Tỷ lệ NCBSM ở các quốc gia trên thế giới khác nhau theo từng khu vực. Theo số liệu tổng hợp toàn cầu giai đoạn 1998 - 2004 của cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tỷ lệ này NCBSM khá cao ở một số nước như Rwada (80,3%), Uganda (60,3%) hay Madagascar (67%) nhưng lại rất thấp ở Nigeria (0,8%). Cũng theo báo cáo này thì tỷ lệ NCBSM ở một số nước khu vực Châu Á cũng có sự khác biệt tương tự, cụ thể như ở Nepal là 68%, Ấn Độ là 43%, Indonesia là 39,5%, Philippin là 33,5% và Campuchia là 11,4% [33].
Như đã đề cập ở trên, nuôi con bằng sữa mẹ là can thiệp hiệu quả nhất đối với giảm tử vong trẻ em đã được rất nhiều nghiên cứu khẳng định. Các tác giả đã chỉ ra rằng, cho trẻ bú mẹ và cho ăn bổ sung hợp lý có thể giảm được 19% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi [26]. Ngoài bằng chứng rõ ràng về giảm tỷ lệ tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp là 2 bệnh phổ biến nhất ở trẻ em, nuôi con bằng sũa mẹ còn có ảnh hưởng tích cực trong việc phòng các bệnh nhiễm khuẩn khác như viêm tai giữa, viêm màng não do Haemophilus influenzae, nhiễm khuẩn đường tiết niệu [45].
Một số nghiên cứu khác còn chứng minh được rằng thời gian cho trẻ bú mẹ càng dài càng giảm nguy cơ béo phì ở trẻ lớn và vị thành niên [27]. Một phân tích tổng hợp từ 20 nghiên cứu về phát triển thần kinh ở trẻ cho thấy những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số về khả năng nhận biết cao hơn trẻ được nuôi bằng sữa công thức là 3.2 điểm [15].
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra các bằng chứng về lợi ích của bú sớm và bú mẹ hoàn toàn. Tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm được 22% nếu trẻ được bú mẹ sớm trong 1 giờ đầu sau khi sinh [35]. Một công bố trong tạp chí Pediatrics năm 2006 cho thấy trẻ em được bú sữa mẹ trong một giờ đầu sau sinh của vùng nông thôn Ghana có cơ hội sống cao hơn 2,5 lần so với những đứa trẻ không được bú sữa mẹ trong 24 giờ đầu [47].
Mặc dù lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong vòng giờ đầu sau sinh đã được khẳng định ở nhiều nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới nhưng cũng như số liệu về nuôi con bằng sữa mẹ nói chung, thực hành bú sớm cũng khác nhau ở các nước. Tỷ lệ cho trẻ bú sớm ở Phần Lan là 77%, Thụy Sĩ 67%, Ba Lan 65%, Anh 45%,
Columbia 49% [42]. Tỷ lệ bú sớm ở Châu Á cũng thấp hơn nhiều, theo thống kê của UNICEP cho thấy hơn 80% số trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ trong vòng 24 giờ đầu sau đẻ. Hiện trạng này cũng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển khác, cũng theo thống kê của UNICEF năm 2009, tỷ lệ cho trẻ bú sớm chung trên toàn cầu chỉ đạt 39% [39]. Hậu quả của việc trì hoãn cho trẻ bú sớm sẽ là nguy cơ giảm tỷ lệ cho trẻ bú hoàn toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em.