Xây dựng nhân vật qua biểu hiện nội tâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trong truyện ngắn của trần quang nghiệp (Trang 63)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2 Xây dựng nhân vật qua biểu hiện nội tâm

Khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong tâm hồn của nhân vật. Đó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lý… của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà họ gặp phải trong cuộc đời. Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc về nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Để làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc về cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất từ đời sống bên trong nhân vật. Trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp, nội tâm của nhân vật được khai thác từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nhà văn đã đi sâu tìm hiểu thế giới bên trong của nhân vật thông qua các hiện tượng tâm lý. Qua đó, những tâm tư, tình cảm của nhân vật cũng được tác giả làm nổi bật.

Thế giới nội tâm nhân vật trong truyện ngắn được tác giả xây dựng thông qua hai kiểu: hành động mâu thuẩn và độc thoại nội tâm. Trong các truyện ngắn của ông, chúng tôi thấy nhân vật có suy nghĩ và hành động mâu thuẩn nhau, thường trải qua qua trình đấu tranh nội tâm vô cùng phức tạp. Và cũng chính vì có nội tâm giằng xé, suy nghĩ do dự mà nhân vật mới có những hành động trái ngược nhau như vậy. Điều này hoàn toàn phù hợp với logic tâm lí con người. Trong các truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp, việc nhân vật đắn đo, suy nghĩ trước khi hành động rất thường gặp.

Đó là anh hai Phụng trong truyện ngắn Đánh bạc, những ham muốn đánh bạc đã giằng xé, lôi kéo anh đánh hết ván này đến ván khác. Đánh hết đồng bạc này, đến đồng bạc kia, lúc nào anh cũng “tưởng nhờ nó mà kéo lại vài

đồng”, nhưng rồi “nó cũng theo luôn hai mươi đồng trước mà đi từ trong túi anh, qua tay mấy người khác” [47, tr.186]. Những đồng bạc như có sức hút ghê gớm, trong cuộc chơi ăn thua ấy, nó lôi kéo con bạc đánh cho đến đồng bạc cuối cùng. Tâm lí người chơi lúc nào cũng muốn thắng, càng thắng lại càng ham, thua thì cố gỡ gạc cho đến cùng. Xây dựng nhân vật đúng theo logic tâm lí con người, nhân vật của Trần Quang Nghiệp rất “đời”. Tâm Lí nhân vật còn được ông phát triển qua những biểu hiện đắn đo, suy nghĩ trước hành động. Chính là khi ông để anh hai Phụng gặp đứa gái nhỏ ăn mày nằm ngất bên cầu tàu. Sự xuất hiện của nhân vật này đã khiến nhân vật anh hai Phụng có những biểu hiện tâm lí qua nhiều cung bật cảm xúc, đó là: sự động lòng, những ham muốn, ích kỷ hẹp hòi, đến sự tuyệt vọng, ăn năn hối lỗi. Bụng đói, trong người không có một đồng bạc, khi thấy đứa trẻ anh đã “Động mối thương tâm, anh cúi xuống bồng nó lên đem về cứu mạng…” [47, tr.186]. Nhưng khi anh thấy mấy đồng bạc trắng từ trong túi đứa bé rớt ra “thì lòng xui đánh bạc, anh bèn thò tay nắm hết của cải gia tài của đứa vô phần ấy. Anh đứng lên suy nghĩ giây lâu rồi chơn bước đi ngay nhà anh sáu Thiện” [47, tr.186]. “Mấy tiếng kêu keng keng, màu xen trắng trắng” [47, tr.186] đã làm anh mờ mắt, quên đi ý định cứu giúp ban đầu. Bằng những đồng tiền ăn cắp ấy, anh lại lao vào sòng bạc cho đến khi hai túi rủng rỉnh tiền. Anh nghĩ tới đứa trẻ ở cầu tàu, anh quay lại nhưng đứa bé đã chết tự bao giờ. “Nước sông một giải phẳng lặng như tờ, nước mắt hai dòng chảy tuôn như suối; anh đứng trân lại đó mà chết điếng trong lòng…Từ đó, trong mấy sòng bạc chẳng bao giờ ai nghe tên thấy bóng anh hai Phụng cả” [47, tr.187]. Nội tâm nhân vật đã có những đắn đo, suy nghĩ trước khi hành động. Nhân vật đã đặt lợi ích của mình lên trên, bỏ qua tính mạng hay lợi ích của người khác. Đó là một quá trình khá phức tạp nhưng có logic, đúng quy luật tâm lí. Đi sâu miêu tả quá trình giằng xé nội tâm nhân vật ta có thể thấy được nhiều trạng thái tình cảm

phức tạp, đan xen nhau ở nhân vật này. Đó là những hy vọng, ham muốn, sự cứu giúp xen lẫn tuyệt vọng, đau đớn, đến ăn năn tội lỗi.

