6. Cấu trúc của luận văn
3.4 Xây dựng nhân vật qua giọng điệu
Giọng điệu là một yếu tố quan trọng trong việc xác định phong cách của một tác giả. Một nhà văn muốn có phong cách riêng nhất thiết phải có một “giọng điệu” riêng. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì: “Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thi hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò rất lớn tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc” [55, tr.34]. Đọc truyện ngắn Trần Quang Nghiệp, chúng ta nhận thấy có sự đa dạng trong giọng điệu. Đó là một giọng điệu chậm rãi, bình dị có ở hầu hết tác phẩm. Giọng điệu này phù hợp với những vấn đề mà nhà văn chuyển tải đến người đọc. Giọng điệu của người trần thuật khi xây dựng thế giới nhân vật trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp khá đa dạng. Đó có khi là giọng mộc mạc, dân dã; khi hồn hậu chân thành nhưng không kém phần giễu nhại, châm biếm. Truyện ngắn Trần Quang Nghiệp còn mang một triết lý sống, bài học sống để chúng ta học hỏi và rút kinh nghiệm trong cuộc đời.
Đó là triết lý: “Thương người, dạy người biết ăn năn chừa lỗi và biết mình quấy mau toan cải quấy thì quý hóa vô cùng” [47, tr.191]. Có những người dù đời sống có khó khăn nghèo đói vẫn cố gắng vượt qua hoàn cảnh, khắc phục sai lầm thì ông trời sẽ ban nhiều quà tặng quý giá. Thầy Hai Thông giữ tiền cho ông chủ bị mất năm ngàn đồng, ông chủ bắt thầy mỗi tháng phải lấy phân nữa số tiền lương để trừ nợ. Cuộc sống thầy Hai Thông từ đó rất vất vả, vợ con cũng khổ lây. Thậm chí có lúc thầy nghĩ “muốn cho bớt khổ thì thầy phải tự giết mình hoặc là giết ông chủ đi là xong”[47, tr.189], hoặc có lúc cơ hội rất thuận tiện: thầy chỉ cần bước tới ít bước, sẵn có xâu chìa khóa trong tay, mở tủ lấy giấy nợ xé đi là xong chuyện. Thế nhưng thầy không làm được vì thầy còn có lương tâm của một con người. Chính lương tâm trong sạch của thầy khiến ông chủ nhận ra và trân trọng. Ông chủ xé giấy nợ trước mặt thầy, nói với thầy như nói với người em ruột thịt: “Tôi chẳng phải tiếc chi mà buộc
thầy phải khổ cực trong hai năm trường, tôi cũng thương hại cho thầy lắm nhưng không lẽ tha thầy lập tức, phải làm vậy mới được. Bây giờ thầy đã biết ăn năn thì tôi vui mừng lắm” [47, tr.190]. Thật đáng quý và đáng trân trọng tấm lòng của hai người: một bên là người làm công nhưng thật thà, ngay thẳng; một bên là ông chủ với tấm lòng bao dung, độ lượng. Người làm lỗi thì cố gắng chuộc lỗi, được chủ tha thứ và thêm tin yêu bởi “biết ăn năn chừa lỗi và biết mình quấy mau toan cải quấy thì quý hóa vô cùng” [47, tr.191]. Chỉ cần ngay thẳng, thật thà thì ông trời sẽ không phụ lòng người. Đó chính là triết lý sống, cách sống mà mỗi người cần học tập.
