Vai trò của caosu tiểu điền trong hệ thống nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cây cao su tại huyện ia pa, tỉnh gia lai (Trang 30 - 33)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

1.1.3. Vai trò của caosu tiểu điền trong hệ thống nông nghiệp

1.1.3.1. Cây cao su trên phương diện kinh tế, môi trường và xã hội

- Các lợi ích kinh tế:

Ngoài nhóm sản phẩm chính là mủ cao su, còn có các sản phẩm phụ lấy từ cao su là: Hạt cao su và gỗ cao su (sau khi hết chu kỳ kinh doanh mủ). Mỗi ha cao su có thể cho từ 250 - 500 kg hạt cao su, hạt cao su thu được phục vụ ươm giống cho vườn cây trồng mới và tái canh. Ngoài ra hạt cao su còn có nhiều giá trị kinh tế khác như ép lấy dầu, do có đặc tính mau khô nên dùng dầu cao su để pha chế nhựa Ankit để dán gỗ, làm ván ép… Khô dầu còn lại làm thức ăn cho gia súc hay phân bón. Khi vườn cao su hết thời kỳ kinh doanh mủ, vườn cao su còn cho số lượng gỗ lớn, sản phẩm từ gỗ cao su đang được thị trường ưa chuộng. Trong tương lai nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên sẽ ngày một khan hiếm, nên chắc chắn rằng nguyên liệu gỗ cao su sẽ ngày càng có giá trị và giá gỗ cao su sẽ tăng lên rất cao [3].

Ngoài ra, trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (2 - 3 năm) có thể thu lợi từ việc trồng xen giữa hàng cao su một số cây trồng ngắn ngày như lúa, bắp, đậu… (500 - 1000 kg thóc hoặc 300 - 500 kg đậu/ha/năm) [13]. Có những vùng, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên có ở bờ lô, trong vườn cao su để chăn thả gia súc như bò, dê đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng cao su, đặc biệt trong giai đoạn giá cả một số nông sản bấp bênh như hiện nay.

- Các lợi ích về môi trường:

Bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế, cây cao su được xem là cây thân thiện với môi trường với khả năng đóng góp về sinh khối của vườn cao su sau một chu kỳ kinh

doanh tương đương với rừng tự nhiên nhiệt đới ẩm, song song với tác dụng phục hồi đất đai nhờ khả năng che phủ đất thường xuyên như rừng. Các nghiên cứu cho thấy trong chu kỳ kinh doanh của mình 1ha cao su có thể đồng hóa đến 135 tấn Carbon. Sản xuất cao su thiên nhiên mang ý nghĩa thân thiện với môi trường còn nhờ vào việc tiêu thụ năng lượng rất thấp của vườn cao su để sản xuất ra cao su thiên nhiên so với sản xuất cao su nhân tạo (từ 7 - 11 lần thấp hơn). Bên cạnh đó, so với một số cây trồng dài ngày khác như chè, dừa, cọ dầu, lượng dinh dưỡng cây cao su lấy đi từ đất để tạo ra sản phẩm thu hoạch thấp hơn nhiều, chưa kể hàng năm 1ha cao su còn hoàn trả lại cho đất một khối lượng lớn chất dinh dưỡng và chất hữu cơ thông qua khoảng 6 tấn lá rụng trong mùa qua đông [13].

- Hiệu quả xã hội:

Việc trồng và chăm sóc khai thác cây cao su đòi hỏi một lực lượng lao động khá lớn và ổn định lâu dài khoảng 30 - 40 năm. Bình quân 1 lao động cho 2,5 - 3,5 ha, chế biến cho 1 tấn mủ cốm cần 6 lao động, ngoài ra còn có thể sử dụng lao động phụ để canh tác cây trồng xen trên vườn kiến thiết cơ bản… cho nên trên các diện tích cao su một số lượng nhân công ổn định sẽ có công việc thường xuyên và ổn định trong một thời gian dài. Với hệ thống các nông trường và xí nghiệp chế biến, các cơ sở hạ tầng về kỹ thuật và xã hội ngành cao su xây dựng sẽ tạo điều kiện hình thành hàng loạt khu dân cư, thị trấn, thị tứ trên những vùng kinh tế mới góp phần phát triển đô thị hóa, đưa văn minh đô thị tới các vùng nông thôn và vùng đồng bào các dân tộc ít người [9]

1.1.3.2. Nghiên cứu về cách quản lý cao su tiểu điền

- Tại Ấn Độ:

Ấn Độ là một trong những nước có diện tích cao su do tiểu điền quản lý lớn nhất, 88,4% so với 93% của Malaysia, 90,5% của Thái Lan và 85% của Indonesia. Cao su tiểu điền Ấn Độ bắt đầu trồng đại trà vào những năm đầu 1920. Trước ngày độc lập Ấn Độ (năm 1946), tỷ lệ tiểu điền sở hữu vườn cao su quy mô trên 40 ha chiếm đến 58,9%. Trong khi thời kỳ này tỷ lệ tiểu điền chỉ chiếm 33,2% trên tổng diện tích cao su nước này thì cho đến năm 2000 đã là 88% và năm 2007 lên đến 90%. Giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2007 là thời kỳ thịnh vượng của phát triển cao su tiểu điền Ấn Độ.

