6. Cấu trúc của luận văn
2.2 Kiểu nhân vật có lối sống buông thả, phóng túng, sa đọa
Đến đầu thế kỷ XX, tốc độ của cuộc sống gấp và nhanh hơn so với trước, mối liên hệ giữa thành thị và quan hệ giáo lưu quốc tế trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội làm cho thành thị thay đổi mau lẹ. Tầng lớp thị dân ngày càng đông. Lối tư sản văn hóa lan tràn nơi phố phường “chật hẹp”, người “đông đúc”. Trong môi trường ấy, các tầng lớp và giai cấp xã hội ở thành thị, trí thức tân học, tiểu thương, tiểu chủ, công chức… thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, muốn sống và giải trí trong môi trường náo nhiệt, khao khát cái lạ, cái luôn luôn đổi thay.
Bên cạnh những tác phẩm đề cao tính nhân nghĩa, đạo lí, trong một số truyện ngắn, Trần Quang Nghiệp đã phơi bày sự thật trần trụi về một xã hội với những con người có lối sống buông thả, phóng túng, sa đọa. Đó là những con người, khi có chút tiền của trong tay đã dễ dàng thay đổi tâm tính, đánh mất bản thân và các giá trị sống tốt đẹp. Họ se sua, học đòi ăn chơi, thích sống cuộc sống phóng túng, hưởng lạc mà quên đi nghĩa vụ, bổn phận của mình.
Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này, đầu tiên phải kể đến Thầy ba Long trong
Nông nổi vì đâu. Thầy ba Long làm việc ở một hãng buôn lương khá cao, viện cớ mở rộng đường giao thiệp với mấy vị thương gia ở Sài Gòn, lục tỉnh, thầy nói dối vợ con là đi đánh tennis, bi-da. Sáng sớm Thầy đi làm, chiều đánh tennis, bi-da. Hôm nào bạn bè rủ rê đánh chén Thầy đi khuya lắc khuya lơ
mới về, bỏ mặc vợ con đợi chờ mỏi mòn. Mà nào có phải siêng năng tập luyện thể dục thể thao gì cho cam, chẳng qua là thầy viện cớ để đi đánh bài, hóng mát, tắm suối nước nóng …với cô nhân tình. Vì thói trăng hoa, Thầy lừa dối vợ con:
Cô nói nếu tốn kém như vậy còn chơi làm chi, thầy trả lời cũng hay, làm cho cô không rầy được. Thầy nói thầy ốm yếu nhờ thể thao mới ăn được ngủ được, thân thể tráng cường làm việc mới nổi, tuy tốn hai ba chục mà lợi được gần hai trăm nếu cô sợ tốn mà không cho thầy chơi thì thầy ăn không vô, ngủ không thẳng giấc, ốm o gầy mòn làm sao làm việc cho nổi mà nuôi cô. Hễ ốm o gầy mòn thì có khi cũng chết; hay là cô muốn thầy chết đặng cô lấy chồng khác… Buổi chiều thầy đánh tennis buổi tối ở không, thầy nói buồn, thầy đi đánh bi-da. Thầy với cô rằng đánh bi-da vui lắm, thầy đánh mau giỏi, thầy ham lắm, cho nên bữa nào cũng đi khuya lơ khuya lắc mới về. [67, tr.22].
Vậy mà ngờ đâu, Thầy hẹn vói cô nhân tình “Thầy đi Xuân – trường tắm suối với cô ở phòng số 8” [67, tr.23].
Không chỉ có thầy Ba Long, chàng Tống Ngọc trong truyện ngắn Tủi phận thuyền quyên cũng không kém cạnh gì. Cưới vợ được ba năm, Tống Ngọc bắt đầu trở mặt: “…tình ý chồng có hơi đổi, ban đầu còn có anh em tới rủ mới đi, sau thì không cần ai rủ ai mời, đi cả đêm khuya lơ khuya lắc mới chịu về, tôi có hỏi thì nói đi hội nầy hội nọ, tiệc nọ tiệc kia… Cuối tháng tiền lương không thấy đem về” [67, tr.56]. Khuyên nhủ mấy Tống Ngọc cũng không nghe còn hắt hủi vợ con ra mặt. Bao nhiêu tiền của làm được, Tống Ngọc tiêu sài hoang phí, cung phụng cho nhân tình, bỏ mặc vợ con đói khổ phải đi vay đi mượn khắp nơi. Tệ bạc hơn, hắn còn dắt nhân tình về nhà, âu yếm ngay trước mặt vợ mình. Khi đã hết tình cạn nghĩa, Tống Ngọc thú thật
là mình không còn yêu vợ nữa và cho phép cô đi lấy chồng khác. Sau đó, hắn dọn đồ về ở hẳn với vợ bé, để người vợ gầy yếu một mình, tay ẳm con, tay xách vali bắt xe đò về Đà Lạt xin tá túc nhà cha mẹ ruột.