Không chỉ dùng lời thuyết giảng trực tiếp định hướng người đọc, thông qua tác phẩm của mình Trần Quang Nghiệp thể hiện những triết lý sống, quan điểm, cách sống của mình. Ông đề cao, ca ngợi những con người giàu lòng nhân ái, yêu thương mọi người nhất là những người phụ nữ nghèo khổ và bất hạnh. Điển hình là thầy Năm Kiên (Chẳng đi đâu mất), dù không giàu có gì nhưng sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc lại nhà giây thép mua cho hai mẹ con cô giáo nghèo gần xóm cái cái măng-đa ba chục đồng. Dù sau này khi thấy cô giáo ấy có ý trung nhân, Thầy Năm Kiên vẫn quân tử mà rằng: “Có chồng đã đáng tấm chồng, được vợ như vậy cũng đã đáng vợ, mình nên mừng dùm cho họ, nghĩ cho kĩ cái công của mình so xét thương tưởng bấy lâu và ba chục đồng bạc của mình cũng chẳng đi đâu mất” [67, tr.118]. Trần Quang Nghiệp tôn vinh những người dù nghèo khổ nhưng vẫn quyết giữ trọn đạo hiếu. Đó là anh Hai Cung trong truyện ngắn Đêm thứ bảy, dù rất nghèo nhưng quyết không để mẹ mình chết lạnh lẽo. Thông qua những câu chuyện của mình, bên cạnh những suy tư, trăn trở khi lòng người đổi thay trước xã hội đang biến đổi, tác giả cũng có những câu chuyện đề cao triết lí sống thủy chung, son sắt. Viết về đề tài này, truyện Người thương của tôi gây xúc động mãnh liệt, lấy đi bao nước mắt người đọc. Truyện miêu tả cảm xúc đau đớn tột cùng của chàng
trai khi người yêu chết. Chàng sống như chết đi một nửa hồn mình. “Tấm lòng của tôi, tôi giao trọn cho người nắm giữ. Trong một năm trường tôi sống trong tình dang díu của người, trong tay người, trong lòng người, tâm hồn tôi bị buộc, bị trói, tôi không biết được rằng hồi nào là ngày, hồi nào là đêm, không còn biết rằng tôi còn sống hay là đã chết, tôi ở trong trái đất này hay là ở ngoài càn khôn. Tôi mê người chứ không phải là thương người. Thật tình cảnh tôi tệ lắm mà nào tôi có biết đâu?. Bây giờ người đã chết rồi. Tại làm sao người chết? Tôi không còn biết, không còn biết gì hết thảy. Tôi đau đớn tận tâm can” [47, tr.128]. Giọng điệu buồn thương như bao trùm cả tác phẩm, khiến người đọc, người nghe không khỏi bồi hồi, xúc động. Cũng có đôi khi, chỉ là một thông điệp nhẹ nhàng, hãy yêu hết lòng khi còn trẻ. “Cái hoa nở ra rồi cũng phải tàn, nhưng thà nở ra để hứng lấy tuyết sương hơn là giữ mình búp mãi” [47, tr.161]. Thể hiện những triết lý sống đạo đức nhưng tác giả không chọn lối viết sâu cay, nặng nề tính giáo lý, mà đó là một giọng điệu nhẹ nhàng như đang thủ thỉ, tâm sự cùng bạn đọc.
Giọng điệu triết lý tạo nên sức nặng, chiều sâu cho tác phẩm. Chính những triết lý ấy, đã mang lại màu sắc riêng, tạo thành dấu ấn riêng trong sáng tác của Trần Quang Nghiệp.
Bên cạnh giọng triết lí chiêm nghiệm, trong những trang văn của Trần Quang Nghiệp là một giọng văn nồng hậu, mộc mạc, dân dã, chân thành nhưng không kém phần giễu nhại, châm biếm. Đọc truyện ngắn Trần Quang Nghiệp, chúng ta nhận thấy một giọng điệu chậm rãi, bình dị có ở hầu hết tác phẩm. Giọng điệu tự nhiên ấy cứ tuôn chảy như từ vốn sống, sự gắn bó sâu nặng với mảnh đất và con người Nam Bộ của chính nhà văn. Giọng điệu này được chưng cất bằng mật độ đậm đặc ngôn ngữ Nam Bộ. Đó là việc sử dụng nhiều từ ngữ Nam Bộ và khẩu ngữ trong khi miêu tả nhân vật. Ví như trong truyện ngắn Lỗi bù lỗi: “Bà ốm người, sức không đặng khỏe, sữa ít lại không
đặng tốt… Con vú tuổi ngoài hai mươi, mạnh khỏe mập mạp, sữa tốt nên ông bà bằng lòng lắm. Từ ngày con vú lại ở thì con ông huyện đặng mạnh mẽ mập tròn ai thấy cũng thương…. Nó mặc một cái quần lãnh mới, lưng màu đọt chuối, nó giặt đồ mới vừa rồi nên quần còn đương xăng lên trên, bày hai bắp vế vừa trắng vừa tròn” [47, tr.87]. Câu văn dùng nhiều ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ. Trong cách nói, cách diễn đạt cũng rất Nam Bộ: “Cô ba Huỳnh Thị Lựu đau ngặt mình gần chết”, “Chẳng dè, ngày lụn tháng qua, tuổi ngày càng trộng, vẻ đẹp ngày càng xinh, có thiếu chi là ông huyện nho nhỏ, ông vũ tơ tơ gầm ghé cầu hôn mà cô chẳng ưng ai hết. Cha mẹ cô rầy la, chị hai cô khuyên dỗ thế mấy mà không chịu lấy chồng là không chịu. Không ai hiểu được là tại làm sao hỏi cô thì cô chẳng chịu nói thật” [47, tr.98]. Chỉ một đoạn văn ngắn, nhưng ngôn ngữ được sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ Nam Bộ (đau ngặt, ngày lụn tháng qua, ưng, rầy la, chị hai, khuyên dỗ) đã mang lại sự tự nhiên trong lối diến đạt, sự mộc mạc, dân dã trong cách thể hiện.
