6. Cấu trúc của luận văn
1.4 Vị trí của Trần Quang Nghiệp trong dòng chảy văn xuôi Nam Bộ
Trần Quang Nghiệp thuộc thế hệ những nhà văn Nam Bộ đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Hầu hết các sáng tác của nhà văn được viết trong giai đoạn 1930 – 1945 ở đô thi miền Nam. Trong giai đoạn này, ông cộng tác với các tờ báo Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Báo Thần Chung, Phụ nữ Tân văn. Tiếp nối những nhà văn đi trước, nhà văn đã dựng lên những cảnh trí Nam Bộ với đặc trưng khó lẫn. Người dân Nam Bộ với bản chất mộc mạc, chân thành được khắc họa rõ nét trong từng sáng tác của Trần Quang Nghiệp, từ lối viết giản dị, gần gũi đến cách thể hiện dễ hiểu không vòng vo, cay cú.
Lối tư duy ấy thể hiện rõ nét trong cách dùng ngôn ngữ ngôn ngữ. Ngôn ngữ truyện ngắn Trần Quang Nghiệp nôm na mộc mạc phù hợp với cách nói
của người dân Nam Bộ. Ông sử dụng nhiều từ địa phương giản dị, dễ hiểu. Đọc Trần Quang Nghiệp ta bắt gặp rất nhiều từ ngữ Nam Bộ như : đặng, tiện tặn, quạu quọ, rỉ rã, dòm, ngó… Đó là những từ “rặt” Nam Bộ. Có lẽ do sống ở vùng sông nước miền Tây (Mỹ Tho – Tiền Giang) nên ngôn ngữ Nam Bộ đã đi vào truyện ngắn Trần Quang Nghiệp như một điều tất yếu. Vì vậy, khi đọc truyện ngắn của ông, người đọc dễ dàng nhận thấy: kể cả ngôn ngữ của người kể chuyện, của tác giả hay của nhân vật hết thảy đều thấm đượm màu sắc chân quê, dân dã của Nam Bộ. Nhiều từ địa phương nếu không dựa vào văn cảnh hoặc nếu không có vốn từ địa phương Nam Bộ sẽ rất khó hiểu :
Ngoài sân con nít nội chợ xúm lại bu chung quanh mấy cái xe (Số bạc mười ngàn), Dưới chơn đã săn hai dây tơ hồng (Chọn đá thử vàng)… Lớp từ này mang màu sắc biểu cảm cao thể hiện sinh động cá tính, tâm lí nhân vật cũng như con người Nam Bộ. Có thể nói, phong cách của Trần Quang Nghiệp viết như nói, tiếng nói của cư dân Nam Bộ thường dùng hàng ngày vào đầu thế kỉ XX. Khác với các nhà văn trung đại và ít nhiều khác với các nhà văn viết truyện cùng thời như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học (ở miền Bắc)… vẫn còn nhiều chỗ giữ cung cách gọt giũa câu chữ, Trần Quang Nghiệp rất chuộng văn phong nôm na bình dân, mộc mạc. Ông đã khai thác triệt để lớp từ khẩu ngữ Nam Bộ. Đây cũng là cách dùng phổ biến trong các sáng tác của nhà văn Nam Bộ thời bấy giờ.
Dù vẫn thống nhất ở một số điểm chung nhưng so với các cây bút Nam Bộ khác, Trần Quang Nghệp vẫn tạo cho mình một cách viết riêng, một giọng điệu riêng và một phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông chọn cho mình một cách viết kín đáo, thâm trầm và đi sâu vào số phận con người. Những trang viết của ông có sức nặng và thấm sâu bền chặt trong lòng bạn đọc.
Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhà văn Trần Quang Nghiệp chỉ viết khoảng gần 50 truyện ngắn, chủ yếu được đăng trên báo. Gần đây các tác phẩm của ông mới được tổng hợp lại và in thành sách. Mới nhất là Tuyển tập Trần Quang
Nghiệp - Cây bút truyện ngắn xuất sắc Nam Bộ đầu thế kỷ XX, tập hợp hầu hết những truyện ngắn xuất sắc của ông. Có thể khẳng định, trong dòng chảy của văn chương Nam Bộ đương đại, Trần Quang Nghiệp là một trong những nhà văn chuyên viết truyện ngắn và cũng thành công xuất sắc ở thể loại này.
