hình dáng của họ như:

Anh là con cái nhà ai Cái đầu bờm xợp cái tai vật vờ

Cơm no rồi lại ngồi bờ

Con chó tưởng chuột nó vồ mất tai.

Hay

Chồng em vừa xấu vừa đen Vừa kém nhan sắc vừa hèn chân đi

Chồng em rổ sứt rổ si

Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên.

Hình thức bên ngoài người đàn ông được hiện lên đầy đủ với các tính từ như: bờm xợp, vật vờ dùng để chỉ bộ phận cơ thể : đầu, tai ...Câu ca dao mỉa mai sự lôi thôi, lếch thếch đến mức thiếu sự lịch sự tối thiểu của một con người.

Cũng với các cụm từ: vừa xấu, vừa đen, vừa hèn chân đi, rổ sứt , rổ si…đã miêu tả người đàn ông, họ không chỉ xấu về dáng đi mà ngay cả các chi tiết trên khuôn mặt cũng không có gì gọi là sáng sủa.

b. Biểu trưng cho cái xấu của con người về mặt nội dung.

Theo quan niệm của ông cha ta “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vẻ đẹp hình thức bên ngoài không bao giờ quyết định được nhân cách của một con người, ấy chính là phần nội dung sâu thẳm trong mỗi con người. Nói về cái xấu cũng vậy, trong ca dao, các từ chỉ bộ phận cơ thể không chỉ miêu tả cái xấu về mặt hình thức mà còn miêu tả cái xấu về mặt nội dung. Cụ thể như:

Cái xấu của người phụ nữ bộc lộ qua rất nhiều mặt:

Đôi khi đó chính là sự thiếu ý tứ trong nét sinh hoạt đời sống thường ngày, đã là người phụ nữ phải mang trong mình nét duyên dáng, thùy mị, nết na:

Làm thân con gái chẳng lo Ngủ trưa đứng buổi, dậy đo mặt trời

Quần áo thì rách tả tơi

Lấy rơm mà túm, mỗi nơi một đùm.

Hay:

Con gái hút thuốc ăn trầu Ngồi lê dụm miệng tìm câu nói hành.

Với các cụm từ: ngủ trưa đứng buổi, rách tả tơi, túm, đùm…đã miêu tả sự thiếu ý tứ trong con người họ.

Cái xấu ấy còn được hiện lên ở sự thiếu chung thủy trong đời sống vợ chồng:

Ngồi buồn vuốt bụng thở dài Nhớ chồng thì ít, nhớ trai thì nhiều.

Hay

Quét nhà lông mốt lông hai

Chân đi trong ngõ, liếc trai ngoài đường

Thân em như cái bông quỳ

Ngó thì tốt dạng, ngửi vào không thơm.

Tuy mang vẻ đẹp về hình thức bên ngoài thế nhưng hình ảnh cô gái trong câu hai ca dao hiện lên không mấy phần tốt đẹp. Làm việc thì đểnh đoảng nhưng lại có tính lẳng lơ.

Với người đàn ông, cái xấu về phần nội dung cũng không kém, và thói nghiện ngập, ăn chơi lêu lổng, vũ phu là một trong những nét xấu ấy:

Lấy chồng gặp phải kẻ tồi Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay

Khi nay thuốc phiện, khi mai tài bàn Nói ra mang tiếng phũ phàng Nín đi thì não can tràng xiết bao!

Cũng là phận gái má đào

Người thì gặp được anh hào đảm đang Mình thì cũng dự phấn hương

Gặp nơi lêu lổng, chẳng thương chút nào!

Nếu như nói sự thiếu chung thuỷ trong cuộc sống vợ chồng của người phụ nữ thì người đàn ông ở đây cũng góp phần không kém, thậm chí là nhiều hơn:

Nào khi anh ốm anh đau

Tay bưng chén thuốc vã đầu cho anh Bây giờ anh mạnh anh lành Anh tham chốn khác anh đành bỏ em.

Cuộc sống vợ chồng, tối lửa tắt đèn có nhau, khi gặp sóng gió, cơ hàn vẫn bên cạnh không rời, ấy mới là tính cảm sắt son. Người đàn ông, người chồng trong câu ca dao, lại tham phú phụ bần, vứt bỏ hết những khó khăn lúc trước cùng trải qua để tìm đến một bến bờ mới.

Cái xấu còn được thể hiện ở tính ăn chơi:

Thôi thôi tôi biết anh rồi Anh hút thuốc phiện cái môi thâm sì.

Đặc biệt, còn có trường hợp so sánh ngầm hình ảnh của con vật để thấy rõ nét tính cách của nhân vật:

Thôi thôi tôi biết anh rồi Anh đi bốn cẳng, anh ngồi chực ăn.

Lấy hình ảnh cụ thể của loài chó để so sánh nhằm làm nỏi bật hình ảnh của một người đàn ông rõ ràng sức vóc cao to nhưng chỉ biết ăn không ngồi

rồi, không chịu làm lụng.

Từ đó cho ta ta thấy, trong ca dao các tác giả dân gian đã sử dụng các từ chỉ bộ phận cơ thể người để nêu không chỉ vẻ đẹp hình thức, vẻ đẹp nội dung mà còn thể hiện rất rõ quan niệm, cách nhìn nhận về những thói hư tật xấu của con người. Bên cạnh cái đẹp thì vẫn luôn ẩn chứa những nhược điểm của con người cần khắc phục. Ở đây ca dao như tiếng nói vừa ca ngợi vừa bày tỏ tất cả những gì vốn tồn tại trong bản thân mỗi con người để rồi từ đó người tiếp nhận sẽ tự chắt lọc, tự lựa chọn sao cho phù hợp với cuộc sống hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong ca dao người việt (Trang 66 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)