Tính biểu trưng của ca dao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong ca dao người việt (Trang 60 - 63)

7. Bố cục của luận văn

3.1. Tính biểu trưng của ca dao

Biểu trưng hay còn được gọi là biểu tượng (trong tiếng Anh gọi là

symbol, nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là symbolon). Thuật ngữ này được sử dụng trong nhiều ngành khoa học khác nhau như tâm lí học, triết học, văn hóa học, ngôn ngữ học.

Dưới góc độ của từng chuyên ngành, thuật ngữ biểu tượng, biểu trưng đều có những định nghĩa khác nhau. Ở góc độ tâm lí học : “Biểu tượng là là hiện tượng tâm sinh lí do một số sự việc ở ngoại giới tác động vào giác quan khiến ý thức nhận biết vật được kích thích hoặc thấy hình ảnh của nó trở lại trí tuệ hay kí ức” [4; tr.67].

Trong từ điển triết học của các nhà triết học Liên Xô thì biểu tượng có nghĩa : “Hình ảnh cụ thể về những hiện tượng thế giới bên ngoài. Biểu tượng cùng với cảm giác và tri giác tạo nên nhận thức ảm tính, hay theo thuật ngữ của Paplop, tạo nên hệ thống tín hiệu thứ nhất của hiện thực” [17, tr.66]

Dưới góc độ văn hóa học, thuật ngữ biểu tượng đã được khái quát trong cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”: “… biểu tượng là một vật được cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại. Hia người mỗi bên giữ một phần, chủ và khách, người cho vay và người đi vay, hai kẻ hành hương, hai người sắp chia tay lâu dài,… Sau này, ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối thâm tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước. Ở Hy Lạp, biểu tượng còn là dấu hiệu để cha mẹ nhận ra con cái bị lưu lạc. Bằng lối loại suy, từ được mở rộng nghĩa, chỉ các tấm thẻ, cầm chúng thì có thể lĩnh lương, phụ cấp hay

thực phẩm; chỉ mọi dấu hiệu tập hợp, các điểm triệu hay các quy ước. Biểu tượng chia ra và kết hợp lại với nhau, nó chứa hai ý tưởng phân li và tái hợp; nó gợi lên ý một cộng đồng, đã bị chia cắt và có thể tái hình thành. Mọi biểu tượng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ; ý nghĩa của biểu tượng được bộc lộ ra trong cái vừa là gãy vỡ vừa là nối kết những phần của nó đã bị vỡ ra”

[ 4, tr.23].

Dưới góc độ văn học nói chung và chuyên ngành ngôn ngữ học nói riêng cũng có nhiều định nghĩa về thuật ngữ này. Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” có viết : “Biểu tượng còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp… trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật”…. nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chức năng của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật có khả năng truyền cảm lớn… và biểu tượng còn là một phương thức chức năng của lời nói, biểu có quan hệ gần gũi với ẩn dụ và hoán dụ”. [30, tr.24].

Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học”, Diệp Quang Ban cho rằng mỗi kí hiệu đều mang một ý nghĩa thuần túy võ đoán hoặc mang tính quy ước, mà từ chính là kí hiệu của ngôn ngữ .Mỗi từ ngữ đều đại diện cho một hình ảnh mang ý nghĩa riêng biệt, bởi nó phản ánh sự vật, sự việc vào trong các văn bản. Đỗ Hữu Châu khi bàn về đặc trưng của biểu tượng thì ông đặt nó trong tính nghệ thuật – biểu tượng nghệ thuật. Mục đích của ngôn ngữ chính là phản ánh đời sống hiện thực và mang giá trị thẩm mĩ. Khi đi vào một tác phẩm nghệ thuật, ngôn từ không đơn thuần phản ảnh thực tại nữa mà mang trong mình một nội dung ý nghĩa khái quát, vượt ra khỏi phạm vi ngữ nghĩa thông thường thì đó được gọi là ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật. Việc đi vào tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của từ ngữ chính là đang đào sâu, tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của chính sự vật, hiện tượng được từ ngữ gọi tên.