Trần Quang Nghiệp có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật đan xen, có khi hy vọng, hạnh phúc xen lẫn tuyệt vọng, đau đớn, ăn năn tội lỗi… Đó là những diễn biến tâm trạng mà nhân vật Lê Văn Nử (Trên lầm dưới lỗi) đã trải qua. Hành trình chuyển biến tâm lý vô cùng phức tạp. Lê Văn Nử bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, anh lớn lên bằng tình thương và sự đùm bọc của người mẹ nuôi. Từ khi còn nhỏ, anh đã mang trong mình nỗi xấu hổ với bạn bè, họ gọi anh là người con “tập tàng”. Anh tự thấy “nhục nhã xấu xa trong mình”. Anh xót thương cho chính bản thân mình: “Tôi là cánh bèo con mà đời là minh mông biển rộng thế mà cha mẹ tôi lại chẳng biết xót thương là gì” [47, tr.111]. Những uất hận, thống khổ ấy cứ ám ảnh anh hằng ngày đến mức cực đoan: “Một người bị gạt, bị chê cười giết. Một người bị nhục giết. Một người bị làm mất danh giá, cũng giết” [47, tr.111].Tâm lý nhân vật rơi vào tình trạng bế tắc, anh chỉ còn nghĩ đến những thiệt thòi, đau đớn, uất hận mà mình phải chịu. Càng tuyệt vọng bao nhiêu, thì anh càng vui sướng bấy nhiêu khi nhận ra cha mẹ ruột của mình. Anh gọi “Mẹ! Mẹ!” bằng cả tấm lòng, bằng tất cả lòng mong ngóng bao lâu. Càng vui sướng bao nhiêu thì anh càng thất vọng, đau khổ bấy nhiêu, cha mẹ anh lại bỏ rơi anh một lần nữa. “Một cái buồn xen lẫn cái giận cái ghét cái tức làm cho rối động lòng tôi” [47, tr.112]. Lê Văn Nử đã ra tay giết chết hai đấng sinh thành của mình. “Tôi còn biết cái gì nữa, có sẵn cái dùi sắt trong tay. Tôi đâm cha tôi, đâm chừng bao nhiêu thì đâm. Mẹ tôi kéo tay tôi vừa la. Hồi đó in như là tôi giết mẹ tôi luôn thì phải. Đương cái lúc như vậy làm gì tôi có biết đâu? Chừng ấy tôi thấy hai người ngã xuống, tôi kéo quăng dưới sông liền, không suy nghĩ gì cả” [47, tr.113]. Trần Quang Nghiệp đã miêu tả tâm lý Lê Văn Nử khá hợp lý, đó là một quá trình khá phức tạp nhưng có lôgic, đúng quy luật tâm lý. Quá trình chuyển biến tâm

lý nhân vật được thể hiện qua nhiều trạng thái, cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ diễn biến tâm lý đến hành động là một quá trình lí trí bị cảm xúc lấn áp. Lòng yêu thương đã biến thành thù hận, khiến Lê Văn Nử không làm chủ được hành động của mình, trở thành kẻ mất hết nhân tính. Tác phẩm là tiếng nói đanh thép đánh vào những bậc cha mẹ đã không làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Chính lối sống xem tiền bạc, danh vọng, địa vị là mục đích sống cao nhất của mình, họ đã tạo nên những nạn nhân của xã hội.