Ấn Độ được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước trong việc phát triển ngành cao su, điển hình là các tổ chức Nhà nước được thành lập từ cấp Chính phủ. Ủy hội cao su là tổ chức trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp, được thành lập theo Luật cao su (sản xuất và tiếp thị) vào năm 1947, là cơ quan cấp quốc gia duy nhất chịu trách nhiệm về việc phát triển ngành cao su nước này. Ủy hội quản lý trong các lĩnh vực như sản xuất, nghiên cứu cao su, tài chính kế toán, đào tạo, phát triển thị trường, chế biến và phát triển sản phẩm… Trực thuộc Ủy hội quan trọng nhất là Ban sản xuất cao su, dưới

sự hỗ trợ của các Ban nghiên cứu, đào tạo, chế biến và phát triển sản phẩm. Ban này được phân bổ đến 160 văn phòng tại các vườn cao su, 5 văn phòng trong vùng và 40 văn phòng trong khu vực, có 10 văn phòng tại các vườn ươm.

Cho đến nay, ngành cao su Ấn Độ đã thu được 2 thành tựu quan trọng là năng suất cao nhất về sản lượng trên 1 đơn vị diện tích và giá bán cao su tại vườn cây của tiểu điền cũng đạt mức cao nhất. Số liệu năm 2008 cho thấy năng suất vườn cây của Ấn Độ đạt cao nhất trong các nước, 1.896 kg/ha so với các nước khác như Thái Lan chỉ 1.706 kg/ha, Việt Nam 1.660 kg/ha, Malaysia 1.430 kg/ha.

Các yếu tố dẫn đến thành công trong ngành cao su nước này chính là cộng đồng nông nghiệp dám nghĩ dám làm, việc chuyển giao công nghệ hiệu quả và làm tốt công tác nghiên cứu dự phòng. Tuy nhiên nước này cũng gặp 2 khó khăn chính là quy mô vườn cây trung bình thấp nhất trong các nước sản xuất cao su lớn. Năm 2007, tỷ lệ tiểu điền sở hữu diện tích cao su dưới 2 ha chiếm 76,9% trong tổng diện tích cao su nước này. Khó khăn thứ 2 là điều kiện khí hậu nông nghiệp và các đặc trưng về địa hình không thuận lợi cho trồng cây cao su tại Ấn Độ [28].

- Tại Thái Lan:

Chính phủ đã thành lập văn phòng Qũy hộ trợ tái canh cây cao su từ năm 1960, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã (ORRAF: The Office of the Rubber Replanting Aid Fund). ORRAF có nhiệm vụ tài trợ cho nông dân tái canh cao su với giống mới năng suất cao và cung cấp vật tư phân bón, khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật tiến bộ, thành lập các Hợp tác xã sơ chế cao su chất lượng cao và hình thành mạng lưới các chợ cao su để nông dân và thương gia mua bán sòng phẳng, công khai [13].

- Tại Malaysia:

Tổ chức FELCRA được chính phủ thành lập từ năm 1966 nhằm phục hồi đất nông nghiệp để tăng thu nhập cho các nhóm nông dân, tăng diện tích cho các hộ. Các cây trồng được FELCRA hỗ trợ là cây cao su, cọ dầu, lúa và một số cây khác. Tổ chức thứ hai cũng có chức năng hỗ trợ cao su tiểu điền là RISDA có nhiệm vụ hỗ trợ nông dân tái canh cao su và thành lập một số cơ sở hạ tầng giúp phát triển cao su tiểu điền như xây dựng các xưởng sơ chế cao su, nhà kho, phòng hội họp, đường làng, cầu cống… Tổ chức thứ ba là FELDA có nhiệm vụ khai hoang đất mới để định cư dân nghèo không có đất và Chính phủ cho vay vốn khai hoang, trồng mới, chăm sóc và thu hồi vốn đầu tư khi cây cao su được cạo mủ [13].

Từ đó, chúng ta thấy được phát triển cao su tiểu điền có sự hỗ trợ của các tổ chức đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đáng để một số quốc gia khác nghiên cứu và học tập, trong đó có nước ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cây cao su tại huyện ia pa, tỉnh gia lai (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)