Với tư cách là một người thuộc thế hệ nhà văn đi khai phá, mở đường cho văn xuôi nói chung, truyện ngắn hiện đại nói riêng, Trần Quang Nghiệp đã có những đóng góp nhất định cho tiến trình lịch sử văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Mặc dầu vậy, sáng tác của ông, trong đó có truyện ngắn vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Vị trí đáng kể của tác giả trong nền văn học đó là sự cách tân và những đóng góp cho quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Ông đã góp một phần quan trọng trong sự vận động của văn học Nam Bộ nói riêng và văn học dân tộc nói chung.
Tiểu kết chương 1
Sơ lược qua gia đình, con người của Trần Quang Nghiệp cho thấy những yếu tố góp phần hình thành nét riêng trong các đoản thiên tiểu thuyết của ông. Trên cơ sở đó, chúng ta đã có những nền tảng khoa học và thực tế tiêu biểu để đi đến việc đào sâu, tìm hiểu về thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp. Sống trong thời buổi giao thời, Trần Quang Nghiệp là một nhà văn tâm huyết với nghề, một người luôn tìm tòi để thay đổi và khẳng định bản thân.
Ở chương này, chúng tôi giới thiệu ngắn gọn đôi nét về tiểu sử thân thế và những yếu tố kết tinh tài năng văn chương của Trần Quang Nghiệp. Đặc biêt, tập trung đi sâu vào nghiên cứu quá trình sáng tác của nhà văn và ảnh hưởng tư duy Nam Bộ trong các sáng tác của ông, đồng thời khẳng định vai trò của Trần Quang Nghiệp trong dòng chảy văn xuôi lúc bấy giờ. Khi xâm nhập vào thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp, chúng ta sẽ nhận ra một bản lĩnh nghệ thuật mới, một thế giới nhân vật nhiều màu sắc đủ để lại bao ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc.
Chương 2
NHỮNG KIỂU NHÂN VẬT TIÊU BIỂU
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN QUANG NGHIỆP 2.1. Nhân vật văn học
Từ điển văn học định nghĩa: “Nhân vật văn học là con người được nhà văn miêu tả trong tác phẩm bằng phương tiện văn học” [21, tr.230]. Những con người này có thể được miêu tả kĩ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm.
Chức năng cơ bản của văn học là khái quát tính cách của con người. Nhân vật văn học thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm. Nhân vật văn học được miêu tả qua biến cố, xung đột, mâu thuẩn và mọi chi tiêt các loại. Đó là mâu thuẩn nội tâm của nhân vật, mâu thuẩn giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa tuyến nhân vật này với nhân vật khác. Cho nên nhân vật gắn liền với cốt truyện. Nhờ được miêu tả qua các xung đột, mâu thuẩn, nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính chất quá trình.
Nhân vật có vai trò hết sức quan trọng trong tác phẩm. Có thể nói, nhân vật là xương sống, là linh hồn của mỗi tác phẩm. Nhân vật cũng là người phát ngôn cho tư tưởng nhà văn, thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Văn học không thể thiếu nhân vật vì đó là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một người nào đó hay một vấn đề nào đó trong hiện thực. Vì thế, nhân vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tác phẩm, là cầu nối dẫn dắt người đọc tiếp cận và khám phá thế
giới nghệ thuật trong tác phẩm.
Nếu nhiệm vụ của tiểu thuyết là theo dõi, tìm hiểu và mô tả tỉ mỉ sự thăng trầm của số phận thì nhiệm vụ của truyện ngắn là “sử dụng” nó, có nghĩa là vào lúc cần thiết nó hiện lên rõ ràng, tuân thủ các nguyên tắc điển hình hóa. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, một nét tính chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người – nhân vật tâm trạng.
Trong hành trình sáng tạo của mình, mỗi nhà văn đều cố gắng xây dựng một mẫu hình nhân vật riêng mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là nhân vật điển hình với tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Lịch sử văn học thế giới cũng như Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều trường hợp như: AQ (AQ chính truyện – Lỗ Tấn), Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao), Thúy Kiều (Truyện Kiều
– Nguyễn Du), Romeo và Juliet (Romeo và Juliet – William Shakespeare)… Mỗi nhân vật mang một diện mạo riêng, đặc trưng cho môi trường và hoàn cảnh mà tác phẩm thể hiện. Nhân vật đó đã tạo nên thành công của tác phẩm nói riêng và thương hiệu cho nhà văn nói chung.
