Đặc điểm vườn cây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cây cao su tại huyện ia pa, tỉnh gia lai (Trang 57 - 59)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

3.2.2. Đặc điểm vườn cây

- Thời gian trồng và khai thác

Cao su được trồng ở huyện Ia Pa chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, thời điểm trồng trong năm thường vào đầu mùa mưa (tháng 6, tháng 7 Dương lịch).

Cao su tiểu điền: Trồng năm 2008 có 03 hộ chiếm 37,5% số hộ và chiếm 40,6% tổng diện tích cao su tiểu điền, năm 2009 có 01 hộ trồng chiếm 12,5% số hộ và chiếm 12,5% tổng diện tích, năm 2010 có 02 hộ trồng chiếm 25% số hộ và chiếm 34,4% tổng diện tích, năm 2011 và 2012 có 02 hộ trồng cao su chiếm 25% số hộ và chiếm 10% tổng diện tích cao su tiểu điền. Các hộ trồng năm 2008 đã và đang khai thác từ tháng 6/2014 đến nay. Nhìn chung các hộ chăm sóc cao su đến năm thứ 6 bước sang năm thứ

7 mới tiến hành khai thác. Hộ trồng cao su năm 2009 đến 6/2015 đã đến tuổi khai thác, nhưng vì giá mủ cao su đang ở mức thấp nên sẽ tiếp tục chăm sóc, chờ giá tăng lên.

Cao su đại điền: Sau khi hoàn tất các thủ tục về đầu tư, Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai tiến hành san ủi chuẩn bị đất trồng cao su vào mùa mưa năm 2008, sau đó vào mùa mưa các năm 2009 - 2012 Công ty tiến hành trồng dặm để đảm bảo mật độ cao su. Cao su trồng năm 2008 đã cho khai thác từ tháng 6/2014, đến tháng 12/2014 thì ngừng cạo.

- Mật độ cao su

Khoảng cách tối thiểu giữa các cây thường là 2,8m và tối đa là 3,5m. Khoảng cách giữa các hàng tối thiểu là 6m và tối đa là 8m. Khoảng cách thường dùng là 7 x 2.8, 6.7 x 2.7, 6 x 3m. Theo đó, mật độ cây mới trồng trên 1 ha thường là từ 500-555 cây, về sau đốn tỉa những cây nhỏ, cạnh tranh kém chỉ còn khoảng 450cây/ha là vừa [7].

Lô cao su kiến thiết cơ bản có từ 70% số cây đạt tiêu chuẩn mở cạo trở lên thì được đưa vào cạo mủ. Đối với những vườn cây mở cạo có > 90% đủ tiêu chuẩn thì sẽ mở toàn bộ số cây trong vườn.

+ Mật độ cao su tiểu điền Thời kỳ kiến thiết cơ bản:

Các hộ dân trồng cao su ở huyện học cách thiết kế lô cao su chủ yếu từ người bán giống cao su hoặc tự tìm hiểu trên thông tin đại chúng, mật độ thiết kế trồng cao su của các hộ dân là 6 x 3 m tương đương 555 cây/ha. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, các hộ trồng dặm khoảng 1 - 2 lần vào mùa mưa của những năm tiếp theo.

Qua điều tra các hộ trồng cao su tiểu điền thì có 25% số hộ không trồng dặm do cao su trồng sống gần 100%, có 25% số hộ trồng dặm 1 lần và 50% số hộ trồng dặm lại 2 lần. Lý do trồng dặm lại 2 lần vì mua giống ở xa (mua tại Bình Phước) vận chuyển xa nên cây con mất sức sinh trưởng, tháng 7 có giai đoạn tiểu hạn, các hộ dân trồng không tưới nước dẫn đến chết cây. Mật độ vườn cao su năm thứ 3 trung bình 550 cây/ha, vườn cao su năm thứ 4 trung bình là 544 cây/ha và vườn cao su năm thứ 5 trung bình là 536 cây/ha. Mật độ cây giảm dần vì một số cây trồng dặm bị những cây trồng trước cạnh tranh ánh sáng, chất dinh dưỡng nên bị người dân chặt bỏ.

Thời kỳ kinh doanh:

Kết quả theo dõi số cây cao su khai thác năm thứ 1 và năm thứ 2 thì mật độ cây cao su của các hộ này giao động trong khoảng 490 - 530 cây/ha, và có sự thay đổi theo từng năm. Năm cạo thứ nhất, trong các hộ có diện tích cao su đang khai thác thì có 33,3% số hộ có mật độ cao su khai thác < 500 cây/ha và 66,7% số hộ có mật độ cao su

khai thác >500 cây/ha. Đến năm cạo thứ hai, qua theo dõi vườn cao su khai thác thì có 100% số hộ có mật độ cao su cho khai thác >500 cây/ha. Năm cạo thứ hai đạt mật độ cây cho khai thác cao hơn năm cạo thứ nhất, vì năm cạo thứ hai các cây trồng dặm đủ tiêu chuẩn mở miệng cạo và cho khai thác.

+ Mật độ cao su đại điền Thời kỳ kiến thiết cơ bản:

Cao su đại điền tổ chức trồng cao su tương đối bài bản, thiết kế theo lô, ô và hàng trồng. Mỗi lô thiết kế tối đa là 25 ha tùy theo địa hình. Hướng trồng của hàng tùy theo địa hình và vuông góc với độ dốc vùng đất để chống xói mòn. Những địa hình bằng phẳng chọn hàng theo hướng Bắc - Nam. Mật độ trồng theo thiết kế là 6,5 x 3 m tương ứng 512 cây/ha.

Theo thống kê của Phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai, Nông trường Ia Pa năm 2008 trồng 1.199 ha cao su, năm 2009 tỷ lệ cây chết là 20% và đã trồng dặm 122.700 cây, năm 2010 tiếp tục trồng dặm 100.000 cây, năm 2011 tiếp tục trồng dặm 5.000 cây và năm 2012 tiếp tục trồng dặm 4.000 cây. Tổng số lần trồng dăm lên đến 4 lần.

Nhìn chung, có khoảng 700 ha cao su có mật độ > 450 cây/ha. Số còn lại, mật độ trong giai đoạn kiến thiết cơ bản < 300 cây/ha. Năm 2014, sau khi phá bỏ 185,9 ha cao su vì không đảm bảo mật độ khai thác, chậm phát triển, thì vẫn còn hơn 300 ha cao su không đạt yêu cầu. Nâng diện tích cao su không đảm bảo mật độ khai thác, chậm phát triển của Nông trường lên gần 500 ha, chiếm trên 40% tổng diện tích.

Nguyên nhân của việc trồng dặm nhiều lần là do việc khảo sát vị trí trồng dặm chưa tốt, những vị trí dưới chân đồi đến mùa mưa mạch nước ngầm lên cao dẫn đến tình trạng cây cao su chậm phát triển và chết. Ngoài ra, do đất được Nhà nước cho thuê trồng cao su nên khi cao su chết, chưa xin được chủ trương của tỉnh để trồng cây khác, phải tiếp tục trồng lại cao su.

Thời kỳ kinh doanh:

Trong khoảng hơn 700 ha cao su đủ tuổi khai thác của Nông trường, mật độ bình quân là 480 cây/ha. Năm 2014, do giá mủ thấp và chưa tuyển đủ công nhân cạo mủ nên Nông trường chỉ tiến hành khai thác 70 ha, diện tích còn lại tiếp tục chăm sóc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cây cao su tại huyện ia pa, tỉnh gia lai (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)