Trước những cám giỗ, con người thường không làm chủ được bản thân mình. Lão ăn mày trong Ăn mày trúng số là một dạng nhân vật điển hình. Tâm lí nhân vật được khắc họa qua nhiều cung bật cảm xúc khác nhau. Khi còn là một lão ăn mày rách rưới, khuôn mặt lão lúc nào cũng đau đớn, thảm khổ, xin từng đồng su, lượm từng đồng điếu. Ấy vậy mà khi lão trúng tấm vé số độc đắc mười ngàn đồng “Ai đi ngang qua mặt, lão cũng cho rằng người ấy là không bằng lão” [47, tr.108]. Đứng trước đồng tiền, con người thường có những ham muốn, đôi khi không kiểm soát được hành động của mình, lão ăn mày cũng vậy. Từ khi trúng tấm vé số độc đắc, tâm lí của lão bắt đầu thay đổi. Lão xem thường những người đi ngang qua lão. Lão bắt đầu đóng vai “tuồng chánh” trong câu chuyện của chính mình. “Bụng lão nghĩ, trí lão nghĩ, suy nghĩ nghĩ suy mãi… Gương mặt lão bỗng lộ vẻ vui mừng” [47, tr.108]. Lão mơ màng tận hưởng cảnh giàu sang: “Lão muốn một cái nhà rộng, thật khéo thật đẹp, chung quanh có vườn tược, có đủ thứ cây ăn trái và đủ thứ bông hoa kiển vật… Một chiếc xe mui kiến, nước sơn láng bóng,… lão còn tính cần phải có một cô vợ vừa non vừa đẹp” [47, tr.109]. Lão mang nhiều ham muốn, ham muốn giàu sang, phong lưu và quyền quý, đó là tâm lí hưởng thụ chung của con người. Nhưng lão lại muốn vứt bỏ quá khứ của mình, xóa đi những chứng tích cho thấy mình là một kẻ ăn mày với bộ tướng xấu xa và thân hình dơ dáy, bỏ đi những thứ gắn bó với lão, đã từng là kế mưu sinh của

lão: “Lão cầm cây gậy quăng ngay xuống sông…, cầm cái bị mà quăng theo luôn cho nước chảy” [47, tr.109]. Khi trút bỏ những thứ ấy ra khỏi người mình, lão thấy lòng khoan khoái. Nhưng than ôi, thình lình gương mặt lão biến sắc vì tấm vé số trúng độc đắc nằm trong cái bị ấy. Nóng của quá, lão nhảy xuống sông mà quên rằng mình không biết bơi, cái bị thì trôi lần, còn lão ăn mày thì chìm dần xuống đáy. Những biểu hiện nội tâm nhân vật đã được tác giả khắc họa rất sâu sắc, in đậm trong lòng người đọc. Tác giả đã đưa người đọc đi từ cảm nhận này đến cảm nhận kia, từ giấc mơ danh vọng, niềm vui giàu sang, đến tiếng cười mỉa mai, châm biếm.

Miêu tả nội tâm nhân vật, Trần Quang Nghiệp còn thể hiện những suy nghĩ, cách nhìn nhận về con người trước cuộc đời. Ông đã dự cảm được sức mạnh của đồng tiền đang dần thay đổi nhân cách con người trong xã hội đương thời. Những kẻ ham tiền, vì tiền mà có thể đánh mất nhân cách bản thân, quên đi nguồn cội, chỉ muốn hưởng thụ, thích khoác lên mình những danh vị mờ ảo. Có thể nói, nội tâm của con người thể hiện rõ nhất bản chất con người họ.

Trạng thái tâm lý và tình cảm của con người luôn có sự không đồng nhất trong quá trình vận động thăng trầm của cuộc sống. Thâm nhập vào bên trong đời sống của nhân vật, Trần Quang Nghiệp đã miêu tả khá rõ diễn biến tâm lý phức tạp của họ. Và một trong những thủ pháp nghệ thuật giúp tác giả thể hiện thành công dụng ý nghệ thuật của mình là độc thoại nội tâm. Với độc thoại, tác giả đã để cho nhân vật cất lên tiếng nói của mình để bộc lộ những suy tư thầm kín, những bộc bạch tư tưởng… Từ đó, người đọc tự khắc họa nhân vật theo cảm thụ của mình. Mặt khác, độc thoại nội tâm còn được tác giả dùng để miêu tả quá trình tự nhân thức của nhân vật. Đó là những cuộc đấu tranh trong tư tưởng giữa cái tốt và cái xấu bên trong thế giới con người.

nhiều nhưng có tính xung đột cao, biểu hiện được những ngóc ngách tâm lí của nhân vật, những nỗi niềm trăn trở hay những suy tư dằn vặt ở mỗi con người. Đó là khi, cô Ba Dung lắng nghe xong câu chuyện của chàng công tử trên chuyến xe lên Sài Thành. Anh ta kể về cuộc sống giàu sang của mình, khiến lòng cô không khỏi suy nghĩ, cô tự hỏi: “Mình như vậy có được hay không”. Cô “lấy làm lạ”, “bụng mừng thầm”, “không thể cầm lòng ham muốn giàu sang của mình được”, “cô hỏi thầm một câu này nữa” [47, tr.167-168], rồi tự nguyện xách giỏ theo không người ta về nhà. Cái hay ở đây chính là Trần Quang Nghiệp để nhân vật tự đối đáp trong suy nghĩ của mình. Từ đó cho thấy tính cách nhân vật. Tự cô dọ ý chàng và sa bẫy tình lúc nào không hay. Rồi khi giấc mộng đổi đời đổ vỡ, cô mới cảm thấy được nổi nhục nhã, đau đớn, ê chề, “cô khóc tức tưởi chẳng nói được một tiếng gì”, “bận đi cô vui vẻ ước mong bao nhiêu thì bận về nầy cô lo, buồn, giận tức bao nhiêu”, “cô than nho nhỏ”, “cô nghẹn lòng” [47, tr.170]. Quãng đường về Mỹ Tho cô thấy xa diệu vợi, nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn nhưng sự trống vắng, hụt hẫng, xấu hổ, dày vò sẽ là những cảm xúc còn đeo bám cô đến suốt cuộc đời. Bài học cho cái giá của sự non dạ, lầm tin thật quá đắt. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua độc thoại nội tâm khắc họa sâu sắc tâm lí nhân vật. Cô Ba Dung trở thành nhân vật được khắc họa tâm trạng rõ nét, mang nhiều cảm xúc trái chiều nhất trong các sáng tác của Trần Quang Nghiệp.