sống ngôn ngữ văn học. Biểu trưng gồm hai mặt là cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái biểu đạt chính là ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, sự vật nào đó hay ta gọi là cái cụ thể thông qua trí óc con người làm hiện lên một ý nghĩa trừu tượng, đó chính là cái được biểu đạt. Hai mặt này kết hợp theo sự liên tưởng và tính ước lệ thể hiện một giá trị thẩm mỹ, đời sống tình cảm của con người. Một mặt biểu trưng có sự liên kết chặt chẽ với cấu trúc nghĩa của từ, với các hiện tượng khách quan mà ngôn từ thể hiện, mặt khác nó còn mang tính tượng trưng, biểu đạt về một giá trị mang tính trừu tượng, muốn cảm nhận được phải có óc suy nghĩ, tư duy. Từ đó, ta có thể thấy quá trình tạo nên nghĩa biểu trưng sẽ đi từ cái cụ thể cho đến cái trừu tượng, từ nghĩa gốc sang nghĩa chuyển hay từ nghĩa đen sang nghĩa bóng. Đặc biệt, biểu trưng, biểu tượng còn mang tính dân tộc, tính phổ quát cho toàn nhân loại vì bao giờ nó cũng gắn liền với một không gian văn hóa, không gian lịch sử nhất định nên khi đi vào tìm ý nghĩa biểu trưng ta cần phải xem xét đến yếu tố ngữ cảnh.

Nói một cách đơn giản biểu trưng là dùng cái A để nói cái B. Tất nhiên, nó không hình thành trong vô thức mà phải dựa trên nhiều cơ sở để lí giải và phương thức lí giải chủ chốt đó chính là biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ và biện pháp so sánh. Biểu trưng nghệ thuật sẽ chi phối trực tiếp đến các thành tố thi pháp ca dao như ngôn ngữ, đề tài, chủ đề, kết cấu, nhân vật trữ tình,... góp phần tổ chức các yếu tố nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm.

Biểu trưng nghệ thuật trong ca dao được xây dựng bằng ngôn từ với những quy ước của cộng đồng về một ý niệm tượng trưng, luôn bị chi phối bởi môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Biểu trưng không chỉ đơn thuần thay thế cái được biểu hiện mà còn chủ yếu tượng trưng cho những ý nghĩ, quan niệm, tư tưởng, tình cảm,… của con người. Hệ thống biểu trưng ca dao sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc, toàn diện các mặt trong đời sống, xã hội hơn bởi có thể nói biểu trưng là nơi kết tụ đầy đủ nhất những giá trị văn hóa

truyền thống của mỗi vùng miền, dân tộc. Biểu trưng được hình thành dựa trên mối quan hệ chủ quan của con người với hiện thực cuộc sống khách quan, thuộc về bình diện tinh thần. Bằng kinh nghiệm, óc suy nghĩ, liên tưởng, các tác giả dân gian đã hiện thực hóa chúng và đưa vào trong ca dao. Trong ca dao, có hai loại biểu tượng mang tính biểu trưng thường gặp là biểu tượng đơn và biểu tượng đôi.

Biểu tượng đơn chỉ bao gồm một sự vật, một hình ảnh mang tính biểu trưng. Ví dụ như: “con trâu” biểu trưng cho cơ nghiệp của người nông dân, “con cò” biểu trưng cho hình ảnh người nông dân hay người phụ nữ lam lũ, vất vả,….

Biểu tượng đôi còn được gọi là biểu tượng sóng đôi gồm cặp đôi hai hình ảnh. Những biểu tượng sóng đôi thường gặp như: “răng – tóc” biểu trưng cho phẩm chất của con người, “thuyền - bến” biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, “gừng cay - muối mặn” biểu trưng cho sự mặn nồng của tình yêu lứa đôi, …

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong ca dao người việt (Trang 60 - 63)