Thầy Ba Long và Tống Ngọc đều có điểm giống nhau. Lúc đầu, họ đều là những người nghiêm chỉnh, mực thước, yêu vợ thương con vô cùng. Từ khi đi làm, nhu cầu công việc phải và được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, trong túi có tiền, cả hai mới bắt đầu thay đổi tâm tính, tệ bạc với vợ con và trở thành kẻ ăn chơi trác táng. Cả hai đều là những con người thiếu ý chí, bản lĩnh khi đứng trước sự cám dỗ của tiền bạc, địa vị và danh vọng.
Có thể thấy, trong xã hội đang “chuyển mình” ấy có khối kẻ đam mê của lạ, sẵn sàng chà đạp lên ân tình đạo nghĩa để thỏa mãn dục vọng. Với họ, một gia đình êm ấm, hạnh phúc thôi chưa đủ. Họ muốn hưởng cho trọn mọi lạc thú trần gian. Nhắc đến vấn đề này cũng phải nói đến thầy Lưu Kim Phụng, với Năm người vợ lẻ. Ông đã nạp thêm năm người vợ lẻ cho mình, mỗi người một nơi: Gia Định, Đất Hộ, cầu Ông Lảnh, chợ Đũi và Khánh Hội. Vì muốn được hưởng lạc thú trần gian và thỏa mãn dục vọng của mình, ông đã không ngại ngần bỏ tiền ra để nuôi năm người vợ này. Lúc thầy còn sống “Thầy yêu họ mà dường như họ cũng yêu thầy… Người nào cũng một hai đòi ở bên thầy mà nuôi thầy, mà chịu đau chịu thương cùng thầy” [86, tr.8]. Nhưng có ngờ đâu, chữ tiền làm lòng người thay đổi: “Năm người vợ lẻ của thầy Lưu Kim Phụng, người nào cũng vì năm trăm đồng bạc mà dẹp nghĩa tình sang một bên. Bữa chôn thầy, năm người vợ lẻ của thầy không một ai có mặt.” [86, tr.8]. Lối sống hưởng lạc ấy không mang lại cho thầy Lưu Kim Phụng một người bạn đời tri âm tri kỷ mà chỉ thấy sự dối trá lọc lừa.
Không chỉ có người chồng, cả người vợ - vốn được xem là biểu tượng của sự tận tụy, chung thủy cũng thay đổi. Điển hình là người vợ trong Lòng người khó biết đã tằng tịu với anh Chà (người ở đậu trong nhà) và có mang. Đến khi
người con được sinh ra, chị vợ mới thú nhận: “Vậy chớ ai nói con mình bao giờ đâu?” [47, tr.159]. Câu nói tỉnh rụi của chị vợ bất giác làm người đọc thở dài ngao ngán và rồi day dứt, trăn trở suy nghĩ mãi. Người phụ nữ là biểu tượng cho sự tận tụy, chung thủy, nay cũng thay đổi. Xã hội mới, với nhiều thay đổi đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều người trở nên thay lòng đổi dạ. Tiếp xúc với nền văn minh phương Tây mang lại nhiều cơ hội hội nhập với văn hóa mới. Tuy nhiên, nó cũng để lại nhiều tai hại về phương diện đạo đức: con người sống buông thả, tự do phóng túng. Người phụ nữ vốn được xem là chính chuyên nay lại tự do quan hệ với cả người ở trong nhà.