Sêkhốp đã từng nhận định “nhân vật truyện ngắn phải được hiểu theo nghĩa rộng, có khi là người, có khi là vật” [73, tr.97]. Cho dù là tồn tại dưới dạng nào thì tất cả các nhân vật đều hướng tới con người. Chỗ khác biệt cơ bản nhất của truyện ngắn là nhân vật của tiểu thuyết thường là một thế giới thì nhân vật chính của truyện ngắn chỉ là một mảnh ghép nhỏ, một lát cắt của thể giới. Nhân vật trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp mang đầy đủ những đặc trưng này.
Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng đối tượng, chúng ta có thể phân ra thành từng loại nhân vật nhất định. Mỗi kiểu nhân vật sẽ mang một tư tưởng nào đó của nhà văn. Người đọc có thể xem xét và phân loại nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên,
trong luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu và xếp loại nhân vật dựa trên cơ sở lí thuyết của lí luận văn học về nhân vật trong tác phẩm văn học, đặc biệt là nhân vật ở thể loại truyện ngắn. Ở đây, người viết phân chia nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp thành: kiểu nhân vật có lối sống buông thả, phóng túng, sa đọa; kiểu nhân vật mang tính triết lí; kiểu nhân vật con người lừa gạt; kiểu phụ nữ bất hạnh.
2.2. Kiểu nhân vật có lối sống buông thả, phóng túng, sa đọa.
Đến đầu thế kỷ XX, tốc độ của cuộc sống gấp và nhanh hơn so với trước, mối liên hệ giữa thành thị và quan hệ giáo lưu quốc tế trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội làm cho thành thị thay đổi mau lẹ. Tầng lớp thị dân ngày càng đông. Lối tư sản văn hóa lan tràn nơi phố phường “chật hẹp”, người “đông đúc”. Trong môi trường ấy, các tầng lớp và giai cấp xã hội ở thành thị, trí thức tân học, tiểu thương, tiểu chủ, công chức… thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, muốn sống và giải trí trong môi trường náo nhiệt, khao khát cái lạ, cái luôn luôn đổi thay.
Bên cạnh những tác phẩm đề cao tính nhân nghĩa, đạo lí, trong một số truyện ngắn, Trần Quang Nghiệp đã phơi bày sự thật trần trụi về một xã hội với những con người có lối sống buông thả, phóng túng, sa đọa. Đó là những con người, khi có chút tiền của trong tay đã dễ dàng thay đổi tâm tính, đánh mất bản thân và các giá trị sống tốt đẹp. Họ se sua, học đòi ăn chơi, thích sống cuộc sống phóng túng, hưởng lạc mà quên đi nghĩa vụ, bổn phận của mình.
Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này, đầu tiên phải kể đến Thầy ba Long trong
Nông nổi vì đâu. Thầy ba Long làm việc ở một hãng buôn lương khá cao, viện cớ mở rộng đường giao thiệp với mấy vị thương gia ở Sài Gòn, lục tỉnh, thầy nói dối vợ con là đi đánh tennis, bi-da. Sáng sớm Thầy đi làm, chiều đánh tennis, bi-da. Hôm nào bạn bè rủ rê đánh chén Thầy đi khuya lắc khuya lơ
mới về, bỏ mặc vợ con đợi chờ mỏi mòn. Mà nào có phải siêng năng tập luyện thể dục thể thao gì cho cam, chẳng qua là thầy viện cớ để đi đánh bài, hóng mát, tắm suối nước nóng …với cô nhân tình. Vì thói trăng hoa, Thầy lừa dối vợ con:
Cô nói nếu tốn kém như vậy còn chơi làm chi, thầy trả lời cũng hay, làm cho cô không rầy được. Thầy nói thầy ốm yếu nhờ thể thao mới ăn được ngủ được, thân thể tráng cường làm việc mới nổi, tuy tốn hai ba chục mà lợi được gần hai trăm nếu cô sợ tốn mà không cho thầy chơi thì thầy ăn không vô, ngủ không thẳng giấc, ốm o gầy mòn làm sao làm việc cho nổi mà nuôi cô. Hễ ốm o gầy mòn thì có khi cũng chết; hay là cô muốn thầy chết đặng cô lấy chồng khác… Buổi chiều thầy đánh tennis buổi tối ở không, thầy nói buồn, thầy đi đánh bi-da. Thầy với cô rằng đánh bi-da vui lắm, thầy đánh mau giỏi, thầy ham lắm, cho nên bữa nào cũng đi khuya lơ khuya lắc mới về. [67, tr.22].