Giọng văn bình dị, mộc mạc là vậy nhưng cũng không kém phần giễu nhại, châm biếm, phê phán sâu cay. Tác giả phê phán lối tự do yêu đương rồi tự do kết hôn vượt quyền cha mẹ; châm biếm thói tham lam, háu sắc, dâm dục; có khi là tiếng cười giễu nhại những con người thích khoác lên mình những danh vị (thực chất là mượn danh, giả danh) để lòe thiên hạ hoặc giả để mưu cầu lợi ích.
Tiểu kết Chương 3
Qua việc tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp, chúng tôi thấy rằng nhà văn đã có những đóng góp đáng kể vào tiến trình đổi mới văn học hiện đại. Từ thủ pháp miêu tả ngoại hình nhân vật cho đến ngôn ngữ, giọng điệu đều có sự cách tân đáng kể. Trần Quang Nghiệp miêu tả ngoại hình nhân vật với tất cả những chi tiết gần gũi, qua sự cảm nhận của nhân vật khác hay của chính người kể chuyện. Khi miêu
tả ngoại hình nhân vật, nhà văn đã không lặp lại những lối mòn cũ kĩ của văn học trung đại. Ngoài ra, tác giả còn chú trọng khắc họa tâm lý, tính cách của nhân vật qua biểu hiện nội tâm, ngôn ngữ, giọng điệu. Và ở mỗi một phương diện đều có những thành công nhất định.
KẾT LUẬN
Trong dòng chảy văn học hiện đại, sự xuất hiện của Trần Quang Nghiệp đã mang lại một luồng gió mới, một luồng không khí mới cho văn học. Sự đam mê, hết mình với nghề, đặc biệt, sự trải nghiệm và thấu hiểu đến tận cùng nhân vật của mình đã giúp tác giả thể hiện thành công hình tượng nhân vật trong thời đại mới. Là nhà văn tri thức Tây học những năm đầu của thế kỷ XX, tác giả có những quan niệm tương đối mới về con người, xã hội và văn chương. Bằng những hiểu biết cùng với sự chiêm nghiệm của chính bản thân mình, Trần Quang Nghiệp đã thể hiện những điều “mắt thấy tai nghe” vào tác phẩm của mình. Qua đó, nhà văn vừa góp phần thỏa mãn thị hiếu của phần đông độc giả vừa góp phần khẳng định, cổ vũ những giá trị đạo đức tốt đẹp, phê phán những lối sống sai lầm của tầng lớp thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Tất cả điều đó được nhà văn thể hiện qua các hình tượng nhân vật của mình. Có thể thấy, thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp vô cùng phong phú đa dạng.Ở mỗi kiểu nhân vật đều thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của nhà văn về đời sống xã hội và con người. Tìm hiểu thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp chúng tôi nhận thấy:
1. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp là thế giới nhiều màu sắc. Lấy hiện thực là nguồn cảm hứng chủ đạo, ẩn trong đó là những giá trị đạo đức nhân sinh tốt đẹp, tác giả đã thể hiện thái độ của mình đối với nhân tình thế thái. Nhà văn đã có tiếng nói đồng cảm trong việc miêu tả loại nhân vật phụ nữ có số phận bất hạnh, luôn khao khát tình yêu, hạnh phúc. Đó là những người phụ nữ Nam Bộ hiền lành, chất phát, đôi khi còn ngây thơ và nhiều nông nổi. Có khi, đó là tiếng nói lên án, phê phán những kẻ lừa gạt, vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách, đạo đức của mình. Hay những nhân vật còn mang dáng dấp quan niệm “văn dĩ tải đạo”
trong văn chương trung đại. Tất cả là sự thể hiện của một xã hội rối ren, điên đảo. Nhưng ẩn sau đó là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, yêu nước, nhìn đời bằng con mắt tinh tường của Trần Quang Nghiệp.