Làn sóng Âu hóa làm đảo lộn gần như hoàn toàn đời sống người dân Nam kỳ lục tỉnh. Bên cạnh những con người muốn sống theo lối tự do yêu đương, tự do hôn nhân lại có những con người sống lối sống phóng túng, buông thả. Trần Quang Nghiệp đã kịp thời phản ánh cách sống mới này trong tác phẩm của mình. Tuy vậy, ông không phản ứng gay gắt như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Công Hoan…mà chỉ châm biếm, nhẹ nhàng nhưng rất thấm thía.
Vấn đề này, trong tác phẩm Trước khi cưới đã được Trần Quang Nghiệp phản ánh khá sâu sắc và đậm nét. Là người con gái tân thời, Thanh Tâm sống theo lối sống tự do, cô được tự do yêu đương và tự do kết hôn với người mình yêu. Tuy nhiên, lối sống tự do ấy đã khiến cô trở nên dễ dãi, phóng đãng. Cô không còn chút nghi ngờ gì về người chồng sắp cưới. Hằng đêm:
Khi Thanh Tâm đóng cửa phòng lại thì trong chỗ cô ngủ thấy có hai người: cô và Trương Ngọc Vĩnh là chồng chưa cưới của cô. Chàng họ Trương đi làm rễ lần này không phải là lần thứ nhất, mà anh vào phòng vị hôn thê của anh lần này cũng chả phải là lần thứ nhất nữa. Hai người lên giường nằm. Ôm nhau, nói chuyện nhau thật nhỏ, hun nhau. Hai trẻ lúc bấy giờ, quên hết cả những chuyện ở đời mà hưởng cái thú vui tình ái. [81, tr.8].
Cái thứ ái tình đã làm cho Thanh Tâm quên đi nghĩa vụ của bản thân, nó cuốn lấy cô “trong phòng tối, Thanh Tâm không chống nỗi với dục tình” [81, tr.8]. Không một chút nghi ngại, cô đem chữ trinh giao cho anh trước ngày cưới. Hành động gian díu ấy không chỉ một lần, mà được lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau này, khi Thanh Tâm mang thai, anh ta trở mặt, đòi “năm ngàn đồng mới chịu cưới” [81, tr.8]. Cô tự tử bằng dấm hòa với thuốc phiện. Cái kết đau đớn, sự nhục nhã, ê chề mà Thanh Tâm phải chịu chính vì lối sống “tự do” ấy. Cô đánh mất nhân phẩm của mình, trở thành hạng con gái dễ dãi ngay trong chính ngôi nhà của mình. Hòa theo lối sống mới của thời đại là điều cần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh mất đi văn hóa truyền thống dân tộc, đạo đức xã hội. Phải nói thêm, kết cục đau đớn mà cô Thanh Tâm nhận lấy chính từ vấn đề cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Trong truyện ngắn này, chính lối suy nghĩ phóng khoáng của ông bà Đặng Nguyên Văn đã làm hại con gái mình: “Có lần bà hay rằng Trương Ngọc Vĩnh lẻn vào phòng của Thanh Tâm. Nhưng bà để vậy mà nghĩ thầm rằng: “Bề nào cũng là vợ của nó”. Rồi bà không buồn gìn giữ cho con gái bà” [81, tr.8].
Càng đi sâu vào thế giới nhân vật trong tác phẩm, chúng ta càng nhận ra sự suy thoái về mặt đạo đức, về tình trạng trụy lạc, lối sống buông thả của tầng lớp thanh niên tri thức và đại bộ phận trung niên trước cánh mạng tháng tám. Họ băn khoăn không biết làm gì trước thời cuộc, để rồi rơi vào con đường sống phóng đãng, vô luân. Tác phẩm như một hồi còi báo động về việc cải cách lại nhận thức đúng đắn cho thanh niên và những con người nhầm lẫn về lối sống của mình. Tuy nhiên, để thay đổi lối sống sai lầm ấy không phải là điều dễ dàng. Bởi hiện thực xã hội đã tạo điều kiện cho họ sống lối sống như vậy.
Dùng ngòi bút của mình, Trần Quang Nghiệp nhắc nhở nhẹ nhàng những con người lầm lỗi, có lối sống buông thả, tự do phóng đãng. Trong quan niệm
của nhà văn, những sai lầm trong lối sống này không phải xuất phát từ căn nguyên xã hội mà trách nhiệm thuộc về chính bản thân con người. Trước những biến đổi to lớn của xã hội, mỗi người cần lựa chọn cho mình lối sống phù hợp nhưng không đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp.