6. Cấu trúc của luận văn
2.3 Kiểu nhân vật mang tính triết lí
Giai đoạn giao thời là một sự chuyển mình mang tính chất bước ngoặc đầy phức tạp của quá trình hiện đại hóa nền văn học nước ta. Truyện ngắn hình thành và phát triển trong thời điểm diễn ra sự giao tranh giữa hai nền văn học: phương Đông và phương Tây. Đó cũng là lúc nền văn học trung đại chưa hoàn toàn chấm dứt vai trò lịch sử của mình và nền văn học mới chưa có một thế đứng vững chắc. Chính vì vậy, nội dung văn học thời kì này còn chịu khá nhiều ảnh hưởng của nền văn học cũ, truyện ngắn vẫn còn mang tính chất “tải đạo”. Có thể nói, đây là nội dung khá phổ biến trong các sáng tác giai đoạn này. Trong sáng tác của Trần Quang Nghiệp, quan niệm này vẫn còn những ảnh hưởng nhất định. Đúng như tác giả Lời giới thiệu tập truyện ngắn Việt Nam 1930 – 1945 nhận xét: “Truyện ngắn và tiểu thuyết trước năm 1930 chưa hoàn toàn khắc phục được chủ nghĩa quy phạm với lối biến nhân vật thành con rối trong tay số mệnh, với lối kết thúc có hậu một cách giả tạo theo kiểu duy tâm chủ quan” [31, tr.276]. Nói như vậy có nghĩa là, yếu tố truyền thống – nhân vật mang tính triết lý, vẫn còn xuất hiện trong cách viết của Trần Quang Nghiệp. Tuy vậy, cách thể hiện của Trần Quang Nghiệp vẫn có những nét đặc trưng riêng. Trong một số truyện ngắn, Trần Quang Nghiệp trực tiếp xen vào câu chuyện để bàn luận, diễn giải thể hiện quan niệm của mình. Ông đã đứng trên lập trường đạo đức, lẽ phải để cắt nghĩa, đơn giản hóa những triết lí cao xa.
Nhân vật mang tính triết lí thể hiện ở kết thúc truyện có hậu hay chỉ những dạng nhân vật phản ánh cách nghĩ của truyền thống dân gian, sự sắp
đặt trước của số phận. Đó là “ác giả ác báo”, “gieo gió gặt bão”, “ở hiền gặp lành”…
Tiêu biểu nhất cho mảng nhân vật này là truyện ngắn: Xâu chìa khóa, Trời phật công bình hay Số bạc mười ngàn.
Dùng lối viết truyền thống để phản ánh cách nghĩ hiện đại, Trần Quang Nghiệp đã thể hiện lập trường tư tưởng, đạo đức của mình. Trong truyện ngắn
Trời phật công bình, tác giả thể hiện quan niệm “ác giả ác báo”. Cốt truyện khá đơn giản. Trong một đêm mưa gió, tên cướp của giết người sau khi làm phi vụ trên chuyến xe lửa, xuống xe hắn định làm phi vụ tiếp theo thì bị vợ chồng hai Môn giăng bẫy giết chết. Tuy nhiên, sau đó họ mới nhận ra kẻ bị giết chính lại là thằng Lành – đứa con ruột của mình đã bỏ đi biệt xứ mấy năm nay. Câu chuyện kết thúc bằng tiếng la vang động cả khu rừng: “Trời ơi… con tôi” [47, tr.157], sét đánh một tiếng lớn rồi im bặt. Câu chuyện là lời nhắc nhở với những bậc cha mẹ trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Chỉ với ba nhân vật, cốt truyện đơn giản, Trần Quang Nghiệp đã xây dựng lên một câu chuyện đầy đủ diễn biến, tình tiết và nội dung cụ thể, sinh động. Nhân vật trong truyện là minh chứng cho tục ngữ “ác giả ác báo”, “gieo gió gặt bão”. Vợ chồng hai Môn sống bằng nghề trộm cướp, gây bao tội ác cho mọi người nay chính tay họ lại giết chết đứa con duy nhất của mình. Đó chính là hình phạt mà họ phải gánh chịu.
Ở một góc độ khác, nhà văn thể hiện một quan niệm khác, một cách nghĩ, lối sống khác, những con người phụ khó tham sang thì cuối cùng họ sẽ nhận lấy hậu quả. Đó chính là bài học mà Trần Quang Nghiệp muốn gửi gắm đến bạn đọc qua tác phẩm Số bạc mười ngàn. Cậu Hai Lang tổ chức đám cưới nhưng không muốn mời bác của mình, vì chê bác nghèo khó. Nghe tin cháu có chuyện mừng ông Hương hào dù ở xa cũng cố gắng lên chung vui. Thấy bác mình ăn bận rách rười thì cậu hai Lang tỏ ra khinh thường, né tránh: “Cậu
hai Lang dòm kỹ thấy ông bịt một cái khăn đen mà chỗ mấy lằn xếp bị dán cắn nên bày tim đèn ra trắng trắng, áo cổ giữa ông giặt ở nhà nên không được sạch, bâu không cứng; đôi giày da láng ông dùng đã lâu nên hết láng hết đen mà lại trổ màu mốc mốc” [47, tr.202]. Cậu hai Lang chỉ lo chăm chăm tiếp mấy ông thầy cai thầy phó, ông hội đồng. Ông Hương hào buồn tủi mà ra về trong nước mắt: “ông ngồi làm thinh nước mắt rịnh nơi hai khóe rồi chảy ào ra lăn dài theo má”. Vài hôm sau, người ta nhận được tin: “Ông Hương hào Y ở Biên Hòa mới hiến cho hội Phước thiện số bạc 10.000$00. Nếu nghe không lầm thì ông nầy làm ăn tiện tặn dành để đặng bấy nhiêu đó tính chừng cháu ông có vợ sẽ đem cho nó vì ông không con; chẳng dè cháu ông tưởng ông nghèo hèn mà bạc đãi ông, ông buồn nên mới đem mà cúng hết cho hội” [47, tr.203]. Đây chính là bài học cho cậu hai Lang và những con người phụ khó tham sang, thấy giàu trước mắt mà quên đi ân tình, đạo nghĩa.
Một bài học làm người khác được tác giả thể hiện qua nhân vật Hai Thông trong truyện ngắn Xâuchìa khóa. Con người phải sống trung thực, biết ăn năn chữa lỗi, có vậy mới gặp được nhiều may mắn. Thầy Hai Thông giữ tiền cho ông chủ bị mất năm ngàn đồng, ông bắt thầy mỗi tháng phải lấy phân nửa số lương để trừ nợ. Cuộc sống thầy Hai Thông từ đó vất vả, vợ con cũng khổ lây. Thậm chí có lúc thầy nghĩ “muốn cho bớt khổ thì thầy phải tự giết mình hoặc là giết ông chủ đi là xong” [47, tr.189], hoặc có lúc cơ hội thuận tiện: thầy chỉ cần bước tới ít bước, sẵn có xâu chìa khóa trong tay, mở tủ lấy giấy nợ xé đi là xong chuyện. Thế nhưng thầy không làm được vì thầy còn có lương tâm của một con người. Chính lương tâm trong sạch của thầy khiến ông chủ nhận ra và trân trọng. Ông chủ xé giấy nợ trước mặt thầy: “Tôi chẳng phải tiếc chi mà buộc thầy phải khổ cực trong hai năm trường, tôi cũng thương hại cho thầy lắm nhưng không lẽ tha thầy lập tức, phải làm vậy mới được. Bây giờ thầy đã biết ăn năn thì tôi vui mừng lắm” [47, tr.191]. Thật đáng quý và trân
trọng những con người thật thà, ngay thẳng và tấm lòng bao dung, độ lượng. Đây cũng chính là cách sống mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc.
Nhân vật được xây dựng theo lối sống truyền thống, có phần gượng ép, áp đặt nhưng đã thể hiện được quan niệm đạo lí của tác giả. Thông qua tác phẩm, người đọc có thể tự rút ra cho mình những bài học quý giá về lối sống. Đây cũng chính là mục đích của tác giả. Có thể thấy, lối viết tải đạo, tuy còn nhiều hạn chế nhưng đã phần nào tạo nên những giá trị nhất định trong sáng tác của Trần Quang Nghiệp.