2. Ở khía cạnh nghệ thuật, chúng tôi nhận thấy, nhà văn đã có những đổi mới đáng kể trong việc xây dựng các hình tượng nhân vật. Trần Quang Nghiệp cũng có nhiều sáng tạo trong bút pháp khắc họa nhân vật, từ ngôn ngữ, giọng điệu, ngoại hình cho đến miêu tả nội tâm nhân vật. Đó là cách viết gần gũi, chân thật trong miêu tả ngoại hình, có khi là sự thống nhất giữa ngoại hình và tính cách, cũng có khi đó là sự đối lập. Nhà văn đã có nhiều góc nhìn khác nhau trong việc thể hiện nội tâm nhân vật thông qua các hiện tượng tâm lý. Ngôn ngữ bình dị mang đậm dấu ấn địa phương, kết hợp với giọng điệu đa dạng, có khi mộc mạc, chân thành, có khi lại giễu nhại châm biếm và mang một triết lý sống sâu sắc. Tất cả đã làm nên một Trần Quang Nghiệp không thể lẫn với bất kì nhà văn nào khác. Tuy chưa thật trau chuốt nhưng đây là một hướng viết mới cho truyện ngắn lúc bấy giờ. Các yếu tố nghệ thuật được sử dụng lồng ghép, đan xen tạo nên sự hài hòa, cân đối.
3. Với hành trình sáng tạo của mình, Trần Quang Nghiệp đã khẳng định được tài năng và chỗ đứng của mình trong lòng độc giả. Trong bức tranh chung của đời sống văn học hôm nay, truyện ngắn của ông đã góp phần làm nên sự đa dạng của các loại hình văn xuôi nghệ thuật bằng khả năng miêu tả, xây dựng cốt truyện. Có khi, ông xây dựng cốt truyện theo dòng tâm trạng nhân vật. Truyện của ông không có cốt truyện ly kỳ, không có các biến cố, sự kiện đáng kể, cũng không có các xung đột ghê gớm. Nhưng đằng sau những truyện không đâu vào đâu ấy là những nốt nhấn thấm đến tận tâm can người đọc.
nghệ thuật, so với giai đoạn trước, nhưng Trần Quang Nghiệp không tránh khỏi những hạn chế. Cách viết còn sơ sài, nội dung chưa thật sắc bén. Có thể nói, tác phẩm của ông chưa thật mang tính hiện đại triệt để nhưng đó là những đóng góp quý báu, có giá trị cho tiến trình hiện đại hóa truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XX.
Luận văn này chỉ là bước khởi đầu cho những công trình khoa học quy mô hơn về sự nghiệp văn chương Trần Quang Nghiệp – một tác giả mà theo nhiều người là có vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Và vì vậy, việc tìm hiểu các sáng tác của Trần Quang Nghiệp cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa. Có như thế, chúng ta sẽ có những căn cứ xác đáng để nhìn thấy một cách toàn diện nền văn học đầu thế kỷ XX.
Do điều kiện tư liệu cũng như do khả năng của bản thân còn có hạn nên trong luận văn không tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý và chỉ dẫn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn !
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp (1988), Văn học Nam Bộ từ đầu đến thế kỷ XX (1900 – 1945), NXB TP.HCM.
[2] Nguyễn Kim Anh (2003), Về những tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đầu tiên của một số cây bút nữ Việt Nam, TCKHXH, số 5.
[3] Nguyễn Kim Anh (2004), Những đóng góp của báo Nông cổ Mín Đàm trong sự hình thành tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX, TCVH, số 5. [4] Nguyễn Kim Anh (chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX,
NXB ĐHQG TP.HCM.
[5] Vũ Tuấn Anh (2002), Ba mươi năm đầu thế kỷ: Sự định hình tính chất mới, hệ thống thể loại mới của văn học Việt Nam hiện đại, TCVH, số 12.
[6] Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
[7] Nguyễn Huỳnh Kiều Nguyệt Diễm Cầm (2005), Tìm hiểu tiểu thuyết trên báo Lục tỉnh tân văn đầu thế kỷ XX, Khóa luận tốt nghiệp ngành Văn học, trường ĐHKHXH&NV TPHCM.
[8] Nguyễn Huệ Chi (2002), Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu, TCVH, số 5.
[9] Tôn Thất Dụng (1993), Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến 1932, Luận án phó tiến sĩ trường ĐHSP Hà Nội.
[10] Tôn Thất Dụng (1993), Thể loại tiểu thuyết trong quan niệm của các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, TCVH, số 2.
[11] Phan Cự Đệ - Trần Đình Hượu – Nguyễn Trác – Nguyễn Hoang Khung – Lê Chí Dũng – Hà Văn Đức (2003), Văn học Việt Nam 1900 – 1945,
NXB Giáo dục.
[12] Phan Cự Đệ (1978), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, NXB ĐH&THCN, Hà Nội.
[13] Phan Cự Đệ (chủ biên, 2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX – Những vấn