Bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống người bệnh và làm cho họ mất đi nhiều khả năng sinh hoạt bình thường. Mặt khác, phần lớn người bệnh bắt đầu bị bệnh khi còn trẻ và bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm được coi như một bệnh mạn tính làm người bệnh mất đi hoặc suy yếu những khả năng sinh hoạt như: suy nghĩ, học hỏi, giao tiếp xã hội, làm việc, tình cảm, các mối quan hệ cá nhân cũng như quan hệ xã hội.
Ở nước ta từ năm 1999 khi Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu Quốc gia Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đã có những chương trình chăm sóc phục hồi khả năng sinh hoạt cho người bệnh, đây là một phần trong kế hoạch trị liệu bao quát cho người bệnh rối loạn lo âu sau khi họ đã tương đối ổn định, không còn các triệu chứng rối loạn tinh thần. Mục tiêu của việc chăm sóc và phục hồi cho người bệnh là đề cập tới các điểm chính như sau:
- Khả năng sống còn
Biết tự chăm sóc bản thân, biết cách ăn uống lành mạnh hợp với tình trạng sức khoẻ, biết cách nấu ăn, mua sắm, giữ gìn vệ sinh thân thể, thu xếp chỗ ăn ở, biết cách sử dụng những phương tiện công cộng để đi lại.
- Khả năng giao tiếp xã hội
Người bệnh được hướng dẫn để dần dần lấy lại và tăng cường lòng tự tin, sự tự trọng, biết cách giao tiếp và đối thoại với người khác, biết cách giải quyết những khúc mắc, bất đồng ý kiến với người khác một cách thoả đáng. - Khả năng thích nghi và đối phó với những khó khăn hàng ngày
Người bệnh được giúp đỡ và hướng dẫn trong việc tìm cách giảm bớt những căng thẳng tinh thần.
- Khả năng tổ chức cuộc sống
Người bệnh được hướng dẫn trong việc thu xếp và tổ chức cuộc sống hàng ngày sao cho có nề nếp, thành một thông lệ, có giờ giấc, biết sử dụng giờ rảnh một cách hữu ích và thoải mái.
- Khả năng làm việc
Làm việc cũng giúp cho con người cảm thấy mình có ích, thoả mãn vì mình đã hoàn thành được một điều gì đó, tự tin vào khả năng của mình, đồng thời đóng góp phần của mình vào cuộc sống xã hội. Làm việc còn tạo cho con người cơ hội để giao tiếp với người khác, có bạn bè quan hệ tình cảm lành mạnh. Chú ý: Việc điều trị bằng thuốc không thể phục hồi được những khả năng này một cách toàn vẹn. (Hiện nay có một số thuốc mới có khả năng cải thiện khả năng tư duy và nhận thức của người bệnh). Một số người bệnh đã từng nằm điều trị trong các bệnh viện tâm thần nhiều ngày và đã quen với lối sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ, chỉ dẫn và chăm sóc của các bác sỹ, điều dưỡng và các nhân viên y tế khác trong mọi chuyện; họ thường không phải lo lắng đến việc ăn ở cho bản thân cũng như không phải lo cho gia đình. Sau nhiều ngày sống như vậy, nghị lực, tinh thần, óc sáng tạo, khả năng tháo vát, ứng biến với cuộc sống ngoài xã hội của họ bị ảnh hưởng nặng nề, cho đến khi họ phải trở về sống với gia đình thì họ trở thành gánh nặng cho gia đình. Nếu họ không được có cơ hội để làm lại cuộc đời thì họ sẽ tiếp tục là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chương trình chăm sóc và phục hồi khả năng sinh hoạt chính là cơ hội để họ có thể làm lại cuộc đời.