Vậy mà ngờ đâu, Thầy hẹn vói cô nhân tình “Thầy đi Xuân – trường tắm suối với cô ở phòng số 8” [67, tr.23].
Không chỉ có thầy Ba Long, chàng Tống Ngọc trong truyện ngắn Tủi phận thuyền quyên cũng không kém cạnh gì. Cưới vợ được ba năm, Tống Ngọc bắt đầu trở mặt: “…tình ý chồng có hơi đổi, ban đầu còn có anh em tới rủ mới đi, sau thì không cần ai rủ ai mời, đi cả đêm khuya lơ khuya lắc mới chịu về, tôi có hỏi thì nói đi hội nầy hội nọ, tiệc nọ tiệc kia… Cuối tháng tiền lương không thấy đem về” [67, tr.56]. Khuyên nhủ mấy Tống Ngọc cũng không nghe còn hắt hủi vợ con ra mặt. Bao nhiêu tiền của làm được, Tống Ngọc tiêu sài hoang phí, cung phụng cho nhân tình, bỏ mặc vợ con đói khổ phải đi vay đi mượn khắp nơi. Tệ bạc hơn, hắn còn dắt nhân tình về nhà, âu yếm ngay trước mặt vợ mình. Khi đã hết tình cạn nghĩa, Tống Ngọc thú thật
là mình không còn yêu vợ nữa và cho phép cô đi lấy chồng khác. Sau đó, hắn dọn đồ về ở hẳn với vợ bé, để người vợ gầy yếu một mình, tay ẳm con, tay xách vali bắt xe đò về Đà Lạt xin tá túc nhà cha mẹ ruột.
Thầy Ba Long và Tống Ngọc đều có điểm giống nhau. Lúc đầu, họ đều là những người nghiêm chỉnh, mực thước, yêu vợ thương con vô cùng. Từ khi đi làm, nhu cầu công việc phải và được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, trong túi có tiền, cả hai mới bắt đầu thay đổi tâm tính, tệ bạc với vợ con và trở thành kẻ ăn chơi trác táng. Cả hai đều là những con người thiếu ý chí, bản lĩnh khi đứng trước sự cám dỗ của tiền bạc, địa vị và danh vọng.
Có thể thấy, trong xã hội đang “chuyển mình” ấy có khối kẻ đam mê của lạ, sẵn sàng chà đạp lên ân tình đạo nghĩa để thỏa mãn dục vọng. Với họ, một gia đình êm ấm, hạnh phúc thôi chưa đủ. Họ muốn hưởng cho trọn mọi lạc thú trần gian. Nhắc đến vấn đề này cũng phải nói đến thầy Lưu Kim Phụng, với Năm người vợ lẻ. Ông đã nạp thêm năm người vợ lẻ cho mình, mỗi người một nơi: Gia Định, Đất Hộ, cầu Ông Lảnh, chợ Đũi và Khánh Hội. Vì muốn được hưởng lạc thú trần gian và thỏa mãn dục vọng của mình, ông đã không ngại ngần bỏ tiền ra để nuôi năm người vợ này. Lúc thầy còn sống “Thầy yêu họ mà dường như họ cũng yêu thầy… Người nào cũng một hai đòi ở bên thầy mà nuôi thầy, mà chịu đau chịu thương cùng thầy” [86, tr.8]. Nhưng có ngờ đâu, chữ tiền làm lòng người thay đổi: “Năm người vợ lẻ của thầy Lưu Kim Phụng, người nào cũng vì năm trăm đồng bạc mà dẹp nghĩa tình sang một bên. Bữa chôn thầy, năm người vợ lẻ của thầy không một ai có mặt.” [86, tr.8]. Lối sống hưởng lạc ấy không mang lại cho thầy Lưu Kim Phụng một người bạn đời tri âm tri kỷ mà chỉ thấy sự dối trá lọc lừa.
Không chỉ có người chồng, cả người vợ - vốn được xem là biểu tượng của sự tận tụy, chung thủy cũng thay đổi. Điển hình là người vợ trong Lòng người khó biết đã tằng tịu với anh Chà (người ở đậu trong nhà) và có mang. Đến khi
người con được sinh ra, chị vợ mới thú nhận: “Vậy chớ ai nói con mình bao