Nam trong quá trình hội nhập kinh tế và giải quyết những vấn đề toàn cầu
Tham gia vào những vấn đề mang tính toàn cầu là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa các nước. Các nước phải hợp tác với nhau trong quá trình định ra các thể
chế, các nguyên tắc trong quan hệ để giải quyết các vấn đề chung và cam kết thực hiện, tuân thủ đúng những gì đã cam kết. Tuy nhiên, do lợi ích của các nước, các nhóm nước, các nhóm xã hội trong một nước là không giống nhau; do vậy, việc thực hiện cam kết đó không chỉ đơn thuần là hợp tác mà còn là sự đấu tranh, nhiều khi không kém phần quyết liệt. Trên bình diện quốc tế, cuộc đối đầu trên lĩnh vực tự do hoá thương mại giữa hai phe, các nước tư bản phát triển G7 và các nước đang phát triển G77 (trong đó có Việt Nam), đang diễn ra rất phức tạp. Các nước G7 do lợi thế cạnh tranh nắm chủ yếu nguồn vốn và khoa học - công nghệ hiện đại muốn đẩy nhanh quá trình tự do hoá thương mại và mở rộng thị trường quốc tế, còn các nước G77 do trình độ phát triển kinh tế còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, muốn duy trì một mức độ bảo hộ nhất định ở trong nước, muốn có nhiều hơn những ưu đãi về thị trường và thuế quan ở các nước phát triển, vì thế họ ủng hộ tự do hoá từ từ, có điều kiện. Cuộc đấu tranh này không chỉ đơn thuần là sự cạnh tranh về kinh tế mà thật sự đã trở thành một cuộc đấu tranh chính trị của các nước đang phát triển nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới công bằng, bình đẳng hơn cho các nước nghèo. Việt Nam tham gia cuộc đấu tranh này trong điều kiện chúng ta còn nhiều khó khăn. Để bảo vệ lợi ích của Việt Nam khi gia nhập quốc tế và khu vực, chúng ta phải
nâng cao năng lực đấu tranh, tính thuyết phục trên các diễn đàn quốc tế, kịp thời nhạy bén nắm bắt tình hình xử lý mau lẹ phù hợp.
Do nền kinh tế chậm phát triển, điểm xuất phát thấp, mặc dù chúng ta có lợi thế về lao động nhưng lại hạn chế về trình độ kỹ năng lao động, vì vậy Việt Nam gia nhập vào hệ thống phân công lao động quốc tế sẽ gặp phải nhiều bất cập. Khó khăn này thể hiện ở chỗ năng lực tiếp nhận công nghệ mới thấp, chưa phát huy được lợi thế của người đi sau trong việc tiếp nhận các nguồn lực từ bên ngoài để cải tạo nhanh chóng cơ cấu kinh tế lạc hậu.
Sức cạnh tranh quốc tế ở Việt Nam còn thấp, một mặt do điểm xuất phát thấp, tư duy kinh tế, am hiểu thị trường chưa theo kịp sự phát triển kinh tế thị trường, trình độ công nghệ còn lạc hậu…mặt khác do tự do hoá thương mại quốc tế ngày càng mở rộng nên tính chất cạnh tranh cũng ngày càng quyết liệt với những đối thủ mạnh hơn ta nhiều về thực lực và trình độ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều quốc gia có trình độ và cơ cấu sản phẩm như của chúng ta tham gia vào thị trường quốc tế, do vậy, Việt nam không chỉ phải cạnh tranh với các nước phát triển mà còn phải cạnh tranh với những nước đang phát triển nữa, không chỉ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài mà còn phải cạnh tranh thị trường trong nước. Tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế và
của từng doanh nghiệp là lối thoát duy nhất cho sự phát triển kinh tế nước ta.
Dưới áp lực của các thể chế trong quan hệ quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia, chúng ta sẽ phải tiến hành điều chỉnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế, phải tiến hành sửa chữa bổ sung hệ thống luật pháp và các quy định liên quan đến chính sách thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các thủ tục tài chính, một số chính sách xã hội…phù hợp với quy định chung của các thể chế mà Việt Nam cam kết tham gia. Những điều chỉnh như vậy thực sự là những cải cách lớn, song nó cũng là thách thức thời gian đối với Việt Nam. Việc điều chỉnh đó sao cho thoả mãn được yêu cầu đặt ra trong quan hệ quốc tế, đồng thời đáp ứng sự phát triển kinh tế đất nước.
Tham gia ngày càng sâu vào thị trường thế giới tất yếu sẽ dẫn đến dịch chuyển cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư, cơ cấu ngành nghề, tăng thêm sự bất ổn do những thất bại, phá sản trong cạnh tranh quốc tế. Một bộ phận dân cư vì thế sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình toàn cầu hoá kinh tế, ngược lại một bộ phận khác sẽ bị thiệt thòi - tăng lên khoảng cách của chênh lệch giàu nghèo là điều khó tránh khỏi, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của cả Nhà nước và nhân dân để giải quyết công bằng xã hội. Tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao
động chuyên môn kỹ thuật cũng đang là thách thức đối với Việt Nam trong việc giải quyết tận gốc nạn thất nghiệp và bán thất nghiệp trong quá trình hội nhập.
Cùng với mở của thị trường, giao lưu kinh tế, bùng nổ thông tin, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, các sản phẩm văn hoá đồi trụy có thể du nhập vào nước ta, phá hoại đạo đức, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc. Lợi dụng tình hình đó các thế lực thù địch trong và ngoài nước có thêm nhiều cơ hội để thực hiện “diễn biến hoà bình”, trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá đối với nước ta.
Cùng với việc tăng lên của các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu cũng có điều kiện xâm nhập và huỷ hoại môi trường sống của Việt Nam như nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn bán sử dụng ma tuý, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, SARS, tệ buôn lậu qua biên giới và nhiều lề thói đồi bại khác vốn xuất phát từ một vài nơi nào đó trên thế giới mà lan tràn ra phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Toàn cầu hoá kinh tế và sự xuất hiện những vấn đề mang tính toàn cầu là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia; xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập kinh tề xuyên quốc gia toàn cầu hoá kinh tế và sự xuất hiện những vấn đề mang tính toàn cầu là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều
nước tham gia; xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập kinh tề xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Quá trình này đem đến cho Việt Nam những cơ hội thuận lợi lớn đồng thời cũng đứng trước những khó khăn thách thức nghiêm trọng trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh. Do vậy, hội nhập như thế nào để thu được nhiều lợi ích nhất, hạn chế được những tác động tiêu cực của nó, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược và sách lược đúng đắn, xác định hướng đi, bước đi và những giải pháp phù hợp với trình độ phát triển, năng lực của nền kinh tế và những điều kiện chính trị - xã hội cụ thể của Việt Nam.