Đi sâu tìm hiểu thế giới nội tâm nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp, ta có cảm tưởng như bước vào một khu trưng bày phong phú, nhiều màu nhiều vẻ về những cảnh ngộ, những con người đang vùng vẫy trong hành trình chinh phục cuộc sống. Nó vô cùng phong phú và phức tạp. Đó là những nhân vật sống động, có da có thịt, có cá tính, có tâm lí riêng, rất đời thường và gần gũi. Qua nhân vật, ông bày tỏ những nỗi niềm bức xúc, trăn trở, đồng cảm của mình trước số phận, cuộc đời của họ.

Tóm lại, qua sự miêu tả, phân tích những biểu hiện nội tâm của nhân vật, Trần Quang Nghiệp giúp người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật, đồng thời chúng ta có thể thấy tài năng của nhà văn. Bằng những chiêm nghiệm của cá nhân, những quan sát tinh tế, Trần Quang nghiệp đã đem những vấn đề bức thiết của xã hội vào trong tác phẩm của mình. Đó là những trăn trở, suy tư của con người trước cuộc đời. Nội tâm của con người là vô cùng phong phú và phức tạp. Nó là tâm trạng suy tư, băn khoăn, hay những xúc cảm, những phản ứng của bản thân con người trước những cảnh ngộ tình huống mà họ chứng kiến hay phải đối mặt trên bước đường đời mình.

Có thể nói, nội tâm của con người thể hiện rõ nhất bản chất con người họ. Trong văn học cũng vậy, khi xây dựng các hình tượng nhân vật, nhà văn thường chú ý miêu tả những biểu hiện nội tâm, vì qua đó, người đọc có thể nhận thấy rõ ràng hơn về con người thật của nhân vật, về tính cách, tư tưởng và cách nhìn của nhân vật đối với con người và cuộc đời trong tác phẩm.

3.3. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ

Mỗi loại hình nghệ thuật đều có một đặc trưng riêng: hình ảnh là yếu tố cần thiết của điện ảnh, ca từ và giai điệu là phần quyết định trong âm nhạc,… còn ngôn ngữ đóng vai trò trung tâm trong tác phẩm văn học. Văn học chính là nghệ thuật của ngôn từ. Vì thế, theo như M. Gorki: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu của văn học” [40, tr.95]. Nguồn gốc tạo thành ngôn ngữ trong tác phẩm văn học chính là ngôn ngữ của cuộc sống hàng ngày. Nhưng quan trọng là nhà văn phải biết chắt lọc và nâng nó lên hàng nghệ thuật. Mỗi nhà văn, khi tiếp cận hoặc khám phá một vấn đề của hiện thực cuộc sống đều cố gắng tìm cho mình một thứ ngôn ngữ riêng. Nó góp phần tạo nên màu sắc phong phú cho kho tàng văn học Việt Nam nói riêng và ngôn ngữ Việt Nam nói chung. Tìm hiểu về ngôn ngữ trong sáng tác

của Trần Quang Nghiệp, đặc điểm nổi bật nhất đó là thứ ngôn ngữ mang đậm dấu ấn địa phương Nam Bộ trong những trang văn của ông.

Ấn tượng đầu tiên và dễ thấy nhất trong ngôn ngữ truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp chính là khả năng khai thác và vận dụng nhuần nhị, có hiệu quả vốn từ địa phương Nam Bộ để phản ánh và làm nổi bật những nét văn hóa về vùng đất và con người sông nước vùng Tây Nam Bộ. Trần Quang Nghiệp đã tạo được chỗ đứng cho riêng mình khi đưa ngôn ngữ của người dân Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trong truyện ngắn của trần quang nghiệp (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)